Vì sao phụ nữ mắc bệnh tuyến giáp nhiều hơn nam giới?

Tham vấn chuyên môn: - Khoa Nội Tổng hợp
Vì sao phụ nữ mắc bệnh tuyến giáp nhiều hơn nam giới?
Các bệnh tuyến giáp thường gặp như ung thư tuyến giáp, suy giáp, cường giáp...là những căn bệnh khá phổ biến ở nữ giới. Vì sao nữ giới có tỷ lệ mắc các vấn đề tuyến giáp cao hơn nam giới?

Tuyến giáp là một tuyến nội tiết quan trọng có chức năng điều khiển các quá trình chuyển hóa. Đối với phụ nữ, tuyến giáp nếu gặp vấn đề cũng sẽ gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng, nặng nề hơn có thể nguy hiểm đến tính mạng. Hiểu về các bệnh lý tuyến giáp để đề phòng hay tầm soát, điều trị sớm là việc cần thiết để đảm bảo sức khỏe cho chính mình và người thân.

1. Một số bệnh tuyến giáp thường gặp

Trong chuyên khoa nội tiết, nhóm bệnh lý của tuyến giáp khá thường gặp trên đặc điểm dân số nước ta.

Nhóm bệnh lý này biểu hiện bởi hai hội chứng:

Hội chứng cường giáp: tim đập nhanh, sụt cân, lồi mắt, tiêu chảy, sợ nóng, bứt rứt, thường hay cáu gắt... với bệnh Basedow, nhân giáp độc. Hội chứng suy giáp: tim chậm, mập phì, phù toàn thân, táo bón, sợ lạnh, thụ động, hay buồn ngủ, chán nản... với bệnh suy giáp, viêm giáp.

Tuy vậy, bệnh bướu giáp đơn thuần, ung thư tuyến giáp... trong đa số các trường hợp cũng có thể không biểu hiệu rõ ràng ra cả hai hội chứng trên.

Về đặc điểm dịch tễ học, nữ giới mắc các bệnh lý tuyến giáp cao gấp nhiều lần so với nam giới với tỷ lệ từ 3 - 10 lần. Đặc biệt, tần suất mắc bệnh cao nhất rơi vào nhóm phụ nữ trong độ tuổi 20.

Ngoài ra, ung thư tuyến giáp cũng là một trong những bệnh nội tiết thường gặp ở nữ giới. Mặc dù không nguy hiểm như những bệnh ung thư khác, tuy nhiên căn bệnh này cũng tiềm ẩn nhiều vấn đề.

2. Vì sao nữ giới gặp bệnh tuyến giáp nhiều hơn nam giới?

Tuyến giáp có hình cánh bướm và vị trí giải phẫu là nằm giữa cổ, ngay phía trước sụn giáp. Chức năng sinh lý của tuyến giáp là bài tiết các hormone giáp, điều hòa nhiều hoạt động sinh trưởng và phát triển của cơ thể. 

Chính sự khác biệt trong cấu tạo cơ thể về mặt giải phẫu cũng như các nhiệm vụ sinh lý của nữ giới so với nam giới là nguyên nhân chủ yếu khiến tỉ lệ mắc bệnh tuyến giáp ở nữ giới cao hơn. Bởi lẽ, trong suốt vòng đời của mình, cơ thể nữ giới phải trải qua nhiều cột mốc biến động về nội tiết tố hơn nam giới. Các giai đoạn có thể kể ra là quá trình dậy thì, trong chu kỳ kinh nguyệt, khi mang thai, sau khi sinh – cho con bú và thời kỳ mãn kinh.

Hơn nữa, một trong những lý do khiến phụ nữ mắc các bệnh lý tuyến giáp nhiều hơn giới là bởi việc sử dụng một số hormone như thuốc tránh thai, hormone thay thế,...ảnh hưởng do tâm lý như bất an, căng thẳng, mệt mỏi, stress cũng khiến tuyến giáp bị ảnh hưởng. 

3. Các nguyên nhân khác có thể gây bệnh tuyến giáp

Ngoài những nguyên nhân do giới tính, các bệnh lý tuyến giáp cũng có thể được gây ra bởi

- Thiếu hoặc cả thừa i-ốt: I-ốt là thành phần chính để tuyến giáp sản xuất ra hormone tuyến giáp. Ăn quá nhiều hoặc ăn quá ít cũng là tác nhân gây bệnh tuyến giáp. Ăn thừa i-ốt lại dẫn đến hormone giáp được sản xuất và bài tiết ra máu quá nhiều, gây ra bệnh cường giáp. 

- Do các bệnh lý tự miễn: Bệnh lý tuyến giáp là một trong các bệnh biểu hiện ra khi mắc bệnh tự miễn. Trong bệnh lý tự miễn, tế bào miễn dịch của chính cơ thể sẽ tấn công quá mức lên những tế bào bình thường, nếu tấn công vào tuyến giáp, một lượng hormone bị giải phóng vào máu gây cường giáp. Sau đó, tuyến giáp bị tổn thương nên hormone dần cạn kiệt, cơ thể rơi vào suy giáp. 

- Tiền căn gia đình: Nếu trong gia đình có người mắc bệnh lý về tuyến giáp đặc biệt là ung thư tuyến giáp thì bạn thuộc nhóm đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh. Do vậy cần tầm soát và thăm khám định kỳ nhằm phát hiện sớm và điều trị kịp thời nếu mắc.

- Nếu trước đó bạn mắc các bệnh tuyến giáp hay từng phẫu thuật, xạ trị vùng đầu - mặt – cổ cũng làm tăng nguy cơ tái phát hay mắc mới. 

- Một số loại thuốc hormone thay thế, thuốc ức chế miễn dịch, thuốc kháng virus, thuốc chống loạn nhịp tim,... hoặc tiếp xúc với bức xạ do tai nạn hay trong thử nghiệm hạt nhân đều làm gia tăng tỷ lệ mắc bệnh lý tuyến giáp.


Tác giả: Lê Cường