Trong các triệu chứng của bệnh viêm xoang, nghẹt mũi và điếc mũi là những triệu chứng chính và rất thường gặp. Nghẹt mũi và điếc mũi không quá nguy hiểm, nhưng nó lại gây nên sự bất tiện rất lớn cho sinh hoạt của người bệnh.
Một số lý do chủ yếu được đưa ra để giải thích cho tình trạng nghẹt mũi và điếc mũi ở bệnh nhân viêm xoang bao gồm:
- Phù nề niêm mạc mũi: Niêm mạc mũi phù nề làm cho diện tích tiết diện của đường hô hấp trên bị thu hẹp khiến không khí khó đi qua hơn, gây cảm giác nghẹt mũi cho bệnh nhân.
Ngoài ra, do niêm mạc vùng mũi có hai vùng là vùng hô hấp (từ lưng cuốn mũi giữa trở xuống) và vùng khứu giác (từ lưng cuốn mũi giữa trở lên). Do đó, khi niêm mạc mũi phù nề thì vùng nhận cảm khứu giác của niêm mạc mũi cũng bị ảnh hưởng, các đầu mút thần kinh khứu giác nhận cảm kém hơn.
Vì vậy bệnh nhân có thể giảm khả năng nhận biết mùi, nặng hơn có thể điếc mũi hoàn toàn. Nhưng tình trạng này có thể hồi phục được và khứu giác của bệnh nhân sẽ quay về bình thường nếu viêm xoang được điều trị khỏi.
- Tình trạng tiết dịch của xoang: Khi bị viêm xoang, dịch viêm trong các xoang chảy ra lỗ mũi qua các lỗ thông (tùy thuộc xoang bị viêm mà lỗ thông có thể ở vị trí khác nhau). Dịch viêm đổ vào mũi khiến cho không gian phía trong mũi chứa đầy dịch nhầy gây cản trở sự lưu thông của khí, dịch nhầy càng nhiều và quánh đặc thì sự cản trở càng nhiều và cũng khiến cho tình trạng nghẹt mũi ở bệnh viêm xoang nặng nề hơn.
Mặc dù nghẹt mũi và điếc mũi là dấu hiệu khá điển hình của bệnh viêm xoang, nhưng nó cũng có thể xuất hiện trong nhiều bệnh lý tai mũi họng khác. Do đó, không phải lúc nào có nghẹt mũi và điếc mũi cũng đồng nghĩa với bệnh nhân bị viêm xoang. Vậy làm cách nào để biết nghẹt mũi và điếc mũi do bệnh viêm xoang gây nên?
- Người bệnh xuất hiện các triệu chứng của bệnh viêm xoang: Nghẹt mũi và điếc mũi có thể là do bệnh viêm xoang gây nên nếu nó xuất hiện cùng với các triệu chứng của bệnh viêm xoang đi kèm. các triệu chứng viêm xoang điển hình mà bệnh nhân có thể gặp phải như đau nhức vùng mặt, chảy nước mũi, sốt nhẹ hoặc trung bình, hắt xì liên tục, ho,...
- Có các xét nghiệm định hướng chẩn đoán viêm xoang: Một số xét nghiệm có thể được thực hiện khi bệnh nhân bị nghẹt mũi, điếc mũi để chẩn đoán xem bệnh nhân có bị bệnh viêm xoang hay không. Những xét nghiệm thường dùng bao gồm soi mũi, chụp Xquang, chụp CT-Scan,...
Do nghẹt mũi và điếc mũi là hai triệu chứng gây khó chịu rất nhiều cho bệnh nhân viêm xoang, nên làm thế nào để giảm nhẹ chúng là điều được hầu hết các bệnh nhân đều quan tâm. Một số biện pháp có thể được sử dụng để giảm nghẹt mũi và điếc mũi trong bệnh viêm xoang bao gồm:
- Sử dụng các thuốc co mạch : Các thuốc co mạch dạng xịt có thể được sử dụng cho người bệnh để làm giảm tình trạng sung huyết, phù nề của niêm mạc. Từ đó làm thông thoáng đường thở, giảm nghẹt mũi, điếc mũi.
- Rửa mũi: Rửa mũi nhằm làm sạch dịch nhầy trong ổ mũi và làm dịch nhầy trở nên loãng hơn, dễ chảy ra ngoài hơn nên cũng làm giảm sự bít tắc đường thở do dịch nhầy khi bị viêm xoang. Bệnh nhân có thể rửa mũi bằng các dung dịch chuyên dụng hoặc sử dụng nước muối sinh lý.
- Xông nước nóng: Xông nước nóng được xem là một hình thức an toàn và rẻ tiền để giảm nghẹt mũi. Bệnh nhân có thể sử dụng nước nóng cho thêm tinh dầu hoặc các loại thảo dược như sả, bạch đàn,... để xông mũi sẽ làm hiệu quả được tăng lên đáng kể.
Trên đây là một số thông tin cơ bản mà bạn cần biết về tình trạng nghẹt mũi và điếc mũi trong bệnh viêm xoang. Tuy nhiên cần nhớ rằng, nghẹt mũi và điếc mũi do viêm xoang chỉ có thể hết khi viêm xoang được chữa khỏi. Vì vậy, ngay khi có các triệu chứng nghi ngờ bệnh viêm xoang xảy ra, hãy đi khám ngay để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.