Các biểu hiện của hội chứng đau mỏi cổ vai gáy thường gặp nhất là đau âm ỉ hoặc dữ dội ở vùng cổ, gáy, cảm giác nhức nhối khó chịu, có khi đau nhói như điện giật. Đau có thể lan lên mang tai, thái dương hoặc lan xuống vai, cánh tay. Nhưng khác với bệnh viêm quanh khớp vai, người bệnh bị đau vai gáy không bị hạn chế vận động khớp. Một số trường hợp có thể kèm theo co cứng cơ, tê ở cánh tay, cẳng tay, bàn ngón tay hoặc nặng hơn là yếu liệt cơ, teo cơ.
Có thể có các điểm đau khi ấn vào các gai sau và cạnh cột sống cổ kèm hạn chế vận động cột sống cổ. Đau có thể xuất hiện tự phát hoặc sau khi lao động nặng, mệt mỏi, căng thẳng, nhiễm lạnh. Đau có thể cấp tính (xuất hiện đột ngột) hoặc mãn tính (âm ỉ, kéo dài). Đau thường có tính chất cơ học: tăng khi đứng, đi, ngồi lâu, ho, hắt hơi, vận động cột sống cổ; giảm khi nghỉ ngơi. Đau cũng có thể tăng khi thời tiết thay đổi,…
Đông y cho rằng nguyên nhân gây ra đau cổ, vai gáy là do phong hàn xâm phạm vào các đường kinh mạch ở vai gáy gây ra. Do đó, để chữa đau cổ vai gáy trước tiên cần phải khu phong, tán hàn, trừ tà, thông kinh hoạt lạc,…
Về cơ bản, điều trị chứng đau vai gáy không khó. Quan trọng là khi vật lý trị liệu đau vai gáy, cần phải giải quyết được 3 vấn đề sau:
- Thứ nhất, tăng cường máu lên vùng cổ gáy.
- Thứ hai là làm mềm bó cơ vùng cổ gáy để tăng trao đổi chất và vận động linh hoạt cho vùng vai gáy
- Thứ ba là phải tác động được vào dây thần kinh cổ gáy để tránh tình trạng co cứng cục bộ do rối loạn hệ thần kinh cổ gáy.
Vật lý trị liệu đau mỏi vai gáy thường bao gồm nhiều biện pháp điều trị khác nhau, đây là tên gọi chung cho các giải pháp trị liệu bảo tồn ứng dụng hệ thống máy móc hiện đại hoặc những phương pháp điều trị tự nhiên, có thể kể đến những phương pháp như:
- Nhiệt trị liệu (hồng ngoại, tia Laser, parafin,…): Biện pháp này tạo nguồn nhiệt ấm nóng kích thích vào bên trong các mô – tế bào tổn thương, giúp giảm đau, giãn mạch, chống cứng cơ, tăng chuyển hóa dinh dưỡng, kháng viêm,…
- Điện trị liệu (điện xung, sóng xung kích, siêu âm,…): Có tác dụng chống co thắt cơ, giải phóng các chèn ép lên hệ thần kinh, kháng viêm, giảm đau, chống phù nề, tăng cường chuyển hóa và lưu thông máu.
- Vận động trị liệu: Đây là biện pháp vật lý trị liệu đau vai gáy chủ động, bác sĩ sẽ tự tạo ra các kích thích vật lý dựa vào quá trình tự vận động thông qua các bài tập trị liệu dành riêng cho từng tình trạng bệnh lý cụ thể.
Tùy vào cơ địa và tình trạng bệnh mà các thầy thuốc sẽ đưa ra cho các bệnh nhân một số bài tập nhẹ nhàng kéo giãn cơ thể như ưỡn cổ, cúi đầu về phía trước, ngửa đầu ra phía sau, nghiêng đầu sang trái, sang phải, xoay tròn đầu và cổ, cử động cổ lên xuống,… giúp giãn cơ chỗ đau, tăng cường lưu thông máu trong cơ thể.
Ngoài việc tuân thủ theo lời chỉ dẫn của các bác sĩ trong quá trình tập vật lý trị liệu, phục hồi chức năng người bệnh khi bị đau vai gáy nên nghỉ ngơi, hạn chế vận động ít ngày, bổ sung một số khoáng chất cho cơ thể như caxi, kali và các vitamin C, B, E, các thực phẩm nhiều Omega-3, luyện tập thể dục thể thao với các bài tập phù hợp; vận động, nghỉ ngơi hợp lý, tránh căng thẳng cũng là những cách giúp bệnh sớm hồi phục.