Viêm cầu thận mạn tính là bệnh gì?

Viêm cầu thận mạn tính là bệnh gì?
Viêm cầu thận mạn là bệnh gây tổn thương cầu thận, tiến triển từ từ trong vòng nhiều năm. Bệnh viêm cầu thận mạn có thể tiến triển thành suy thận gây nguy hiểm đến tính mạng người bệnh nếu không được phát hiện sớm và có những biện pháp điều trị kịp thời.

1. Tổng quan về bệnh viêm cầu thận mạn

Gần như tất cả các dạng viêm cầu thận cấp tính đều có xu hướng tiến triển thành viêm cầu thận mạn tính. Tình trạng này được đặc trưng bởi sự xơ hóa cầu thận và ống thận không hồi phục và tiến triển, cuối cùng dẫn đến giảm tốc độ lọc cầu thận (GFR) và giữ lại các độc tố niệu. Nếu quá trình tiến triển bệnh không được kiểm soát bằng các liệu pháp điều trị, kết quả dẫn đến bệnh thận mạn (CKD), bệnh thận giai đoạn cuối (ESRD) và bệnh tim mạch. Viêm cầu thận mạn tính là nguyên nhân hàng đầu thứ ba dẫn đến bệnh thận mạn và chiếm khoảng 10% tổng số bệnh nhân chạy thận nhân tạo.

Viêm cầu thận mạn tính là một tập hợp các bệnh về thận, trong đó các cầu thận, cụm vòng của các mao mạch được tìm thấy trong vỏ quả thận có chức năng loại bỏ chất thải dưới dạng nước tiểu, dần dần bị hư hại theo thời gian.

Viêm cầu thận mạn tính có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, cả nam và nữ đều có thể bị ảnh hưởng. Tình trạng này có thể xảy ra ở tất cả các chủng tộc và sắc tộc.

2. Nguyên nhân viêm cầu thận mạn tính

Các yếu tố gây ra bệnh viêm cầu thận mạn tính bao gồm:

+ Bệnh thận đái tháo đường: tiểu đường mất kiểm soát có thể dẫn đến các biến chứng như gây tổn thương lớn đến thận;

+ Xơ hóa cầu thận khu trú: các sẹo của mô thận ảnh hưởng đến chức năng và gây ra hội chứng thận hư;

+ Bệnh lý thận IgA: tình trạng các kháng thể IgA tích lũy trong mô thận gây tổn thương mô;

+ Lupus ban đỏ hệ thống: kháng thể trong lupus ban đỏ hệ thống có thể tấn công các mô thận và làm hỏng chức năng thận;

+ Các cá nhân mắc viêm cầu thận cấp tính nhiều lần có thể mắc bệnh viêm cầu thận mạn tính;

+ Bệnh có yếu tố di truyền, vì xảy ra nhiều hơn ở một số gia đình;

+ Hệ thống miễn dịch bất thường có thể dẫn đến viêm cầu thận mạn tính: miễn dịch bất thường có thể dẫn đến tổn thương mô thận thông qua một loạt các cơ chế;

+ Không kiểm soát được cao huyết áp có thể gây tổn hại cho thận, lâu dài có thể gây ra bệnh viêm cầu thận mạn tính.

20190622_083229_525719_huyet-ap

Tăng huyết áp không kiểm soát lâu dài có thể gây viêm cầu thận mạn (Ảnh Internet)

Nguyên nhân gây viêm cầu thận mạn tính vẫn chưa được xác định trong khoảng 25% trên tổng số trường hợp.

3. Yếu tố nguy cơ mắc viêm cầu thận mạn tính

Viêm cầu thận mạn tính có thể ảnh hưởng đến bệnh nhân ở mọi lứa tuổi. Tuy nhiên, bạn có thể kiểm soát bệnh này bằng cách giảm thiểu các yếu tố nguy cơ. Có nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm cầu thận mạn tính, chẳng hạn như:

+ Yếu tố di truyền;

+ Hội chứng Alport: một nghiên cứu đã chỉ ra rằng có sự gia tăng tỷ lệ viêm cầu thận mạn tính ở nam giới trẻ có thị lực và thính giác kém do hội chứng Alport. Những người này được cho là có di truyền với tình trạng này;

+ Viêm cầu thận cấp tính có thể tiến triển thành mạn tính nếu không được điều trị kịp thời;

+ Viêm mạch, đây là tình trạng viêm động mạch bất thường, như gây ra bởi bệnh u hạt Wegener và viêm nút quanh động mạch;

+ Hút thuốc trong thời gian dài;

