Ngoài vitamin, kẽm cũng là một khoáng chất không thể thiếu cho các bà bầu. Tuy nhiên, không ít sản phụ vẫn còn khá thờ ơ trong việc bổ sung loại khoáng chất này. Cùng tìm hiểu về vai trò của kẽm với bà bầu và liều dùng khuyến nghị trong bài viết sau.
WHO ước tính rằng hơn 80% phụ nữ trên toàn thế giới không bổ sung đủ lượng kẽm trong quá trình mang thai. Đa số các thai phụ chỉ tiêu thụ trung bình khoảng 9,6 mg kẽm mỗi ngày. Con số này thấp hơn nhiều so với mức tối thiểu được khuyến nghị cho phụ nữ đang mang thai.
Kẽm là một khoáng chất thiết yếu và quan trọng đối với nhiều chức năng sinh học, đặc biệt là tổng hợp protein, phân chia tế bào và chuyển hóa axit nucleic. Trong thời gian mang thai, vai trò của kẽm còn quan trọng hơn rất nhiều.
Nhiều chuyên gia cho rằng việc thiếu kẽm ở mẹ có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ sơ sinh. Nồng độ kẽm trong huyết tương thấp sẽ làm giảm quá trình vận chuyển kẽm đến nhau thai. Do đó, việc cung cấp kẽm cho thai nhi cũng có thể bị ảnh hưởng hoặc gián đoạn.
Ngoài ra, việc thiếu kẽm trong quá trình mang thai cũng là một trong những nguyên nhân gây sinh non, bởi nó sẽ làm thay đổi mức độ lưu hành của một số hormone liên quan đến việc chuyển dạ. Đồng thời, vai trò của kẽm cũng rất quan trọng trong khả năng miễn dịch.
Do đó, sự thiếu hụt kẽm có thể góp phần gây nhiễm trùng toàn thân và nội tử cung. Cả 2 vấn đề này đều là nguyên nhân dẫn đến tình trạng sinh non ở thai phụ.
Việc thiếu hụt kẽm không chỉ gây sinh non mà còn khiến cân nặng khi sinh của em bé thấp. Cân nặng khi sinh thấp và sinh non là những yếu tố nguy cơ đối với tình trạng tử vong ở trẻ sơ sinh. Vì vậy, việc bổ sung kẽm trong quá trình mang thai là điều vô cùng cần thiết.
Vai trò của kẽm đối với bà bầu và thai nhi là không hề giống nhau. Cụ thể, đối với bà bầu, kẽm có tác dụng:
- Duy trì hệ thống miễn dịch.
- Ngăn ngừa hiện tượng nhiễm trùng bên trong tử cung.
- Giúp cân bằng nội tiết tố.
- Hỗ trợ quá trình sản xuất nhau thai.
Ngoài ra, vai trò của kẽm cũng rất quan trọng trong quá trình phát triển của em bé, chẳng hạn như:
- Thúc đẩy tăng trưởng tế bào.
- Tăng cường sản xuất và hoạt động của ADN.
- Cung cấp hỗ trợ cấu trúc cho các protein tạo nên các tế bào.
Để đảm bảo các vai trò của kẽm được phát huy tối đa, thai phụ cần bổ sung lượng kẽm khuyến nghị hàng ngày như sau:
- Đối với phụ nữ mang thai từ 18 tuổi trở xuống: 12 miligam.
- Đối với phụ nữ mang thai từ 19 tuổi trở lên: 11 miligam.
- Đối với một phụ nữ cho con bú từ 18 tuổi trở xuống: 13 miligam.
- Đối với phụ nữ cho con bú từ 19 tuổi trở lên: 12 miligam.
Kẽm có thể được cung cấp ở 3 dạng là thực phẩm, viên uống vitamin và thuốc xịt mũi. Phụ nữ đang mang thai có thể bổ sung kẽm thông qua một chế độ ăn uống giàu dinh dưỡng.
Kẽm tự nhiên thường có trong các loại thực phẩm như thịt bò, ngũ cốc, hàu, sữa, trứng, yến mạch… Tuy nhiên, khi sử dụng, các nguồn kẽm từ động vật phải được chế biến và tiệt trùng hoàn toàn. Bởi điều này tốt cho sức khỏe và giúp thai phụ tránh dị ứng và buồn nôn.
Ngoài ra, phụ nữ đang mang thai còn có thể bổ sung kẽm qua các loại viên uống vitamin. Sản phụ nên sử dụng những loại vitamin tổng hợp có chứa kẽm thay vì các viên kẽm đơn lẻ. Bởi chúng sẽ giúp sản phụ nhận được đầy đủ các vitamin và khoáng chất cần thiết khi mang thai.
Tuy nhiên, các sản phụ cũng không nên lạm dụng những viên uống bổ sung kẽm này. Đồng thời, việc sử dụng mọi loại thuốc trong quá trình mang thai phải được sự đồng ý của bác sĩ.
Vai trò của kẽm đối với phụ nữ mang thai là vô cùng quan trọng và thiết yếu. Vì vậy, các bà mẹ đừng quên bổ sung kẽm cho cơ thể trong suốt thời gian thai kỳ nhé!