Vai trò của vitamin D đối với trẻ nhỏ

Vai trò của vitamin D đối với trẻ nhỏ
Vai trò của vitamin D là vô cùng quan trọng trong việc phát triển khung xương và răng của trẻ sơ sinh, điều hòa việc tổng hợp và bài tiết nội tiết tố...

Vitamin D không chỉ là một vitamin đơn thuần mà với các bằng chứng khoa học hiện nay, nó còn  là một nội tiết tố, một hormone ảnh hưởng đến rất nhiều cơ quan bên trong cơ thể con người.

Cùng với hormone tuyến cận giáp và calcitonin, vai trò của vitamin D là duy trì nồng độ bình thường của can-xi và phosphat trong huyết tương bằng cách giúp hấp thu tốt các chất này qua ruột, làm giảm sự đào thải của chúng qua thận và qua đó giúp tạo xương bình thường.

Vai trò của vitamin D là cực kỳ cần thiết đối với cơ thể, đặc biệt là với sự phát triển của trẻ nhỏ trong những năm đầu tiên sau khi chào đời.

1. Vai trò của vitamin D đối với trẻ

Vai trò của vitamin là rất quan trọng trong việc phát triển khung xương và răng của trẻ sơ sinh. Vitamin D tham gia vào quá trình hấp thu canxi, photpho ở ruột và thận, điều hòa việc tổng hợp và bài tiết nội tiết tố quan trọng. 

Vai trò của vitamin D còn được thể hiện trong quá trình tạo xương nhờ tác dụng chuyển hoá các chất vô cơ, chủ yếu là canxi và photpho. Vitamin D làm tăng hấp thu canxi và photpho ở ruột, tăng tái hấp thu canxi ở thận, tham gia vào quá trình canxi hoá sụn tăng trưởng. Do đó vai trò của vitamin D rất quan trọng trong sự phát triển bình thường hệ xương ở trẻ em.

Bên cạnh đó, vai trò của vitamin D còn là điều hòa nồng độ canxi trong máu luôn hằng định. Khi thiếu vitamin D, ruột không hấp thu đủ canxi và phospho làm canxi máu giảm. Lúc này, canxi bị huy động từ xương ra để ổn định nồng độ canxi trong máu nên gây hậu quả là trẻ em chậm lớn, còi xương, chậm biết đi, chân vòng kiềng…

Trong 5 loại vitamin D đã được phát hiện thì vitamin D2 và D3 được đánh giá là quan trọng nhất đối với con người. Vitamin D được hấp thu từ ánh nắng mặt trời, thức ăn và các loại thực phẩm bổ sung.

Sữa mẹ cũng như tất cả các loại sữa khác đều không cung cấp đủ nhu cầu vitamin D cho bé sơ sinh. Bé sơ sinh nếu không được cung cấp đủ vitamin D sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của xương, do chất xương và sụn không được vôi hóa đầy đủ, sụn phát triển không bình thường, làm xương biến dạng, chậm lớn và có sức đề kháng yếu. 

Tuy nhiên, khi nào bổ sung và bổ sung như thế nào cần có ý kiến của nhân viên y tế, không nên tự ý sử dụng thuốc. Vì bên cạnh các vai trò của vitamin D tốt như trên, nó còn có những tác dụng phụ nguy hiểm nếu dùng thuốc không đúng. Khi không sử dụng đúng cách, thuốc có thể gây chứng tăng canxi huyết, tăng canxi niệu, thậm chí sỏi thận, tăng huyết áp, có thể gặp tình trạng ngộ độc với các biểu hiện mệt mỏi, nhức đầu, nôn, buồn nôn, tiêu chảy…

2. Nhu cầu vitamin D theo độ tuổi của trẻ

Dựa vào những vai trò của vitamin D ở trẻ nhỏ kể trên, việc bổ sung vitamin này theo đúng độ tuổi là vô cùng cần thiết.

Hiệp hội Nội tiết Hoa Kỳ khuyến cáo, nhu cầu vitamin D hằng ngày để xương phát triển tốt với trẻ sơ sinh đến 1 tuổi ít nhất là 400 IU/ngày, không được vượt quá 1.000 IU/ngày đối với trẻ sơ sinh đến 6 tháng và 1.500 IU/ngày ở trẻ 6 tháng đến 1 tuổi.

Trẻ từ 1 đến 18 tuổi cần ít nhất là 600 IU/ngày, tốt nhất là khoảng 1.000 IU/ngày nhưng không được vượt quá 2.500 IU/ngày đối với trẻ 1-3 tuổi, 3.000 IU/ngày ở trẻ 4-8 tuổi và 4.000 IU/ngày những trẻ trên 8 tuổi.

3. Những trẻ có nguy cơ thiếu vitamin D cao nhất

Những bé có tình trạng sau đây được cho là có nguy cơ thiếu vai trò của vitamin D rất cao:

- Trẻ đẻ non, trẻ có cân nặng sơ sinh thấp dưới 2,5kg.

- Trẻ không được tiếp xúc đầy đủ với ánh nắng mặt trời (đặc biệt là trong những tháng mùa đông), trẻ bị che chắn quá kỹ khi ra nắng.

- Trẻ không được bú mẹ hoặc trẻ bú mẹ hoàn toàn nhưng nguồn vitamin D trong sữa mẹ thấp do mẹ ít tiếp xúc với ánh nắng, mẹ không bổ sung vitamin D khi cho con bú, mẹ có tình trạng thiếu hụt vitamin D nặng trong thời gian mang thai.

- Trẻ ăn sữa ngoài, ăn bột sớm, ăn bột nhiều (gây ức chế hấp thu canxi) hoặc chế độ ăn thiếu canxi, phốt pho, vitamin và chất khoáng khác.

- Trẻ có chế độ ăn chủ yếu dựa vào rau và các loại hạt, không sử dụng sữa hoặc các thực phẩm có bổ sung vitamin D, ít ăn cá (cá hồi, cá thu…).

- Trẻ mắc các bệnh nhiễm khuẩn (nhiễm khuẩn hô hấp, sởi, rối loạn tiêu hoá kéo dài…).



Tác giả: Anh Dũng