Amidan là hai hạch bạch huyết nằm ở mỗi bên phía sau cổ họng. Amidan hoạt động như một cơ chế bảo vệ và giúp cơ thể không bị nhiễm trùng. Khi tình trạng nhiễm trùng phát triển trên amidan của bạn, tình trạng này được gọi là viêm amidan.
Nguyên nhân gây bệnh thường do virus và vi khuẩn. Đặc biệt, khi thời tiết chuyển lạnh, cơ thể dễ bị cảm lạnh, cảm cúm, viêm họng. Những virus gây bệnh hô hấp này có thể lây và gây ra tình trạng viêm nhiễm amidan.
Khi thời tiết trở lạnh, nhiệt độ và độ ẩm giảm mạnh nên dễ gây kích ứng đường hô hấp. Hơn nữa, trong giai đoạn này cơ thể chưa kịp thích ứng với thời tiết nên hệ miễn dịch suy giảm, tạo điều kiện cho virus, vi khuẩn tấn công. Đặc biệt những người thường bị viêm amidan mãn tính, amidan hốc mủ rất dễ bị tái phát.
Ngoài ra, khi trời chuyển lạnh, mọi người thường có thói quen đóng cửa cả ngày. Điều này tạo cho không khí trong nhà không được lưu thông, vi khuẩn, virus và nấm mốc dễ phát triển và gây bệnh.
Thêm nữa, cảm lạnh và cảm cúm là những bệnh dễ mắc khi thời tiết chuyển lạnh. Amidan có thể bị viêm nhiễm do những loại virus này lây lan, nhất là khi có các triệu chứng có đờm, sổ mũi.
Đọc thêm:
- Tổng hợp các biện pháp điều trị viêm amidan an toàn, hiệu quả
- Cách nhận biết các dấu hiệu ung thư amidan theo từng giai đoạn
Viêm amidan dễ chẩn đoán với các triệu chứng như:
- Đau họng
- Khó hoặc đau khi nuốt
- Giọng nói thay đổi
- Hơi thở hôi
- Sốt
- Ớn lạnh
- Đau tai
- Đau bụng
- Đau đầu
- Đau hàm và cổ do sưng hạch bạch huyết
- Amidan đỏ và sưng
- Amidan có đốm trắng hoặc vàng
- Ở trẻ nhỏ, bạn cũng có thể nhận thấy sự khó chịu, kém ăn hoặc chảy nhiều nước dãi.
Mọi người có thể dự phòng viêm amidan tái phát bằng chế độ dinh dưỡng, thay đổi lối sống, thói quen hàng ngày, cụ thể:
- Hạn chế với các yếu tố có thể làm tăng nguy cơ tái phát bệnh như khói bụi, nước lạnh, rượu, …
- Giữ ấm cho cơ thể, nhất là vùng cổ họng bằng cách mặc áo cổ cao, khi ra ngoài quàng thêm khăn ấm.
- Thường xuyên vệ sinh răng miệng, mũi họng sạch sẽ. Bạn nên đánh răng 2 lần/ngày, sáng và tối trước khi đi ngủ. Dùng nước muối sinh lý vệ sinh mũi, có thể pha nước muối loãng để súc miệng hàng ngày.
- Bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng như vitamin C, Kẽm, Magie, … để tăng cường miễn dịch. Hạn chế ăn đồ cay nóng, chiên mỡ.
- Bổ sung đủ 2 lít nước/ngày, đặc biệt không để cổ họng trong tình trạng khô vì virus, vi khuẩn dễ xâm nhập.
- Điều trị triệt để các bệnh hô hấp như cảm lạnh, cảm cúm, viêm xoang, tránh để virus lây lan gây viêm nhiễm amidan.
- Tập thể dục thường xuyên, ngủ sớm, giảm căng thẳng giúp tăng cường đề kháng.
Khi bị viêm amidan, ngoài việc dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, mọi người có thể áp dụng một số biện pháp cải thiện triệu chứng tại nhà:
- Uống nhiều nước ấm
Uống nước ấm, dùng trà hoặc súp ấm có thể giúp làm dịu cơn đau họng. Ngoài ra, trà thảo mộc có chứa các thành phần như mật ong, pectin hoặc glycerine có thể hữu ích, vì những thành phần này tạo thành một lớp màng bảo vệ màng nhầy trong miệng và cổ họng, có thể làm dịu kích ứng.
- Tránh thức ăn cứng
Thức ăn cứng có thể gây khó chịu, đau, xước cổ họng, dẫn đến kích ứng và viêm thêm. Vì vậy, khi bị viêm amidan, mọi người nên ăn những thực phẩm như cháo, súp, sinh tố, hoặc đồ ăn nên làm nhừ để giúp người bệnh dễ nuốt hơn.
- Súc miệng bằng nước muối
Súc miệng bằng nước muối có thể tạm thời làm dịu cơn đau. Hơn nữa, muối có tác dụng kháng khuẩn nên sẽ giúp nhanh khỏi bệnh hơn. Vì vậy, mọi người có thể pha nước muối loãng để súc miệng hàng ngày, tránh nuốt hỗn hợp này.
Lưu ý, phương pháp này không thích hợp cho trẻ nhỏ vì có nguy cơ trẻ bị sặc nước.
- Tăng độ ẩm trong nhà
Không khi khô hanh làm cho triệu chứng đau họng càng trầm trọng thêm. Do đó, những người bị viêm amidan nên dùng máy tạo độ ẩm giúp giảm tình trạng khô họng.
- Dùng kẹo ngậm
Một số viên ngậm họng có chứa thuốc gây tê để làm tê và làm dịu cổ họng. Nhiều loại cũng chứa thuốc chống viêm để giảm sưng và viêm. Một số viên ngậm cũng chứa chất khử trùng. Chúng giúp nhắm mục tiêu các vi khuẩn gây ra viêm amidan do vi khuẩn.
Các bạn có thể mua kẹo ngậm ở các hiệu thuốc. Tuy nhiên, không nên dùng cho trẻ nhỏ vì có thể kẹo chứa một vài chất không tốt cho trẻ, hoặc trẻ có thể bị hóc.
Một trong những lưu ý khi điều trị amidan, người bệnh nên dùng kháng sinh theo chỉ định của bác sĩ để tránh khả năng tái phát bệnh và tình trạng kháng kháng sinh sau này.
Nhìn chung, viêm amidan rất dễ tái phát, đặc biệt khi thời tiết chuyển lạnh. Để hạn chế tình trạng viêm amidan, mọi người nên thay đổi lối sống, bổ sung dinh dưỡng để tăng sức đề kháng, ngăn ngừa vi khuẩn, virus xâm nhập và gây bệnh.