Vị thuốc dân gian: cây lá Đắng - Bài thuốc hỗ trợ điều trị đau vai gáy cho dân văn phòng

Tham vấn chuyên môn: - Khoa Nội Tổng hợp
Vị thuốc dân gian: cây lá Đắng - Bài thuốc hỗ trợ điều trị đau vai gáy cho dân văn phòng
Khi sử dụng thuốc Tây dễ gây tác dụng phụ và ảnh hưởng đến gan, thận, các bài thuốc nam, dễ tìm, thông dụng là lựa chọn tuy cần thời gian nhưng hiệu quả và an toàn cho người bệnh. Bài viết này sẽ chia sẻ cho các bạn công dụng của lá Đắng, bài thuốc hỗ trợ điều trị đau vai gáy.

Lá Đắng là loại cây thuộc họ nhân sâm, ở mỗi vùng loại cây này lại có tên gọi khác nhau như: cây chân chim, cây lá lằng, cây sâm nam… Cây lá đắng thường mọc hoang ở ven rừng và đồi núi, một số nơi đã trồng để làm thuốc chữa bệnh. Cây lá đắng thuộc loại cây sống rất lâu năm đây là dạng cây bụi chỉ cao từ 2-3m và mọc thẳng đứng , lá cây đắng có phiến rất rộng , lá có cuống dài có răng cưa thưa.

1. Công dụng của cây lá đắng

Lá đắng có chứa nhiều chất chống oxy hóa, làm giảm triệu chứng sưng, viêm gây đau mỏi vai gáy, xương khớp. Ngoài ra, những chất chống oxy hoá này giúp chống lại các gốc tự do gây hại cho cơ thể; chữa lành các mô chết, bảo vệ cơ thể khỏi ung thư và các bệnh nghiêm trọng khác. Các chất từ lá cây đắng, như saponin và alkaloids, terpenes, steroid, coumarins, flavonoid, axit phenolic, v.v.. giúp điều trị ung thư và hóa trị liệu.

Theo ấn bản tháng 2 năm 2008 của "Tạp chí Y tế mạch và Quản lý Rủi ro", cây lá đắng đắng có thể làm giảm lượng cholesterol xấu trong máu, đồng thời giúp cân bằng lượng cholesterol trong cơ thể. Cholesterol trong máu cao là nguyên nhân dẫn đến xơ vữa động mạch và kích thích phản ứng viêm gây đau vai gáy.

Theo y học cổ truyền, loại cây này có rất nhiều công dụng tốt cho con người, từ vỏ cây, lá cây… đều có thể dùng để làm thuốc chữa các bệnh xương khớp, đau vai gáy, bệnh về tiêu hóa, là bài thuốc hỗ trợ điều trị đau vai gáy hiệu quả. Vỏ cây lá đắng còn có tên gọi khác là ngũ gia bì chân chim, được dùng nhiều trong làm thuốc chữa bệnh vì nó có công dụng bổ dưỡng, bổ gân xương. Lá cây cũng được dùng để chữa bệnh, nhiều vùng hay cho vào nấu cùng với canh cá hay hầm cùng tim heo để ăn, giúp bồi bổ dưỡng khí, tốt cho tiêu hóa, giải nhiệt, mát gan…

2. Cách sử dụng cây lá đắng

- Cây lá Đắng làm thành đồ uống

Uống nước lá Đắng là một cách hiệu quả để hấp thụ dưỡng chất từ lá Đắng và đẩy lùi bệnh tật, là bài thuốc hỗ trợ điều trị đau vai gáy hiệu quả. Cách thứ nhất, dùng 10 lá đắng rửa sạch rồi cho vào máy xay sinh tố xay nhuyễn mỗi ngày uống 1 ly nước lá đắng rất tốt cho sức khỏe , nếu bạn cảm thấy khó uống thì có thể xay thêm với nước cam hoặc bất kì loại hoa quả nào bạn thích.

Cách thứ 2,  lá đắng đem phơi khô, sau đó dùng để hãm trà. Mỗi lần dùng khoảng 30g lá đắng khô hãm với 1 lít nước xôi. Cách này giúp làm giảm vị chát và nồng của cách uống xay lá trực tiếp kia. Còn một cách dùng lá đắng khô khác, sau khi bạn phơi khô lá đắng, đem tán nhuyễn thành bột, sau đó trộn với mật ong mỗi lần dùng và uống hàng ngày.

- Chế biến lá đắng thành món ăn

Bên cạnh uống nước lá đắng hàng ngày, còn một cách khác để sử dụng loại cây này, không những thế còn ngon miệng đó là nấu canh.

Nguyên liệu cần có:

- 30-40 lá đắng, chọn lá vừa hoặc hơi già một chút

- 4-5 nhánh sả

- 4 thìa cà phê mẻ

- 200g thịt ba chỉ. Ở một số địa phương thường sử dụng đồ lòng lợn để nấu canh, tuy nhiên nội tạng động vật chứa nhiều chất, khó tiêu, nhiều cholesterol, không tốt cho người bị đau vai gáy. Bạn có thể dùng thêm tiết để món ăn thêm hương vị, nhưng cũng không nên dùng nhiều.

- 1 quả ớt cay

- Bột canh (muối), dầu ăn

 Cách làm:

- Lá đắng rửa sạch, thái nhỏ; Sả lột bỏ lớp vỏ già, xắt mỏng, ớt thái mỏng; Thịt ba chỉ băm hoặc xay nhỏ.

- Cho dầu ăn vào nồi, sau đó cho sả vào xào cho thơm. Cho tiếp thịt vào xào. Đổ khoảng 1-1,2l nước vào nồi, nấu sôi. Khi nước sôi thì cho lá đắng vào. Tiếp đó cho mẻ. Khi canh sôi thì bạn nêm gia vị và cho thêm ớt. Canh sôi khoảng vài phút là có thể bắc nồi xuống.


Tác giả: hoanglan.ngonguyen