Thông thường, khi gặp phải vết thương hở, mọi người đều nhanh chóng tìm cách xử lý vết thương, cầm máu để máu không chảy khiến người bị thương không mất nhiều máu. Nhưng một vài cách xử lý khi cầm máu sai cách có thể gây ra nhiều hệ lụy đến sức khỏe.
Hầu hết, các trường hợp khi gặp người thân hoặc người bị nạn có vết thương hở chảy máu nhiều cần được cầm máu mọi người sẽ tận dụng nguyên liệu để cầm máu nhanh nhất bằng cách:
- Sử dụng sợi thuốc lá.
- Nhá búp chuối hoặc búp ổi, lá cây chó đẻ,...
Tuy nhiên, đây là những biện pháp cầm máu có thể tiềm ẩn nhiều nguy cơ đến sức khỏe con người. Đặc biệt đối với những trường hợp các vết thương hở ban đầu không chuẩn có thể đối diện với nguy cơ khiến người bệnh bị hoại tử chi thậm chí nhiễm trùng huyết.
Sai lầm khi cầm máu cho vết thương hở còn gây ra phiền toái cho bác sĩ khiến bác sĩ khốn khổ trong quá trình xử lý lại vết thương.
Mới đây tại một phòng khám tư, BS Nguyễn Sỹ Tấn, sau ca trực kể lại. Thời điểm sắp hết giờ làm việc tiếp nhận một ca tai nạn lao động được đưa đến cấp cứu. Khi người đàn ông này được đưa đến bệnh viện với vết cắt khá sâu trong lòng bàn tay.
Sau khi gỡ khăn quấn vết thương của bệnh nhân, kíp trực đã mất rất nhiều thời gian để làm sạch vết thương bằng cách nhặt từng sợi thuốc lá dính khắp chiều dài khoảng 15 cm vết thương hở.
Trong khi đó, máu đã đông lại và có những sợi sau khi được rửa bằng nước muối tự trôi đi, cũng có sợi bám lại trên da và bám sâu trong thịt lẫn đất, cát, dầu mỡ khiến bác sĩ gặp nhiều khó khăn khi làm sạch trước khi thực hiện khâu lại vết thương.
TS. BS Nguyễn Thị Vân Anh, nguyên Giám đốc TTYT quận Hai Bà Trưng cho biết: Việc sử dụng các loại lá cây để sơ cứu vết thương hở hết sức nguy hiểm vì có thể gây ra nhiều tổn thương nặng hơn. Đối với những trường hợp nhẹ thì có thể gây dị ứng, nhiễm trùng tại chỗ. Những trường hợp nặng có thể gây hoại tử chi hoặc nhiễm trùng máu đe dọa đến tính mạng người bị sơ cứu cầm máu sai cách.
Các chuyên gia cho biết rằng khi gặp các vết thương hở dù nhỏ như trầy xước da, chân chống xe quẹt hoặc bị đứt tay, côn trùng cắn, xương cá hoặc dằm gỗ đâm,... đều cần được xử lý vết thương kịp thời. Tuyệt đối không chủ quan vì nếu không xử trí ban đầu tốt có thể gây ra tình trạng nhiễm trùng từ vết thương.
Những trường hợp thường gặp có thể xảy ra khi cầm máu sai cách cho các vết thương hở như nhiễm trùng khu trú, bị hoại tử tại chỗ, có thể dẫn đến nhiễm trùng uốn ván. Một vài trường hợp hiếm gặp như nhiễm trùng lan tỏa và nhiễm trùng yếm khí.
Đặc biệt nguy hiểm khi nhiễm trùng uốn ván, nhiễm trùng lan tỏa và nhiễm trùng yếm khí đều có nguy cơ gây tử vong. Trong khi đó, nhiễm trùng khu trú có thể làm lan rộng xung quanh vùng có gân cơ có thể lan rộng và khi nhiễm trùng lan vào xương gây ra viêm xương, hoại tử xương vô cùng nguy hiểm.
