Vắc xin COVID-19 của Pfizer, Moderna và J&J, loại nào tốt hơn?

Vắc xin COVID-19 của Pfizer, Moderna và J&J, loại nào tốt hơn?
Xung quanh vắc xin COVID-19 vẫn còn rất nhiều câu hỏi và hiểu lầm phổ biến, 'loại này tốt hơn loại kia' hoặc 'tiêm vào là không nhiễm bệnh' nằm trong số những cách hiểu sai.
 - Ảnh 1.

Các loại vắc xin COVID-19 có hiệu quả bảo vệ khác nhau, nhưng rất khó để so sánh vì nhiều lý do - Ảnh: HealthCare

Cơ quan Thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) hiện đã cấp phép sử dụng khẩn cấp cho 3 loại vắc xin COVID-19 của các hãng dược Pfizer-BioNTech, Moderna và Janssen (J&J). Điều dễ nhận thấy là có 2 loại hiệu quả bảo vệ khoảng 95%, cái còn lại chỉ khoảng 66%, như vậy có phải loại này tốt còn loại kia "dỏm"?

Câu trả lời là "không phải", đơn giản vì so sánh các loại vắc xin với nhau là không thể.

Trước hết, hãy cùng tham khảo bảng thông tin dưới đây về 3 loại vắc xin, cột bên trái lần lượt là: (1) Ngày được cấp phép, (2) hiệu năng chung, (3) chống lại bệnh nặng, (4) giảm tỉ lệ nhập viện, (5) giảm tử vong, (6) ngày bắt đầu thử nghiệm, (7) nơi thử nghiệm.

 - Ảnh 2.

Bảng so sánh 3 loại vắc xin phổ biến hiện nay - Đồ hoạ: Time.com

Theo Tạp chí Time, đầu tiên cần phân biệt giữa "hiệu năng" và "hiệu quả" do rất dễ nhầm lẫn. "Hiệu năng" là kết quả thử nghiệm của một loại thuốc hoặc vắc xin, trong khi "hiệu quả" là kết quả ngoài thực tế của nó, trên một nhóm dân số lớn.

Tiếp theo, cần phải hiểu các công ty dược phẩm dùng thước đo nào để đưa ra con số hiệu năng như trên. Trong trường hợp này, nó được đo dựa trên khả năng bảo vệ của vắc xin chống lại các triệu chứng của bệnh COVID-19.

Ví dụ, vắc xin của Pfizer-BioNTech có hiệu năng 95% - có nghĩa người đã tiêm ngừa có 95% cơ may không bộc phát triệu chứng COVID-19 (họ vẫn có thể nhiễm bệnh), chứ không phải "95% người đã tiêm ngừa sẽ không mắc bệnh, 5% còn lại mắc bệnh".

Tương tự, hiệu năng của vắc xin Moderna là 94%, còn J&J là 66%. Nhưng câu chuyện chưa dừng lại ở đây, đằng sau các thông số trên còn rất nhiều thứ phức tạp.

Thứ nhất, mỗi loại vắc xin hoạt động theo cách khác nhau. Pfizer-BioNTech và Moderna phát triển sản phẩm dựa trên công nghệ mRNA, còn J&J dùng công nghệ vector adenovirus. Do cách thức hệ miễn dịch được "huấn luyện" khác nhau, các thông số hiệu năng cũng khác theo.

Thứ hai, mỗi vắc xin có phác đồ tiêm khác nhau. Pfizer và Moderna cần 2 liều, cách nhau lần lượt là 21 và 28 ngày, còn J&J chỉ cần 1 liều duy nhất. Hiện các nhà khoa học của J&J đang thử nghiệm khả năng tiêm liều thứ 2 để tăng cường miễn dịch.

Thực hiện tiêm vaccine phòng Covid-19 tại Việt Nam, bạn đã biết Vắc xin Covid-19 Việt Nam đang tiêm có hiệu quả bảo vệ bao lâu?

Thứ ba, các công ty dược bắt đầu ghi nhận triệu chứng COVID-19 theo các mốc thời gian khác nhau. Pfizer bắt đầu sau 7 ngày tính từ lúc người tình nguyện tiêm liều thứ 2 (hoặc giả dược), Moderna là 14 ngày sau liều thứ 2, còn J&J ghi nhận sau 14 và 28 ngày.

Thứ tư, 3 loại vắc xin trên được thử nghiệm vào các thời điểm khác nhau. Đây là điều quan trọng vì các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 chỉ mới xuất hiện phổ biến trong vài tháng trở lại đây, sau khi một số công ty dược đã hoàn thành xong thử nghiệm giai đoạn đầu.

Pfizer và Moderna thử nghiệm vắc xin trong năm 2020, khi đó virus chưa đột biến nhiều và phần lớn tình nguyện viên chỉ nhiễm cùng một chủng virus. J&J thì bắt đầu từ tháng 9-2020 và bao gồm cả người dân ở Anh, Nam Phi và Brazil - những nơi có biến thể virus mới.

Ở góc độ khoa học, điều đó có nghĩa nghiên cứu của J&J cung cấp manh mối quan trọng về khả năng của vắc xin trước các biến thể mới. Nó có thể giải thích tại sao hiệu năng của vắc xin này thấp hơn của Pfizer và Moderna.

Vì những lý do trên, so sánh các loại vắc xin khác nhau giống như so sánh quả táo và quả cam. Cái chính là chúng có đạt được tiêu chuẩn hiệu năng không, chẳng hạn FDA của Mỹ quy định tối thiểu phải là 50% và trên hết vắc xin giúp người nhiễm COVID-19 ít bị bệnh nặng, giảm bớt nguy cơ tử vong.


Tác giả: NM