+ Tiếp xúc với dung môi hydrocarbon như sơn, nhiên liệu (xăng dầu, các sản phẩm dầu khí), khí thải xe cộ, keo và chất kết dính, dung môi hữu cơ, một số loại bình xịt và thuốc trừ sâu, có thể làm tăng nguy cơ. Do đó, nếu bạn làm các ngành nghề liên quan đến hội họa, in ấn, bảo dưỡng xe, sửa chữa, chế tạo, chữa cháy, hóa chất và dược phẩm hữu cơ, liên tục tiếp xúc với khí thải động cơ, thì có nguy cơ cao mắc bệnh này;

+ Tiền sử bệnh ung thư: ung thư có thể ảnh hưởng đến chức năng của nhiều cơ quan trong cơ thể bao gồm thận;

+ Rối loạn tự miễn dịch như hội chứng Goodpasture và lupus ban đỏ hệ thống;

+ Tiểu đường không kiểm soát được và lâu dài;

+ Nhiễm trùng, ví dụ như gây ra bởi vi khuẩn hoặc virus, làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm cầu thận mạn tính. Bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn có thể bao gồm viêm nội tâm mạc do vi khuẩn (nhiễm khuẩn tim) và nhiễm trùng hậu liên cầu. Nhiễm virus có thể bao gồm HIV, viêm gan B và C, v.v.

Điều quan trọng cần lưu ý là có một yếu tố nguy cơ không có nghĩa là sẽ bị mắc bệnh. Một yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng mắc bệnh hơn là người không có yếu tố nguy cơ. Một số yếu tố nguy cơ quan trọng hơn những yếu tố khác.

Ngoài ra, không có yếu tố nguy cơ không có nghĩa là cá nhân sẽ không có khả năng mắc bệnh. Điều quan trọng là nên thảo luận về ảnh hưởng của các yếu tố nguy cơ với các chuyên gia y tế của bạn.

4. Dấu hiệu và triệu chứng của viêm cầu thận mạn tính

Nhiều người bị viêm cầu thận mạn tính có thể không nhận thức được rằng họ đang mắc bệnh, vì có thể không gây ra các dấu hiệu và triệu chứng sớm

Các triệu chứng phổ biến của bệnh viêm cầu thận mạn tính là:

+ Đi tiểu nhiều hơn bình thường;

+ Có máu lẫn trong nước tiểu;

+ Nước tiểu có bọt: bạn có thể thấy nước tiểu sủi bọt khi đi tiểu;

+ Tăng huyết áp;

+ Chảy máu cam thường xuyên;

+ Thường xuyên mệt mỏi, đau nhức và chuột rút cơ bắp, tình trạng này trở nặng vào ban đêm;

+ Các dấu hiệu và triệu chứng của thiếu máu bao gồm da xanh xao, mệt mỏi, chóng mặt;

+ Chán ăn và giảm cân;

+ Da khô, có hoặc không có ngứa;

+ Khó ngủ;

+ Buồn nôn, nôn, tiêu chảy, cảm giác đầy hơi bụng;

+ Khó thở và ho.

Trong trường hợp bệnh nặng, bạn có thể gặp các triệu chứng thần kinh như:

+ Kém tỉnh táo;

+ Buồn ngủ, thờ ơ;

+ Mê sảng;

+ Lú lẫn.

5. Biến chứng của viêm cầu thận mạn tính

Viêm cầu thận mạn tính một khi không được điều trị kịp thời có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm đối với bệnh nhân. Các biến chứng thường gặp, bao gồm:

+ Nhiễm trùng: Viêm cầu thận mạn tính làm giảm sức đề kháng của cơ thể, do đó, bệnh nhân có thể dễ mắc phải các bệnh nhiễm trùng như nhiễm trùng hô hấp, nhiễm trùng đường tiết niệu....Khi bị nhiễm trùng sẽ làm trầm trọng thêm bệnh viêm cầu thận mạn, có thể gây viêm cầu thận cấp trên nền viêm cầu thận mạn, dẫn đến gây phù, tăng huyết áp và đi tiểu ra máu nhiều hơn. Bệnh có thể tiến triển trong nhiều năm sau đó sẽ chuyển sang suy thận giai đoạn cuối.

+ Suy tim sung huyết

+ Huyết áp không kiểm soát: tổn thương thận và tích tụ chất thải trong máu có thể gây tăng huyết áp

+ Hội chứng thận hư:

Tổn thương thận có thể dẫn đến tăng mất protein qua nước tiểu. Mất protein quá nhiều trong khi đi tiểu dẫn đến giảm lượng protein trong máu. Vì protein trong máu rất quan trọng trọng việc duy trì cân bằng dịch, protein trong máu giảm dẫn đến sự tích tụ dịch bất thường trong cơ thể gây phù (phù mặt, cổ trướng, phù chân)

phu-chan-dau-hieu-benh-ly-nguy-hiem-1-600x450-153207913431786383141

Phù là một trong những biến chứng do viêm cầu thận mạn (Ảnh: Internet)

Điều trị bằng corticosteroid có thể dẫn đến các tác dụng phụ như nhiễm trùng thường xuyên, xương giòn, mất cân bằng nội tiết tố, đục thủy tinh thể...

