Bên cạnh các triệu chứng điển hình là nốt phỏng nước ở niêm mạc miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân,... thì bệnh nhân mắc bệnh tay chân miệng còn có thể biểu hiện bằng nhiều triệu chứng khác. Trong đó, sốt là một triệu chứng rất thường gặp trên thực tế. Khi bị tay chân miệng trẻ có thể sốt với nhiều mức độ khác nhau từ sốt nhẹ, sốt mức độ trung bình cho đến sốt cao kéo dài,... Do đó, làm thế nào để hạ sốt đúng cách cho trẻ bị tay chân miệng luôn là vấn đề được các bậc cha mẹ rất quan tâm.
Bình thường, nhiệt độ của cơ thể sẽ được cân bằng bởi hai quá trình là sinh nhiệt (do quá trình chuyển hóa, do vận động sinh công, do sự tăng nhiệt của chính tế bào) và quá trình thải nhiệt (thải nhiệt qua da, qua hơi thở,...). Nhờ đó mà nhiệt độ cơ thể luôn dao động hằng định quanh mức 37oC, đảm bảo các chứng năng sống bình thường của cơ thể.
Khi virus gây bệnh tay chân miệng xâm nhập vào cơ thể, nó sẽ thúc đẩy quá trình miễn dịch của cơ thể với sự tham gia của các đại thực bào. Từ đó, nhiều hoạt chất khác nhau sẽ được giải phóng từ quá trình này, trong đó có các chất gây sốt nội sinh. Những chất gây sốt nội sinh này sẽ tác động lên trung tâm điều nhiệt của cơ thể nằm ở hành não, làm rối loạn hoạt động điều nhiệt của cơ thể (sinh nhiệt và thải nhiệt) từ đó gây nên tình trạng sốt.
Trong các trường hợp nặng, sự xâm nhập của virus lan rộng khiến chúng tấn công trực tiếp vào trung tâm điều nhiệt hoặc các độc tố do virus tiết ra gây tổn thương trung tâm này thì có thể gây nên tình trạng sốt cao kéo dài, sốt đáp ứng kém với các phương pháp hạ sốt. Đây có thể là dấu hiệu cảnh báo cho một bệnh cảnh bệnh tay chân miệng nặng nề ở trẻ.
Có nhiều phương pháp khác nhau có thể được sử dụng để hạ sốt cho trẻ, bao gồm các phương pháp hạ sốt vật lý và hạ sốt bằng thuốc. Tuy nhiên, làm thế nào để hạ sốt cho trẻ đúng cách và hiệu quả lại là điều không hề đơn giản.
- Cởi bỏ bớt quần áo: Khi bị sốt, thân nhiệt của trẻ tăng lên có thể khiến trẻ cảm thấy lạnh. Tuy nhiên, trong trường hợp này cha mẹ không nên vì trẻ cảm thấy lạnh mà mặc thêm áo hoặc đắp chăn cho trẻ. Việc mặc thêm nhiều quần áo, đắp chăn,... chính là nguyên nhân gây cản trở quá trình thải nhiệt của cơ thể trẻ làm cho sốt cao hơn.
Do đó khi trẻ bị sốt do bệnh tay chân miệng thì cha mẹ nên giúp trẻ cởi bỏ bớt quần áo, mặc thoáng mát, không mặc thêm áo ấm hoặc đắp chăn cho trẻ,... để giúp trẻ có thể hạ sốt nhanh chóng hơn.
- Lau mát: Một trong các phương pháp hạ sốt vật lý rất hiệu quả mà các bậc cha mẹ có thể áp dụng để hạ sốt cho trẻ khi bị bệnh tay chân miệng chính là lau mát hoặc tắm cho trẻ.
Cha mẹ sử dụng nước ấm có nhiệt độ vừa phải (thử bằng cách sử dụng khuỷu tay nhúng vào trong nước như khi pha nước tắm cho em bé) để tiến hành lau mát. Khăn nhúng nước ấm cần được vắt bớt nước trước khi lau người cho trẻ. Các vị trí tiến hành lau mát là những nơi da mỏng, có hệ thống mạch máu phong phú đi qua như nách, bẹn,... để quá trình thoát nhiệt dễ dàng hơn.
