Vai trò của kẽm đối với sức khỏe và sự phát triển của trẻ em

Vai trò của kẽm đối với sức khỏe và sự phát triển của trẻ em
Trẻ em là một trong những đối tượng cần được bổ sung kẽm trong chế độ ăn uống hàng ngày. Bởi vai trò của kẽm trong sự tăng trưởng và phát triển của trẻ là rất quan trọng.

Trẻ em là đối tượng cần được bổ sung nhiều chất dinh dưỡng trong suốt quá trình phát triển. Trong đó, kẽm là một trong những loại khoáng chất không thể thiếu đối với trẻ. Vậy kẽm có tầm quan trọng như thế nào đối với sự phát triển của trẻ? Cùng tìm hiểu thêm về vai trò của kẽm đối với trẻ trong bài viết sau đây bạn nhé.

1. Vai trò của kẽm đối với sự phát triển của trẻ em

- Giúp trẻ hấp thụ chất tốt hơn

Kẽm có vai trò và tác động tích cực đến sự tăng trưởng và phát triển của trẻ em. Vai trò của kẽm thể hiện trong việc tăng khả năng hấp thu, tổng hợp chất đạm và phân chia tế bào trong cơ thể trẻ.

Do đó, việc thiếu hụt kẽm có thể gây ảnh hưởng đến quá trình phân chia tế bào. Đây chính là tác nhân gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự tăng trưởng và phát triển của trẻ.

- Phát triển chiều cao, điều hòa hormone

Vai trò của kẽm cũng rất quan trọng trong việc phát triển chiều cao ở trẻ. Việc thiếu hụt kẽm chính là một trong những nguyên nhân khiến trẻ chậm phát triển chiều cao.

Sự phát triển xương và tăng chiều cao có liên quan đến hoạt động của các hormone. Trong đó, hormone tăng trưởng IGF là loại hormone quan trọng trong việc tăng trưởng chiều dài của xương. Tuy nhiên, sự hoạt động của IGF lại rất nhạy cảm với tình trạng thiếu hụt kẽm ở trẻ em. Các rối loạn trong hoạt động của hormone này  sẽ làm hạn chế sự tăng trưởng xương ở trẻ.

- Giữ xương chắc khỏe

Bên cạnh đó, kẽm còn giúp kích thích sự tạo xương của tạo cốt bào và kìm hãm sự hủy xương của hủy cốt bào.

Đồng thời, vai trò của kẽm trong quá trình phát triển cũng thể hiện qua việc tham gia điều hòa gen khi hình thành các thành phần của xương. Do đó, ngoài chậm phát triển, trẻ thiếu hụt kẽm còn có nguy cơ rối loạn phát triển xương. Trong một số trường hợp, thiếu hụt kẽm cũng là nguyên nhân gây chậm dậy thì ở trẻ.

2. Tầm quan trọng của kẽm đối với hệ miễn dịch của trẻ

Một trong những vai trò của kẽm là hỗ trợ và duy trì hoạt động của hệ miễn dịch. Cụ thể, khoáng chất này sẽ bảo vệ trẻ khỏi bệnh tật và giúp các vết thương mau lành hơn. Bởi kẽm sẽ kích thích sự phát triển và biệt hoá của các tế bào lympho như B và T. Các tế bào này sẽ tạo ra một hệ thống miễn dịch vững chắc cho cơ thể của trẻ.

Ngược lại, nếu thiếu hụt kẽm, trẻ sẽ dễ mắc các bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn. Thậm chí là trẻ sẽ chậm phát triển, có sức đề kháng yếu và suy dinh dưỡng.

3. Vai trò của kẽm với não bộ của trẻ

Vai trò của kẽm ở trẻ nhũ nhi, trẻ nhỏ, trẻ vị thành niên là vô cùng quan trọng. Thiếu hụt kẽm ở trẻ sơ sinh gây ảnh hưởng đến cân nặng và chiều cao của bé sau này. Do đó, trong quá trình mang thai, các sản phụ cần bổ sung đúng lượng kẽm khuyến nghị. Nó không chỉ giúp hạn chế sinh non, mà còn giúp đứa trẻ sinh ra khoẻ mạnh hơn.

Thiếu hụt kẽm là một trong những tác nhân gây biếng ăn khá phổ biến ở trẻ em. Nguyên nhân là vai trò của kẽm sẽ giúp duy trì và bảo vệ vị giác và khứu giác.

Khi vị giác và khứu giác bị ảnh hường, trẻ sẽ không còn cảm giác ngon miệng, sinh ra tình trạng biếng ăn. Ngoài ra, việc thiếu hụt kẽm ở trẻ còn gây ra các bệnh lý do viêm niêm mạc miệng.

Vai trò của kẽm còn rất cần thiết cho sức khỏe của não bộ của trẻ. Cùng với vitamin B6, kẽm là chất giúp dẫn truyền thần kinh hoạt động hiệu quả hơn. Hơn nữa, vùng hồi hải mã - trung tâm bộ nhớ của não cũng chứa một lượng kẽm rất cao. Do đó, khi được bổ sung đủ lượng kẽm cần thiết, trẻ thường học nhanh và nhớ lâu hơn.

Các vai trò khác

Mụn trứng cá là vấn đề thường gặp ở trẻ vị thành niên trong độ tuổi dậy thì. Nguyên nhân của mụn trứng cá trong độ tuổi này phần lớn là do vi khuẩn, viêm và sự tắc nghẽn của tuyến sản xuất dầu. Trong khi đó, vai trò của kẽm lại làm giảm tình trạng nhiễm khuẩn và điều chỉnh lượng dầu. Đồng thời, kẽm còn kích thích quá trình sản xuất collagen, giúp da mịn màng hơn. Vì thế, bổ sung kẽm cho trẻ trong độ tuổi này là điều vô cùng cần thiết và quan trọng.

Vai trò của kẽm đối với sức khoẻ và sự phát triển của trẻ là điều đã được chứng minh. Vì vậy, các ông bố, bà mẹ đừng quên việc bổ sung kẽm hàng ngày cho các bé nhé!


Tác giả: Thùy Dung