Tin tức như một tia sáng về kết quả bước đầu trong thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 vaccine phòng ngừa COVID-19 của hai công ty Pfizer (Mỹ) và BioNTech (Đức) có tên là BNT162b2.
Cụ thể, thử nghiệm này bắt đầu từ ngày 27/7 vừa qua, có 43538 người tham gia.
Trong nghiên cứu Vaccine giai đoạn 3, số lượng lớn bệnh nhân ở mọi lứa tuổi và giới tính được chia làm hai nhóm bệnh nhân (nhóm được chích vaccine và chích vaccine giả). Sau khi so sánh, đối chiếu, và phân tích kết quả từ 2 nhóm, các nhà nghiên cứu đã chỉ ra hiệu quả ngăn ngừa virus Sars-Cov-2 gây ra bệnh Covid-19 của vaccine này là trên 90%.
Vaccine Pfizer/BioNtech là loại vaccine mRNA, được chích thành 2 mũi, có chứa gen trích xuất từ virus Sars-cov-2 để tạo ra S-protein (cầu gai của virus để báo vào tế bào trong cơ thể người). Khi chích vào cơ thể, các tế bào miễn dịch dùng chuỗi RNA để sản xuất ra protein S và sau đó các kháng thể đặc hiệu sẽ được tạo ra để kháng với S-protein. Theo công bố của Pfizer/BioNTech thì đa số bệnh nhân có kháng thể đặc hiệu với virus này sau khi chích vaccine 28 ngày.
Bước kế tiếp là theo dõi an toàn sau khi chích vaccine, trung bình là 2 tháng sau khi chích xong liều vaccine cuối. Dự kiến kết quả của dữ liệu an toàn này sẽ được đưa ra vào cuối tháng 11. Sau đó thì hãng dược sẽ nộp đơn xin được FDA chấp thuận. Hãng Pfizer/BioNTech đã ký hợp đồng cung cấp 100 triệu vaccine loại này cho chính phủ Hoa Kỳ.
Ngoài ra, cũng theo PGS. TS. Huynh Wynn Tran, hiện nay có 11 vaccine-19 đang thử nghiệm ở giai đoạn 3, giai đoạn cuối cùng trước khi Vaccine chính thức được sản xuất và đưa vào sử dụng.
Theo TS. Nguyễn Hồng Vũ, đây là một loại vaccine có bản chất khá giống với vaccine mà hãng Moderna phát triển và đang thử nghiệm trên người là mRNA-1273, vaccine sử dụng đoạn mã di truyền RNA mã hóa cho protein S trên màng của virus SARS-CoV-2.
Kết quả "ban đầu" cho thấy rằng vaccine có thể có hiệu quả phòng ngừa trên 90%, điều này có nghĩa là khi bạn được chích vaccine thì 90% là bạn sẽ không bị mắc bệnh COVID-19. Tỉ lệ "90% bảo vệ" này là khá cao vì chúng ta nên biết rằng vaccine ngừa cúm mùa hàng năm thì tỉ lệ cũng chỉ dao động khoảng 50%, có những năm rất thấp như mùa đông năm 2014-2015 chỉ đạt được 19% bảo vệ.
Vậy, chúng ta nên hiểu thế nào về con số 90% này?
Vaccine BNT162b2 được thiết kế với quy trình chích ngừa gồm 2 đợt, mỗi đợt cách nhau 21 ngày. Hiệu quả của vaccine đạt được cao nhất khi được chích đủ 2 lần như trên. Kết quả đạt tỉ lệ "90% bảo vệ" là kết quả dựa trên số người bị mắc COVID-19 sau 7 ngày được chích liều vaccine thứ 2 trong tổng số những người tình nguyện được chích vaccine, so sánh giữa nhóm chích vaccine thật và nhóm chích giả dược.
