Vì sao chúng ta bị giảm chiều cao khi tuổi già?

Tham vấn chuyên môn: - Khoa Nội Tổng hợp
Vì sao chúng ta bị giảm chiều cao khi tuổi già?
Hiện tượng giảm chiều cao khi tuổi già là một điều bình thường. Tuy nhiên, sự sụt giảm đáng kể của chiều cao lại có thể là dấu hiệu của loãng xương - căn bệnh thầm lặng gây ra những hệ lụy không nhỏ như gãy xương, thậm chí là tàn phế.

Chúng ta biết rằng khi bước qua tuổi 20, chiều cao của cơ thể hầu như sẽ ngừng phát triển. Thực tế, hiện nay chưa có nghiên cứu cụ thể nào xác định chính xác độ tuổi bị suy giảm chiều cao. Các nhà khoa học chỉ mới nhận định rằng, con người sẽ bị lùn đi từ khi bước vào giai đoạn trung niên (khoảng 40 tuổi) và nguy cơ này là rất cao đối với phụ nữ thời kì tiền mãn kinh.

1. Nguyên nhân gây giảm chiều cao khi tuổi già

Do loãng xương

Theo bác sĩ Abby Abelson (Trưởng Khoa Thấp khớp & Các bệnh tự miễn thuộc Bệnh viện Cleveland Clinic, Mỹ), hiện tượng giảm chiều cao khi tuổi già là điều bình thường. Tuy nhiên, sự sụt giảm đáng kể của chiều cao lại có thể là dấu hiệu của bệnh loãng xương. 

Loãng xương là tình trạng xương trở nên xốp và yếu đi. Khi đó các xương của cột sống bị trọng lượng cơ thể ép lên nên chúng ngắn lại, vì thế mà chiều cao cũng bị giảm đi. Không chỉ khiến người già lùn đi mà loãng xương còn gây ra những cơn đau, khiến họ đối mặt với nguy cơ bị gãy xương đột ngột. Thông thường là gãy xương hông, xương cổ tay và xương sống. Những tổn thương này có thể gây tàn tật vĩnh viễn.

Bác sĩ Abelson cho biết thêm, chuyện lùn đi khoảng 1,3 - 1,9 cm có thể là điều bình thường, thế nhưng mất đi 5 - 7,5 hoặc thậm chí 10 cm thì đó là một điều báo động vì nó không phải là hệ quả tự nhiên của lão hóa. Đây là điều thực sự nguy hiểm vì nó có thể là dấu hiệu của bệnh loãng xương.

Đĩa đệm cột sống co lại tự nhiên

Lý do phổ biến của hiện tượng giảm chiều cao khi tuổi già không hoàn toàn là do bệnh loãng xương. Các đĩa đệm cột sống nằm giữa các đốt xương sống giống như các miếng cao su. Những đĩa này co lại một cách tự nhiên và thay đổi hình dạng khi chúng ta già đi - chủ yếu do mô và nước bị mất. 

Khi các đĩa này co rút thì các đốt xương sống xích lại gần nhau hơn. Thêm vào đó, cột sống chúng ta không thẳng tắp như một cái que mà là một chuỗi các đường cong ở vùng cổ, phần ngực trên và lưng dưới. Những đoạn cong này của cột sống tăng lên khi con người bước vào tuổi già, có thể vì các bắp thịt trở nên yếu hơn. Đồng thời các cơ xung quanh cột sống trở nên ít linh hoạt hơn, do đó khiến chúng ta khó đứng thẳng người.

Do lười tập thể dục thể thao

Lười tập thể dục thể thao khiến cơ bắp của người già mất độ săn chắc, rệu rã, dần teo nhỏ lại và không thể cố định cột sống. Sức nặng của cơ thể đè nén sẽ làm cột sống còng xuống, lưng cũng còng theo khiến cho vóc dáng thấp nhỏ đi trông thấy.

2. Giải pháp cho tình trạng giảm chiều cao khi tuổi già

Theo bác sĩ Abelson, chế độ ăn uống và lối sống là hai yếu tố giúp chúng ta kiểm soát để ngăn ngừa loãng xương - một trong những nguyên nhân gây giảm chiều cao khi tuổi già. Điều này đồng nghĩa với một chế độ ăn uống giàu canxi trong suốt cuộc đời và thói quen thường xuyên hoạt động thể chất.

Phương pháp bổ sung canxi hiệu quả nhất là thông qua các loại thực phẩm như hải sản, rau diếp, bắp cải, cải xoăn, cần tây, sữa và các chế phẩm từ sữa,…

Mặc dù có nhiều trong thực phẩm nhưng đối với một số đối tượng có nhu cầu canxi cao như trẻ em, phụ nữ mang thai, phụ nữ tiền mãn kinh/mãn kinh, người cao tuổi… thì việc bổ sung canxi từ thực phẩm chức năng là điều cần thiết. Tuy nhiên, không nên bổ sung canxi một cách tùy tiện mà cần có sự chỉ dẫn của bác sĩ hoặc chuyên gia y tế.

Theo bác sĩ Abby, mỗi người trưởng thành nên tiêu thụ 1.200mg canxi mỗi ngày để giúp ngăn ngừa loãng xương. Bên cạnh đó, nên thực hành đi bộ, chạy bộ, thể dục nhịp điệu, nâng tạ… để giúp cơ thể dẻo dai, cơ bắp sẵn chắc và tăng cường sức khỏe xương.

Ngoài ra, làm việc đúng tư thế cũng có thể giúp hạn chế được việc giảm chiều cao. Các bài tập kéo dãn cơ, bài tập sức mạnh, yoga hoặc tập vật lý trị liệu cũng có thể có ích cho bạn.


Tác giả: An Di