Viêm cầu thận mãn tính kéo dài có thể dẫn đến suy thận mạn hay bệnh thận giai đoạn cuối. Những người bệnh thận giai đoạn cuối cần thẩm phân máu hay ghép thận.

6. Chẩn đoán viêm cầu thận mạn tính

Phương pháp chẩn đoán bệnh viêm cầu thận mạn tính có thể bao gồm:

+ Xem xét bệnh án;

+ Khám sức khỏe tổng quát;

+ Xét nghiệm máu toàn bộ (CBC), mức đường huyết và chỉ số HbA1c, nồng độ creatinine trong máu, nồng độ urea nitrogen (BUN) và creatinine;

+ Xét nghiệm máu đặc biệt để phát hiện các chức năng miễn dịch bất thường như tự kháng thể và các kết quả kiểm tra bổ sung;

+ Phân tích protein nước tiểu trong vòng 24h: lượng protein và máu có thể có tăng trong nước tiểu;

+ Chụp X-quang;

+ Siêu âm thận;

+ Chụp cắt lớp vi tính (CT) và chụp cộng hưởng từ (MRI) quét ổ bụng;

+ Chụp X-quang hệ tiết niệu bằng đường tiêm tĩnh mạch (IVP): phương pháp này sử dụng thuốc nhuộm tương phản để phát hiện những bất thường ở thận;

+ Sinh thiết thận;

+ Quy trình nhuộm kháng thể, xét nghiệm phân tử và các nghiên cứu bằng kính hiển vi điện tử.

Nhiều tình trạng lâm sàng khác có thể có các dấu hiệu và triệu chứng tương tự. Bác sĩ có thể thực hiện các xét nghiệm bổ sung để loại trừ các tình trạng lâm sàng khác để đi đến một chẩn đoán chính xác.

7. Điều trị viêm cầu thận mạn tính

Hiện nay, chưa có thuốc chữa trị viêm cầu thận mạn tính. Việc điều trị tùy thuộc vào tình trạng ở mỗi người và nguyên nhân gây bệnh tiềm ẩn. Hầu hết các biện pháp điều trị đều tập trung vào việc kiểm soát các triệu chứng của bệnh:

+ Thông thường, hạ huyết áp trở thành ưu tiên hàng đầu trong điều trị viêm cầu thận. Sử dụng các loại thuốc điều trị cao huyết áp và thay đổi chế độ ăn uống bằng cách giảm lượng natri và kali;

+ Duy trì cân bằng nước và điện giải;

+ Duy trì đủ lượng protein trong cơ thể;

+ Kiểm soát bệnh tiểu đường bằng các phương pháp điều trị khác nhau;

+ Uống thuốc lợi tiểu để điều trị bọng mắt và sưng, phù nề.

+ Nếu nguyên nhân của viêm cầu thận mạn tính là do rối loạn tự miễn dịch thì bác sĩ sẽ xem xét phương pháp điều trị bằng huyết tương đã tinh chế để giảm số lượng các tự kháng thể có khả năng gây hại.

+ Nếu bệnh được gây ra bởi sự bất thường trong hệ thống miễn dịch thì bác sĩ sẽ cho bạn sử dụng thuốc corticosteroid và thuốc ức chế miễn dịch.

+ Nếu tổn thương thận có nguy cơ tiến triển thành bệnh thận giai đoạn cuối thì cần phải lọc máu hoặc thậm chí ghép thận.

8. Chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân viêm cầu thận mạn

Bên cạnh điều trị bệnh thì việc chăm sóc người bệnh viêm cầu thận mạn đóng vai trò vô cùng quan trọng. Trong đó việc điều chỉnh chế độ ăn cho người bị viêm cầu thận mạn là yếu tố quan trọng trong việc chăm sóc người bệnh.

+ Đảm bảo cân bằng lượng protein tiêu thụ trong cơ thể hợp lý: Protein là thành phần không thể thiếu trong cơ thể, tuy nhiên protein cũng được phân hủy thành các chất thải được thận đào thải ra ngoài cơ thể. Khi chức năng thận bị suy giảm, các chất thải này sẽ tích tụ trong máu. Tiêu thụ quá nhiều protein sẽ gây tăng áp lực cho thận, nhưng nếu tiêu thụ quá ít protein lại không đảm bảo đủ dinh dưỡng cho cơ thể. Do vậy, bệnh nhân viêm thận mạn nên đảm bảo cân bằng lượng protein tiêu thụ một cách hợp lý, tùy thuộc vào mức độ và tình trạng bệnh.

Bên cạnh đó, nên chọn những thực phẩm chứa protein tốt như thịt nạc, cá, thịt gà, trứng..., hạn chế tiêu thụ các thực phẩm chứa protein có nguồn gốc từ nội tạng động vật như gan, tim, cật...

