Tính đến 6h sáng ngày 11/8, tại Việt Nam, làn sóng đại dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 3 đã khiến 15 người tử vong chỉ sau khoảng 2 tuần kể từ khi xuất hiện ca nhiễm đầu tiên.
Điều này đã khiến không ít người lo lắng trước tình hình bệnh dịch. Đại đa số đều lựa chọn hạn chế di chuyển nhất có thể để đảm bảo an toàn cho bản thân, gia đình và cộng đồng thay vì đi du lịch hè như mọi năm. Bởi, họ băn khoăn không biết rằng liệu vi-rút SARS-CoV-2 liệu có lây nhiễm, đặc biệt là khi nhảy xuống biển hay không?
Để giải đáp những thắc mắc này, chúng tôi xin phép đăng tải lại bài viết của bác sĩ Trần Văn Phúc (BV Xanh Pôn, Hà Nội):
Đi du lịch biển cần thuộc lòng điều này: không tắm biển sau cơn mưa 72 tiếng đồng hồ để tránh bị ốm!
Nhiều người có thể mắc bệnh ngoài da, viêm tai, bệnh dạ dày, bệnh tiêu chảy, nhiễm trùng mắt, nhiễm trùng đường hô hấp nghiêm trọng nếu xuống nước trong vòng 3 ngày kể từ khi mưa lớn.
Mưa cuốn trôi vi khuẩn từ trên bờ xuống đại dương.
Đặc biệt với những cơn mưa lớn đầu mùa, những hóa chất tích tụ, bụi bẩn, cùng với mầm bệnh đọng lại trong suốt những ngày khô nóng được cuốn vào dòng chảy, trôi xuống cống thoát nước và sông, từ đó thải tất cả ra biển.
Hệ thống xử lí nước thải kém cũng rất nguy hiểm.
Đại dương sau cơn mưa, lợi dụng những con sóng vô tình để tạo ra tất cả các loại mầm bệnh dạng hạt đủ loại kích thước, từ giọt bắn cho đến giọt siêu mịn. Mỗi khi đại dương ho hoặc hắt hơi kèm, nó sẽ phun những hạt này vào không khí, gió biển có thể rất mạnh khiến các hạt bay vút lên cao, đủ gây bệnh cho người nhảy xuống tắm hoặc lướt sóng.
Các giọt mịn, thuật ngữ chuyên môn tiếng Anh xuất phát từ Latin gọi là 'sol' khí, dịch ra theo nghĩa Hán Việt là 'khí dung giao'. Trên thực tế, đại dương là nơi cung cấp số lượng hạt sol khí tự nhiên nhiều nhất, rồi mới đến các hạt bụi mịn. Các nghiên cứu chỉ ra rằng, đại dương hắt hơi xì ra những hạt giọt mịn lang thang khắp thế giới trong vòng 2 tuần, nó hình thành những đám mây trên đại dương và rơi xuống mặt đất ở bất cứ nơi đâu.
Chúng ta cần bảo vệ nguồn nước bề mặt không ô nhiễm.
Như tôi đã nói, SARS-CoV-2 là chủng vi-rút nhỏ nhất trong tất cả các loại vi-rút, kích thước chỉ từ 80-120nm. Vi-rút lẩn khuất ở khắp mọi nơi, chẳng ai nhìn được bằng mắt thường, không ngửi thấy, vì thế chúng là kẻ giết người thầm lặng.
Để chiến thắng vi-rút chúng ta phải nhìn ra nó đang ở đâu.
Và chỉ có 2 cách để nhìn, hoặc bằng các phương tiện hiện đại như kính hiển vi điện tử phóng to gấp triệu lần, hoặc nhìn bằng trí tuệ.
Vào ngày 5 tháng 3, các nhà khoa học ở Hà Lan khi xét nghiệm PCR nước thải sinh hoạt của 7 thành phố và sân bay, đã phát hiện ra vi-rút SARS-CoV-2. Điều này dấy lên mối lo ngại, rằng vi-rút có thể xâm nhập vào vùng nước ven biển, rồi truyền ngược vào các hạt sol khí dọc theo bờ biển để gây bệnh cho du khách.
Thời điểm đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng như Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) đã phải đưa ra cảnh báo, SARS-CoV-2 có thể truyền qua các giọt phun lên từ mặt biểne.
Dưới con mắt của các quan chức y tế California, các bãi biển thực sự là mối đe dọa sức khỏe, Ủy ban Duyên hải đã phải yêu cầu địa phương cắm biển cấm, nhưng vẫn không ngăn cản được dòng người đông đúc kéo đến những bãi biển nổi tiếng ở Mỹ.
