Vì sao người già khi huyết áp cao dễ bị xuất huyết não?

Vì sao người già khi huyết áp cao dễ bị xuất huyết não?
Vì sao người già khi huyết áp cao dễ bị xuất huyết não là một trong số những băn khoăn phổ biến nhất hiện nay trong vấn đề sức khỏe của người cao tuổi.

Xuất huyết não do vỡ mạch máu não là tình trạng bệnh có tỷ lệ tử vong cao và đặc biệt rất dễ xảy ra ở người cao tuổi. Do đó việc nhận biết nguyên nhân vì sao người già khi huyết áp cao dễ bị xuất huyết não là quan trọng để kịp thời phát hiện cũng như phòng tránh các biến chứng nguy hiểm của bệnh.

1. Huyết áp cao là gì?

Hiện nay tình trạng huyết áp cao ở người cao tuổi đang khá phổ biến. Theo thống kê của các nhà khoa học vào năm 2015, ở Việt Nam tỷ lệ huyết áp cao là 47,3%, trong đó số người cao tuổi mắc huyết áp cao chiếm đến 60% ở người trên 60 tuổi và trên 80% ở người trên 80 tuổi.

Vì sao người già khi huyết áp cao dễ bị xuất huyết não? - Ảnh 2.

Huyết áp cao là tình trạng khá phổ biến ở người cao tuổi hiện nay (Ảnh: Internet)

Tâm thu và tâm trương là hai chỉ số đại diện cho huyết áp. Chúng có thể được tính bằng milimet thủy ngân (mmHg). Chỉ số huyết áp tâm thu thường cao hơn và là dấu hiệu cho thấy áp lực trong khi tim đang đập. Trong khi đó, huyết áp tâm trương là chỉ số nhỏ hơn sẽ cho thấy áp lực khi tim đang nghỉ giữa các nhịp đập. Ở người bình thường, huyết áp sẽ ở mức dưới 120/80 mmHg. Bệnh nhân sẽ mắc bệnh cao huyết áp khi huyết áp tâm thu ở mức 140 mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương 90mmHg.

Nếu bị mắc bệnh huyết áp cao có nghĩa là lực đẩy máu vào hai bên động mạch của bệnh nhân luôn ở mức cao. Trong thời gian dài, bệnh có thể dẫn đến xuất huyết não, đột quỵ, nhồi máu cơ tim, suy tim hoặc suy thận.

2. Xuất huyết não là gì?

Trên thực tế, xuất huyết não cũng là một loại của đột quỵ. Bệnh xảy ra khi máu tràn vào mô não, gây tổn thương não. Các tổn thương này sẽ kích thích mô não và gây ra phù não. Các cục máu sẽ tập trung thành một khối và làm tăng áp lực lên các mô xung quanh, sau đó gây ảnh hưởn đến tế bào não và cuối cùng sẽ dẫn đến vỡ mạch máu não.

Xuất huyết não ở người cao tuổi có tỷ lệ tử vong cao, thậm chí các hậu quả để lại của nó cũng nặng nề, có thể là tàn phế. Việc điều trị bệnh cũng chỉ giúp kích thước khối máu tụ không tăng thêm và làm giảm các biến chứng. Chỉ một số ít bệnh nhân xuất huyết não có thể hồi phục, đi lại được, trong khi đó phần lớn người mắc bệnh sẽ tàn phế vĩnh viễn.

3. Vì sao người già khi huyết áp cao dễ bị xuất huyết não?

Trả lời cho câu hỏi vì sao người già khi huyết áp cao dễ bị xuất huyết não là khi bị huyết áp cao trong thời gian dài, tim sẽ phải gánh nhiều gánh nặng và làm hỏng các động mạch. Mạch bị xơ cứng, tính đàn hồi kém, đặc biệt là các mạch máu ở não. Đa số những vi mạch ở người lớn tuổi thường sẽ mất đi độ dẻo dai đàn hồi, cộng thêm việc huyết áp cao sẽ khiến cho máu trong não chảy mạnh hơn, gây áp lực lên thành mạch do đó những người cao huyết áp có nguy cơ xuất huyết não cao hơn những người khác.

Vì sao người già khi huyết áp cao dễ bị xuất huyết não? - Ảnh 3.

Người cao tuổi mắc huyết áp cao thường dễ bị xuất huyết não (Ảnh: Internet)

Ngoài ra, người cao huyết áo lâu ngày cũng có nguy cơ tăng xơ vữa động mạch. Các mảng xơ vữa nứt ra dẫn đến hẹp tắc lòng mạch gây giảm lượng máu đến các tế bào não. Chúng có khả năng làm cho các tế bào não bị chết và xảy ra nhồi máu.

4. Phòng tránh và điều trị tăng huyết áp ở người cao tuổi như thế nào?

Để phòng tránh xuất huyết não xảy ra thì việc giữ cho huyết áp ổn định là điều vô cùng quan trọng, đặc biệt là ở người cao tuổi. Đối với những người đã mắc bệnh thì cần tuân thủ các phương pháp điểu trị mà bác sĩ đưa ra. Với những người cao tuổi chưa mắc bệnh, cần thay đổi lối sống và chế độ dinh dưỡng một cách khoa học để có thể phòng bệnh một cách hiệu quả nhất.

Mặc dù tăng huyết áp nguy hiểm và có thể dẫn đến xuất huyết não, nhưng việc điều trị và phòng tránh căn bệnh này lại chủ yếu dựa vào việc thay đổi lối sống hằng ngày như:

- Người cao tuổi mắc huyết áp cao cần sử dụng thuốc điều trị tăng huyết áp thường xuyên theo chỉ định của bác sĩ. Trong đó có một vài loại thuốc thường được kê đơn như thuốc lợi tiểu, thuốc chẹn beta, thuốc ức chế men chuyển, thuốc giãn mạch...

- Nên thường xuyên kiểm tra huyết áp tại nhà để giúp theo dõi được tình trạng huyết áp để có thể điều trị kịp thời.

- Người già nên đi khám sức khỏe định kỳ để phát hiện và điều trị những vấn đề liên quan đến sức khỏe, trong đó có tăng huyết áp.

- Hạn chế ăn nhiều muối. Điều này là do nếu cơ thể nạp quá nhiều muối so với mức cần thiết, lượng Na+ dư thừa sẽ được đưa đến các tế bào cơ, gây ra tình trạng tăng huyết áp.

- Ổn định cân nặng, tránh béo phì do người béo phì có nguy cơ tăng huyết áp gấp đôi so với người bình thường.

- Tuyệt đối không thuốc lá. Những người hút thuốc lá thường có lượng cholesterol tốt suy giảm khiến nguy cơ đông máu gia tăng và khó nhận biết các triệu chứng bất thường của cơ thể.

- Rèn luyện sức khỏe thể chất, tập thể dục hằng ngày. Chỉ cần đi bộ nhanh khoảng 30 phút mỗi ngày cũng giúp người cao tuổi phòng tránh nhiều bệnh lý nguy hiểm như bệnh đái tháo đường, tim mạch và cả tăng huyết áp.

- Bổ sung một chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, tăng cường ăn nhiều chất xơ, chất béo có nguồn gốc thực vật...

- Hạn chế sử dụng các chất kích thích như rượu bia, cà phê... do chúng thường gây ảnh hưởng nhất định đến huyết áp.

Vì sao người già khi huyết áp cao dễ bị xuất huyết não? - Ảnh 4.


Tác giả: Anh Dũng