Kính áp tròng là loại thấu kính mỏng làm từ chất dẻo được đặt trực tiếp lên bề mặt con ngươi để điều chỉnh các tật khúc xạ của mắt. Kính áp tròng được coi là thiết bị y tế và được dùng để điều chỉnh các tật của mắt, đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ hay chữa bệnh về nhãn khoa.
Kính áp tròng tiện ích như vậy, nhưng vì sao trong mùa dịch Covid-19, chúng ta nên ngừng sử dụng nó? Theo Học viện nhãn khoa Hoa Kỳ, nếu sử dụng kính có gọng thay thế cho kính áp tròng thì bạn sẽ tránh chạm vào mắt, mũi, miệng - phương pháp phòng virus lây lan do Tổ chức Y tế thế giới WHO khuyến cáo.
Theo các chuyên gia, có 2 lý do khiến bạn phải từ bỏ thói quen đeo kính áp tròng trong mùa dịch. Đó là:
Tiến sĩ Thomas Steinemann, phát ngôn viên lâm sàng của Học viện nhãn khoa Hoa Kỳ cho biết: Người dùng kính áp tròng phải chạm vào mắt để đeo và tháo ống kính ít nhất 2 lần mỗi ngày, đồng thời họ còn phải chạm vào mắt và mặt nhiều hơn những người không sử dụng.
Cũng theo bác sĩ nhãn khoa Steinemann, tại Trung tâm y tế MetroHealth ở Cleveland, Ohio, đeo kính áp tròng là một phương pháp có thể lan truyền virus bởi bàn tay có thể chạm vào cơ thể, vào mũi, miệng sau đó lại chạm vào mắt, thậm chí có nhiều người quên rửa tay sau khi đi vệ sinh.
Ngược lại việc sử dụng kính có gọng sẽ bảo vệ mắt bạn tốt hơn khỏi những con virus corona chủng mới đang "bay lơ lửng" trong không khí.
"Cho dù khả năng nhiễm Covid-19 qua miệng và mũi nhiều hơn mắt nhưng từ chối kính áp tròng trong thời điểm này là một biện pháp phòng ngừa, giúp bạn hạn chế rủi ro nhiễm Covid-19 qua đường mắt", bác sĩ nhãn khoa Steinemann nói.
Chuyên gia về bệnh truyền nhiễm, Tiến sĩ William Schaffner, giáo sư y học dự phòng và bệnh truyền nhiễm tại Đại học Y khoa Vanderbilt ở Columbia cho biết: Có nhiều khả năng virus corona chủng mới có thể gây ra bệnh viêm kết mạc hay còn gọi là đau mắt đỏ, là tình trạng kết mạc bị viêm, làm mí mắt bị sưng và che phủ nhãn cầu.
Kết mạc mắt là màng nhầy thay đổi giống như bên trong miệng, trong mũi hoặc khoang mũi và hầu họng của bạn. Chúng có môi trường ẩm ướt, dễ chịu để virus phát triển, trên thực tế, có rất nhiều sinh vật có thể dễ dàng dính vào kết mạc của bạn, hoặc dính vào một chiếc kính áp tròng trong mắt.
Các triệu chứng của viêm kết mạc bao gồm chảy nước mắt, ngứa hoặc rát, mờ mắt, mắt có màu đỏ, có mủ, xuất hiện chất nhầy và dịch tiết màu vàng có thể đóng vảy trên lông mi, thường có cảm giác dính mắt sau khi ngủ.
Theo các báo cáo từ Trung Quốc và trên thế giới, có khoảng 1% đến 3% số người mắc Covid-19 cũng bị viêm kết mạc. Thông tin này đã khiến hơn 10 tổ chức mắt quốc gia (Mỹ) thông báo với các bác sĩ nhãn khoa ngừng tiếp nhận bệnh nhân trong bất kì trường hợp nào, bao gồm cả chăm sóc tại phòng khám và phẫu thuật, ngoại trừ trường hợp khẩn cấp như chấn thương mắt.
Tuy nhiên, bác sĩ nhãn khoa Steinemann khẳng định không phải cứ đau mắt đỏ thì có nghĩa là bạn đã nhiễm Covid-19. Coronavirus mới, hay còn được gọi là SARS-CoV-2 chỉ là một trong nhiều loại virus có thể gây viêm kết mạc. Có rất nhiều virus và vi khuẩn gây ra cảm lạnh thông thường cũng có thể gây ra bệnh đau mắt đỏ, như nấm amip và ký sinh trùng tìm thấy được khi bơi trong vùng nước bị ô nhiễm. Phản ứng dị ứng với khói hoặc bụi, dầu gội, clo hồ bơi, thậm chí thuốc nhỏ mắt có thể khiến mắt bị đỏ.
Theo các bác sĩ, đau mắt đỏ chỉ có thể là triệu chứng của Covid-19 khi bạn đi kèm triệu chứng sốt, ho hoặc khó thở.
Để phòng tránh nhiễm Covid-19, ngoài tránh dùng kính áp tròng các bác sĩ còn khuyến cáo mọi người nên giữ khoảng cách 2m với người khác, cần vệ sinh cá nhân sạch sẽ bao gồm rửa tay sạch, không dùng tay chạm vào mặt, không nên dụi mắt, đảm bảo vệ sinh kính áp tròng nếu bạn tiếp tục đeo chúng.
Theo CNN