Mỗi ngày, người dân California được chứng kiến những chiếc xe tuần tra gắn loa phóng thanh chạy dọc Đại lộ Ocean ở Santa Monica, khuyến cáo người dân tránh xa bãi biển. Ở bãi Manhattan, một người đàn ông lướt sóng đã bị phạt 1.000 đô la, sau khi anh ta phớt lờ những lời cảnh báo không được xuống nước.
Giáo sư Charles Gerba, chuyên gia vi sinh vật học tại Đại học Arizona, người đã nghiên cứu dịch SARS năm 2003 đã phát hiện ra vi-rút SARS-CoV-1 có thể tồn tại 3 ngày trong nước thải thô. Nhưng với SARS-CoV-2 lần này, 90% bị loại bỏ bởi quy trình xử lí nước thải thông thường, vì nó rất nhạy cảm với chất khử trùng.
Một nghiên cứu công bố trên Tạp chí Y học New England vào tháng 4, đã phát hiện ra vi-rút lơ lửng trong sương mù trong điều kiện phòng thí nghiệm, nó vẫn "tồn tại và lây nhiễm" trong ba giờ, nhưng các nhà nghiên cứu nói rằng trong điều kiện môi trường vi-rút sẽ không tồn tại được quá 30 phút.
Nhưng chưa có nghiên cứu nào chỉ ra được SARS-CoV-2 có trong nước biển!
Hoa Kỳ được ví như "dàn hợp xướng" SARS-CoV-2, với những bệnh viện tràn ngập COVID và những nhà tang lễ không đủ sức khâm niệm.
Trong khi đó, các bãi biển ở California gần như không còn chỗ trống, mặc dù chính quyền đã dùng mọi cách để cấm.
Nhưng thật kì lạ, tôi chưa tìm thấy một bãi biển nào bùng phát thành ổ dịch COVID-19, từ California cho đến khắp mọi nơi trên thế giới, có chăng chỉ là những ca lây nhiễm cục bộ do tiếp xúc; theo tôi đó là điều kì diệu.
Và điều kì diệu này cũng xảy ra tương tự ở bãi biển Bali, nơi có dân số khổng lồ 4,2 triệu người và cũng đón hàng triệu lượt khách du lịch quốc tế mỗi năm.
Tính đến ngày 15 tháng 5, mặc dù trước đó Bali bị coi là ổ dịch nóng của thế giới, nhưng vẫn chỉ có 343 ca mắc và 4 ca tử vong. Trong khi đó, thủ đô Jakarta có dân số chỉ gấp đôi, nhưng số bệnh nhân nhiễm lên tới hơn 6000 ca.
Hàng ngàn khách du lịch quốc tế bị mắc kẹt ở Bali, số lượng ước tính vào khoảng 20 ngàn người, đặc biệt rất đông khách Trung Quốc.
Và đây là con số thống kê hiện tại:
Bali
- Dân số = 4.200.000
- Số mắc = 3.779 (chiếm 0,09% dân số)
- Số khỏi = 3.269 (chiếm 87%)
- Tử vong = 49 (chiếm 1,3%)
Jakarta
- Dân số = 10.700,000
- Số mắc = 25.727 (chiếm 0,24% dân số)
- Hồi phục = 16.268 (chiếm 63%)
- Tử vong = 930 (chiếm 3,6%)
Indonesia = 127.000 bệnh nhân.
Vào tháng 2, Bali được quảng bá là "hòn đảo nghỉ dưỡng an toàn", tuy nhiên, tháng 3 lượng khách du lịch giảm tới 60%, đến tháng 4 lượng khách = 0 và duy trì con số này đến tận hôm nay.
Rõ ràng, Bali là điểm cực nóng của đại dịch COVID toàn cầu, mật độ dân số đô thị cũng dày đặc lên tới 4,2 triệu nhưng tỉ lệ nhiễm bệnh và tử vong rất thấp, trong khi tỉ lệ khỏi bệnh lại rất cao.
Điều này tôi cũng nhận thấy có nét tương đồng với Đà Nẵng.
Số liệu thu thập từ 24/7 – 8/8 tại Đà Nẵng, có tổng số ca mắc 224 đã được phát hiện, nhưng riêng con số liên quan đến Bệnh viện Đà Nẵng là 176, còn lại 48 ca lây bệnh ngoài cộng đồng.
Nhìn lại quá trình dịch bệnh diễn ra ở Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Indonesia, Malaysia cũng như nhiều quốc gia trên thế giới, tôi nhận thấy quy luật các ổ dịch bùng phát chủ yếu liên quan đến nhà máy đông lạnh đóng gói thịt, tàu du lịch, viện dưỡng lão, quá bar, nhà thờ… Ngay như Đà Nẵng, thì ổ dịch bùng phát mạnh mẽ ở bệnh viện chứ không phải ngoài cộng đồng.