Điều này có nghĩa là họ quan sát thấy tỉ lệ "90% bảo vệ" ở ngày thứ 28, tính từ lần chích vaccine đầu tiên. Trong báo cáo họ cũng có nói rằng tỉ lệ này có thể thay đổi trong những lần đánh giá tiếp theo trong quá trình thử nghiệm lâm sàng này. Do vậy, chúng ta khoan vội nghĩ rằng 90% này là "khả năng bảo vệ thực tế của vaccine" vì nó còn phụ thuộc vào thời gian hệ miễn dịch có thể giữ được trạng thái bảo vệ trước sự xâm nhập của virus và sự nhớ của các tế bào miễn dịch. Vì thế, những kết quả rõ ràng hơn của vaccine này cần có thêm thời gian để nghiên cứu. Họ dự tính là sẽ tiếp tục bổ sung số liệu cho nghiên cứu này trong suốt 2 năm tiếp theo để đánh giá hiệu quả và độ an toàn.
Tuy nhiên, với sự cấp bách và cần thiết của một vaccine giúp đẩy lùi sự lây lan của đại dịch COVID-19, kết quả đánh giá hiệu quả trong giai đoạn 3 thử nghiệm lâm sàng của vaccine BNT162b2 có thể giúp việc đệ trình Giấy phép Sử dụng Khẩn cấp (EUA) lên Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) sẽ được thông qua. Họ đã lên kế hoạch thực hiện việc đệ trình này ngay sau khi thu thập tiếp các thông tin trong cuộc thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 để chứng minh tính "an toàn cần thiết" của vaccine. Thời gian dự kiến cho việc đệ trình này sẽ vào khoảng tuần thứ ba của tháng 11 này.
Cùng lúc này, theo Reuters đưa tin, nhiều chuyên gia cũng tỏ ra thận trọng khi nhấn mạnh vẫn còn nhiều vấn đề chưa có câu trả lời, ví dụ như liệu vắc-xin này có thể ngăn bệnh hoặc triệu chứng nặng hay không, thời gian bảo vệ vaccine và nó hiệu quả đến đâu đối với người cao tuổi.
Ngoài ra, các nhà khoa học còn muốn biết liệu vắc-xin trên có hoàn toàn ngăn nhiễm Covid-19 hoặc nó chỉ có tác dụng giảm bớt mức độ mắc bệnh.
Dữ liệu an toàn của chủng vaccine này sẽ chỉ được công bố vào cuối tháng này. Bên cạnh đó, Pfizer và BioNTech vẫn chưa gửi dữ liệu để các nhà khoa học khác xem qua - một bước đi quan trọng trong việc xác định chất lượng vaccine.
"Những kết quả trên thật sự đáng khích lệ nhưng chúng chỉ mới ở giai đoạn sớm nhất" - Reuters trích lời nhận định của ông Gregory Poland, chuyện gia tại Bệnh viện Mayo ở TP Rochester, bang Minnesota.
Trong khi đó, ông William Gruber - Phó Chủ tịch phụ trách nghiên cứu và phát triển vắc-xin lâm sàng của Pfizer cho biết, ông hiện chưa nắm được trong số 94 bệnh nhân Covid-19 nói trên, có bao nhiêu là người da màu và người Latinh. Sở dĩ đây là 2 nhóm cần được quan tâm vì đây là 2 cộng đồng đã hứng chịu tác động nặng nề của dịch Covid-19. Ngoài ra, ông cũng không rõ có bao nhiêu bệnh nhân là người cao tuổi.
Còn theo ông Eleanor Riley, chuyên gia tại Trường ĐH Edinburgh (Scotland) nhấn mạnh rằng bất kỳ vaccine Covid-19 nào cũng phải hiệu quả đối với người lớn tuổi nếu muốn làm giảm số ca bệnh nặng và tử vong liên quan đến dịch bệnh này.
Bên cạnh đó, một nhóm cố vấn của Cục quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ sẽ xem xét kết quả nghiên cứu và tham vấn về chuyện có cho phép sử dụng nó hay không.
Trong tình hình dịch bệnh COVID-19 có những dấu hiệu tăng mạnh trở lại khi mùa đông đang đến, hy vọng sẽ sớm có loại vaccine "cán đích" với các số liệu thử nghiệm lâm sàng chứng minh rõ ràng tính an toàn và hiệu quả để có thể đưa cuộc sống của chúng ta bình thường trở lại!