+ Hạn chế hấp thu muối natri: Muối ăn thông thường có thành phần chính là natri, natri có thể gây giữ nước dẫn đến tăng huyết áp và gây phù nề ở người suy thận. Do đó, bệnh nhân viêm cầu thận mạn tính nên tập thói quen ăn nhạt, đồng thời không nên sử dụng các thực phẩm chế biến từ pho mát, các loại thịt đóng hộp, muối hoặc hun khói vì có lượng natri cao.

20190425_082437_467846_muoi

Bệnh nhân viêm cầu thận mạn nên hạn chế ăn muối (Ảnh: Internet)

+ Hạn chế hấp thu kali thích đáng: Một số muối ăn được điều chế bằng muối kali, nhưng khi người bệnh xuất hiện tiểu ít; bí tiểu hoặc kali máu tăng cao, lập tức ngưng dùng muối kali, cũng như hạn chế dùng rau cải và trái cây chứa nhiều kali, như chuối; khoai tây; nước trái cây; nước rau; nước thịt.

+ Hạn chế uống nước: những người bệnh viêm cầu thận mạn nên hạn chế lượng chất lỏng vào cơ thể để làm giảm gánh nặng cho thận. Lượng chất lỏng được phép đưa vào cơ thể tùy thuộc vào mức độ chức năng thận.

+ Hạn chế phospho: Khi chức năng thận suy yếu, lượng phospho trong máu sẽ tăng lên có thể dẫn đến bệnh tim và xương. Do đó, người viêm cầu thận mạn nên hạn chế dùng các thực phẩm chứa phospho như kem, sữa chua, các loại đậu, bơ đậu phộng, các loại hạt...

+ Hạn chế bia, rượu, các thức ăn cay nóng, cà phê...

+ Tăng cường bổ sung vitamin từ trái cây và rau xanh để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.

9. Phòng ngừa bệnh viêm cầu thận mạn

Hiện tại, không có đầy đủ thông tin về các nguyên nhân gây viêm cầu thận mạn tính để đưa ra các khuyến nghị cụ thể về việc ngăn ngừa tình trạng này. Ngoài ra, trong phần lớn các trường hợp, viêm cầu thận mạn tính không thể ngăn chặn được. Tuy nhiên, một số biện pháp có thể giúp kiểm soát bệnh như sau:

+ Tránh tiếp xúc với các chất độc hại, bao gồm thủy ngân, dung môi hữu cơ, thuốc kháng viêm giảm đau không steroid (NSAIDs như aspirin, naproxen, ibuprofen)

+ Một số bệnh nhiễm virus có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh viêm cầu thận mạn tính, vì vậy, nên hạn chế các nguồn lây nhiễm nếu có thể, quan hệ tình dục an toàn, tránh lạm dụng các thuốc tiêm tĩnh mạch...

+ Kiếm soát huyết áp thông qua thuốc và giảm stress

+ Kiểm soát rối loạn tự miễn dịch

+ Kiểm soát lượng đường trong máu nếu bị tiểu đường thông qua thuốc và điều chỉnh lối sống

+ Duy trì trọng lượng cơ thể khỏe mạnh

+ Tránh hay giảm hút thuốc

+ Hạn chế ăn muối để ngăn chặn hoặc giảm thiểu ứ dịch, sưng và cao huyết áp

+ Giảm tiêu thụ chất đạm và kali để làm chậm sự tích tụ chất thải trong máu

+ Vệ sinh sạch sẽ, rửa tay thường xuyên

10. Tiên lượng của bệnh viêm cầu thận mạn

Tiên lượng của viêm cầu thận mạn tính phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của các dấu hiệu và triệu chứng. Nói chung, đây là một căn bệnh có thể đe dọa tính mạng vì có thể gây tổn thương thận không hồi phục theo thời gian.

Những người có nhiều dấu hiệu và triệu chứng nghiêm trọng hơn có thể có tiên lượng kém hơn những người có dấu hiệu nhẹ hơn. Những người đáp ứng với điều trị có tiên lượng tốt hơn so với những người không đáp ứng thuận lợi với điều trị.

Những người phát triển hội chứng thận hư có thể có tiên lượng xấu hơn. Những người viêm cầu thận mạn tính tiến triển thành bệnh thận giai đoạn cuối có thể có tiên lượng thận trọng.

Tóm lại, viêm cầu thận mạn tính là bệnh hay gặp, việc điều trị viêm cầu thận mạn mục đích chính là điều trị bảo tồn, phòng các yếu tố nguy cơ dẫn đến sự tiến triển nhanh của bệnh là vấn đề hết sức quan trọng trong quá trình kéo dài cuộc sống của người bệnh.




Tác giả: Thư Trinh