Tức là SARS-CoV-2 với những nơi thỏa mãn 3 điều kiện:
- Khép kín ít trao đổi khí.
- Nhiệt độ thấp và khô, sử dụng máy lạnh.
- Mật độ người đông đúc (đặc biệt đối tượng dễ nhiễm).
Các bãi biển trên thế giới đông nghẹt người, nhưng tôi chưa thấy nơi đâu bùng phát dịch, ngay cả Bali thì cũng được cho là các hoạt động tôn giáo mạnh mẽ nhất, đặc biệt là các lễ hội vào dịp tháng 3.
Các nghiên cứu trước đây đã chỉ ra 4 lí do để nước biển trở nên an toàn với các tác nhân gây bệnh là vi sinh vật:
- Một là: sự pha loãng của các dòng hải lưu.
- Hai là: bức xạ tử ngoại và tia cực tím.
- Ba là: độ mặn của nước biển.
- Bốn là: các sinh vật biển diệt vi-rút và vi khuẩn.
Một nghiên cứu về SARS-CoV-2 trong nước biển của Hội đồng khoa học cấp cao Tây Ban Nha đã kết luận rằng: "Mặc dù không có nghiên cứu nào về sự phổ biến của vi-rút trong cát có mặt ở các bãi biển hoặc bờ biển, nhưng hoạt động chung của muối trong nước biển, bức xạ mặt trời tia cực tím và nhiệt độ cao mà cát có thể đạt tới là điều kiện thuận lợi cho việc bất hoạt các mầm bệnh."
Tôi nói với người bạn rằng, có thể đi du lịch Phú Quốc theo kế hoạch, nhưng cần phải có những biện pháp phòng vệ cá nhân thật tốt.
- Đeo khẩu trang.
- Rửa tay bằng xà phòng dưới vòi nước chảy.
- Giữa khoảng cách trên 2 mét với người lạ.
Tôi thích câu nói nổi tiếng của nhà bác học Charles Darwin: "It is not the strongest species that survive, nor the most intelligent, but the ones most responsive to change - Không phải loài mạnh nhất tồn tại, cũng không phải loài thông minh nhất, mà là loài phản ứng nhanh nhất với sự thay đổi."
Đại dịch COVID: chúng ta phải học cách thích nghi với vi-rút!
SARS-CoV-2 gây ra ĐẠI DỊCH, khủng hoảng kinh tế gây ra ĐẠI NẠN, cả đại dịch và đại nạn có tác động qua lại chặt chẽ với nhau, nếu đổ vỡ 1 trong 2 thì hệ quả tất yếu sẽ đổ vỡ cả 2, gây rối loạn xã hội là có thực.
Tôi cho rằng, Việt Nam cần thiết duy trì du lịch biển, ngay cả những bãi biển đang xảy ra dịch bệnh như Đà Nẵng; chúng ta phải có kịch bản sống chung với dịch để ổn định phát triển kinh tế.
Tại những địa điểm du lịch cần đảm bảo phòng chống COVID:
Phòng khách sạn
- Giãn cách phòng bằng cách khách cũ trả phòng sau 3 ngày mới nhận khách mới.
- Tận dụng nắng và gió biển bằng cách nhắc mở cửa sổ và cửa hành lang buổi sáng và buổi chiều có nắng ít nhất 1 tiếng mỗi lần.
- Nhắc nhở khách sử dụng điều hòa ở nhiệt độ trên 27 độ.
- Hằng ngày vệ sinh bề mặt bằng chất sát trùng.
- Có quy trình chống nhiễm khuẩn theo hướng dẫn của cơ quan chức năng.
Đóng cửa các dịch vụ dễ bùng phát vi-rút
- Quán bar, vũ trường.
- Các địa điểm karaoke.
- Mát xa, xông hơi.
Nhà hàng ăn
- Định kì xét nghiệm COVID cho nhân viên chu kì 14 ngày.
- Có vách ngăn cố định hoặc di động giữa các bàn ăn.
- Tuân thủ khoảng cách tối thiểu 1 mét.
- Tuân thủ quy trình chống nhiễm khuẩn.
Bệnh viện
- Xét nghiệm cho bệnh nhân theo chu kì 14 ngày.
- Xử lí nước thải và rác thải đúng quy định.
- Không để quá tải bệnh viện.
- Tuân thủ quy trình chống nhiễm khuẩn.