Dù gặp vết thương hở nhỏ và nông, người bị thương cũng cần được xử lý vết thương nhưng có thể xử lý và tự vệ sinh, chăm sóc tại nhà. Đối với những vết thương sâu hoặc khi vùng bị thương rộng, người bị thương nên được người nhà đưa đến bệnh viện gần nhất để chăm sóc đúng cách để điều trị kịp thời.
Tìm hiểu kiến thức sơ cứu cầm máu cần thiết vì khi xảy ra các trường hợp động mạch hoặc tĩnh mạch lớn bị tổn thương, chảy máu nhiều nếu không được sơ cứu kịp thời và đúng cách sẽ gây ra ảnh hưởng đến tính mạng của người bệnh.
Các biện pháp sơ cứu cầm máu cho nạn nhân tùy thuộc vào tính chất chảy máu mà đưa ra biện pháp cầm máu phù hợp.
Một vài biện pháp cầm máu thông thường:
- Băng ép: Có thể sử dụng băng với các vòng băng siết khá chặt, có tác dụng đè ép mạnh vào các bộ phận bị tổn thương và tạo điều kiện cho việc hình thành cục máu đông có tác dụng cầm máu hiệu quả. Đây là biện pháp được áp dụng đối với những vết thương không có thương tổn mạch máu lớn.
- Ấn động mạch cầm máu: Biện pháp này được áp dụng bằng cách sử dụng ngón tay để ấn, đè chặt vào động mạch đoạn trên vết thương được tính từ tim đến vết thương. Người thực hiện cầm máu có thể sử dụng ngón tay hoặc cả nắm để ấn động mạch tùy thuộc vào mức độ tổn thương người bị nạn gặp và vị trí ấn.
- Biện pháp gấp chi: Thực hiện gấp chi tối đa, khi chi bị gấp, động mạch cũng bị gấp, từ đó khiến các khối cơ quan bao quanh đè ép vào động mạch khiến cho máu ngừng chảy. Lưu ý, biện pháp gấp chi tối đa này chỉ được thực hiện cầm máu với điều kiện vết thương này không có gãy xương kèm theo.
- Băng đút nút giúp cầm máu hiệu quả: Đây là biện pháp được áp dụng bằng cách băng ép có sử dụng thêm bấc gạc nhét nút vào vết thương. Biện pháp này có thích hợp với các vết thương chảy máu động mạch ở sâu, giữa các kẽ xương và vết thương ở vùng cổ, cùng chậu.
- Đặt ga rô: Biện pháp cầm máu được thực hiện bằng dây cao su hoặc dây vải xoắn chặt vào đoạn chi. Một vài trường hợp cần thiết đặt ga rô như: Vết thương cụt chi, chi bị đứt gần lìa, chi bị dập nát nhiều, khi bị rắn độc cắn.
Khi gặp vết thương hở cần sơ cứu, có thể thực hiện rửa vết thương bằng nước muối pha loãng 9%, không nên sử dụng alcool rửa vết thương.
Khi các vết thương nông, nhỏ dễ xử lý và nhanh lành người bị nạn có thể tự xử lý tại nhà. Tuy nhiên, đối với vết thương sâu, bị bầm sập, nhiễm bẩn, vết thương nặng thì chỉ cần sử dụng nước sạch rửa qua rồi băng nhẹ và đưa ngay người bị nạn đến bệnh viện. Tuyệt đối không tự ý đắp hoặc bôi thuốc dân gian nào vì có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm.
Đối với người bệnh bị chảy máu ngoài thì cần thực cầm máu tuân theo nguyên tắc sau:
- Thực hiện ép trực tiếp lên vết thương đang chảy máu.
- Thực hiện nâng cao vùng bị tổn thương.
- Khi xử lý các vết thương đâm xuyên còn dị vật tuyệt đối không tự ý rút dị vật ra.
- Để nạn nhân được nghỉ ngơi trong tư thế thuận tiện, giữ yên tĩnh cho nạn nhân và động viên giúp nạn nhân tỉnh táo.
- Chuyển nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất khi cần thiết.
- Tránh tiếp xúc trực tiếp với máu nạn nhân.
- Sau khi thực hiện sơ cứu cầm máu, cần đưa nạn nhân đến bệnh viện.