Lưu ý rằng, mỗi khăn lau chỉ nên sử dụng sau khi nhúng nước từ 2-3 phút sau đó phải làm ấm lại khăn và không nên lau vùng ngực để tránh nhiễm lạnh cho trẻ.
Hoặc cha mẹ cũng có thể cho trẻ tắm trực tiếp vào trong nước ấm để giúp trẻ hạ sốt, nhưng không nên ngâm trẻ trong nước quá lâu khiến trẻ bị lạnh.
Thuốc thường được sử dụng để hạ sốt cho trẻ bị bệnh tay chân miệng là paracetamol, liều sử dụng được khuyến cáo với mục đích hạ sốt cho trẻ bị tay chân miệng là 10mg/kg/lần, hai lần sử dụng cách nhau tối thiểu là 6 tiếng.
Không nên lạm dụng paracetamol để hạ sốt cho trẻ bị bệnh tay chân miệng, bởi với liều điều trị đúng thì paracetamol tương đối an toàn và ít tác dụng phụ, nhưng nếu sử dụng quá liều thì nó lại có thể gây nên tổn thương tế bào gan của người bệnh.
Đối với các trường hợp sử dụng paracetamol mà hiệu quả hạ sốt vẫn không như mong muốn thì trẻ có thể được cho sử dụng thêm ibuprofen để hạ sốt. Nhưng việc sử dụng ibuprofen để hạ sốt gây nhiều tác dụng phụ, đặc biệt là có thể gây viêm loét đường tiêu hóa. Do đó, cần thận trọng khi sử dụng ibuprofend để hạ sốt cho trẻ.
Tuyệt đối không sử dụng thuốc aspirin để hạ sốt cho trẻ bị bệnh tay chân miệng do hiệu quả hạ sốt không cao, mà lại gây ra nhiều nguy cơ tổn thương gan và hội chứng Reye (cảm cúm, nôn, rối loạn ý thức, co giật, ngừng thở hoặc thậm chí tử vong).
Ngoài các biện pháp hạ sốt bằng lau mát, mặc thoáng mát và hạ sốt bằng thuốc thì cha mẹ còn có thể áp dụng một số phương pháp hạ sốt khác cho trẻ như:
- Sử dụng nhiều nước hơn: Bổ sung nước trong chế độ ăn, bằng các dung dịch bù nước và điện giải hoặc bằng dịch truyền khi cần thiết cũng có thể giúp hạ sốt cho trẻ.
- Để trẻ được nghỉ ngơi nhiều hơn,...
Khi trẻ bị sốt do bệnh tay chân miệng, một vấn đề mà các bậc cha mẹ cần phải lưu ý là theo dõi chặt chẽ tình trạng sốt của trẻ để biết khi nào nên đưa trẻ đến bệnh viện ngay lập tức.
Một số dấu hiệu cảnh báo nên đưa trẻ bị bệnh tay chân miệng đến bệnh viện:
- Sốt cao trên 39oC hoặc trẻ sốt kéo dài trên 2 ngày.
- Sốt không đáp ứng với các biện pháp hạ sốt.
- Trẻ sốt kèm có các dấu hiệu như giật mình nhiều lần, lừ đừ, nôn, yếu tay chân, khó thở, co giật,...
Qua đây có thể thấy rằng, mặc dù trong hầu hết các trường hợp sốt là triệu chứng rất thông thường của bệnh tay chân miệng. Tuy nhiên, sốt cũng có thể là dấu hiệu phản ánh cho một tình trạng bệnh cảnh nặng nề đang xảy ra. Do đó, cha mẹ cần tự trạng bị cho mình kiến thức để hạ sốt cho trẻ đúng cách và theo dõi trẻ tốt nhằm phát hiện tình trạng bất thường để có thể đưa trẻ đến viện kịp thời.