Vì sao bệnh nhân 994 đã dương tính lại có kết quả âm tính trở lại với virus SARS-CoV-2?

Vì sao bệnh nhân 994 đã dương tính lại có kết quả âm tính trở lại với virus SARS-CoV-2?
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng Khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) nhận định, trường hợp BN994, 87 tuổi ở Bệnh viện E cho kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2 sau đó lại âm tính trở lại, gọi là dương tính giả do hiện tượng nhiễm chéo.

1. Bệnh nhân 994 dương tính giả với virus SARS-CoV-2

Theo thông tin từ Bộ Y tế, ngày 12/8 bệnh nhân 994 (BN994), nam, 87 tuổi, có địa chỉ tại xã Khải Xuân, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ tới khám tại Bệnh viện E (Hà Nội). Ngày 18/8, BN 994 được lấy mẫu gửi Viện Vệ sinh dịch tễ Trung Ương xét nghiệm, ngày 19/8 cho kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2.

Tuy nhiên, sau khi được chuyển đến cách ly và điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh, ngay trong tối 19/8 bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm tại đây và cho kết quả âm tính lần 1 với virus SARS-CoV-2. Ngày 20/8 bệnh viện tiếp tục lấy mẫu bệnh phẩm lại lần 2 để xét nghiệm khẳng định, đồng thời chuyển mẫu bệnh phẩm đến Viện Vệ sinh dịch tễ Trung Ương để xét nghiệm bằng các kỹ thuật khác.

Tất cả các lần xét nghiệm của 2 đơn vị đều cho kết quả BN 994 âm tính với virus SARS-CoV-2. Do đó, chiều 20.8, Bộ Y tế rút bệnh nhân 994 khỏi danh sách bệnh nhân Covid-19 tại Việt Nam sau 12 giờ kể từ khi công bố ca bệnh.

2. Vì sao bệnh nhân 994 đã dương tính lại có kết quả âm tính trở lại với virus SARS-CoV-2?

Để lý giải hiện tượng trên, theo BS Trương Hữu Khanh trước tiên chúng ta cần hiểu về xét nghiệm PCR - hiện là phương pháp xét nghiệm tối ưu nhất và được coi là “tiêu chuẩn vàng” để chẩn đoán bệnh COVID-19.

Xét nghiệm PCR còn được gọi là xét nghiệm sinh học phân tử là một kỹ thuật nhằm tạo ra một lượng lớn bản sao DNA mục tiêu trong ống nghiệm dựa vào các chu kỳ nhiệt. Hiện phương pháp này đang được sử dụng rộng rãi trong y học và nhiều lĩnh vực khác trên toàn thế giới.

Kỹ thuật PCR được dùng để chẩn đoán nhiều bệnh đặc hiệu, liên quan đến nhiễm virus mà xét nghiệm truyền thống không thực hiện được hoặc cho kết quả không chính xác. Ví dụ như, phát hiện Virus Dengue gây sốt xuất huyết; phát hiện HIV; phát hiện vi khuẩn, virus và gen nguy cơ gây ung thư (gen RCA1 - BRCA2 ở ung thư vú, HPV trong ung thư cổ tử cung, gen Rb-105 gây u nguyên bào lưới, gen TPMT gây bệnh bạch cầu ở trẻ nhỏ,...)

Trong chẩn đoán và điều trị COVID-19, xét nghiệm PCR đóng vai trò quan trọng do phản ứng rất nhạy và cho kết quả đặc hiệu. Vì vậy, thực hiện xét nghiệm PCR thường có kết quả độ chính xác rất cao.

Vì sao bệnh nhân 994 đã dương tính lại có kết quả âm tính trở lại với virus SARS-CoV-2? - Ảnh 1.

Trong chẩn đoán và điều trị COVID-19, xét nghiệm PCR đóng vai trò quan trọng do phản ứng rất nhạy và cho kết quả đặc hiệu (Ảnh: Lao Động)

Tuy nhiên, đây là một xét nghiệm khó và kết quả cũng còn tùy thuộc vào trình độ của kỹ thuật viên, phương tiện máy móc làm việc và việc quản lý chất lượng. Cùng một xét nghiệm nhưng có nơi cho kết quả nhạy và chính xác, nơi khác thì không có được độ nhạy bằng.

Để có kết quả PCR chính xác, việc lấy mẫu bệnh phẩm tiến hành xét nghiệm trong nồng độ thích hợp, điều nhiệt đúng với từng giai đoạn cần đặc biệt lưu ý. Trường hợp sai sót, phản ứng PCR xảy ra với hiệu suất thấp, thậm chí có thể không xảy ra dẫn đến phản ứng PCR âm tính mặc dù biểu hiện lâm sàng của bệnh nhân rất rõ. Đôi khi, vô tình để xảy ra phản ứng nhiễm chéo giữa các mẫu chứng thì sẽ có phản ứng PCR dương tính ngay cả khi biểu hiện trên lâm sàng của bệnh nhân rất mờ nhạt, không rõ ràng.

Trường hợp BN 994 dương tính giả với virus SARS-CoV-2, BS Trương Hữu Khanh lý giải nguyên nhân là do nhiễm chéo giữa các mẫu bệnh phẩm (chéo mẫu xét nghiệm), không phải cảm nhiễm. Thông thường, mẫu bệnh phẩm âm tính, xét nghiệm sẽ cho kết quả âm tính nhưng nếu bị mẫu bệnh phẩm dương tính rớt vào sẽ cho kết quả dương tính giả. Điều này hoàn toàn có thể xảy ra vì không thể đảm bảo 100 % không có chéo mẫu.

Vì sao bệnh nhân 994 đã dương tính lại có kết quả âm tính trở lại với virus SARS-CoV-2? - Ảnh 2.

3. Số ca nhiễm Covid-19 mới giảm so với giai đoạn cuối tháng 7, đầu tháng 8

Trong những ngày gần đây, số lượng người nhiễm Covid-19 do lây nhiễm trong cộng đồng có xu hướng giảm so với giai đoạn cuối tháng 7, đầu tháng 8.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh cho rằng, mỗi loại bệnh truyền nhiễm có “thời gian vàng” dập dịch khác nhau. Với riêng Covid-19, “thời gian vàng” có thể dao động trong khoảng một tháng kể từ khi phát hiện ca bệnh đầu tiên. Việt Nam đã và đang tận dụng tốt thời gian này để dập dịch.

Với một thành phố đông dân và lượng du khách lớn như Đà Nẵng, khả năng truy vết lịch trình di chuyển của người bệnh rất khó khăn. Do đó, ngành Y tế đã dồn toàn lực để khoanh vùng, phân nhóm, xét nghiệm từ khu vực nguy hiểm nhất đến toàn địa bàn nhằm hạn chế sự bùng phát của dịch Covid-19.

Nhìn chung, BN994 cho kết quả âm tính trở lại và số ca nhiễm Covid-19 mới trong cộng đồng giảm là một điều đáng mừng. Tuy nhiên, người dân vẫn cần thực hiện nghiêm túc các hướng dẫn của Bộ Y tế như, tuân thủ cách ly, đeo khẩu trang đúng cách ở nơi cộng động và thường xuyên rửa tay sạch bằng xà phòng. “Nếu chúng ta lơ là, dịch bệnh có thể sẽ tăng nhanh trở lại”, bác sĩ Trương Hữu Khanh khuyến cáo.


Tác giả: Trang Lê