Ưu và nhược điểm của một số phương pháp tán sỏi thận

Tham vấn chuyên môn: -
Ưu và nhược điểm của một số phương pháp tán sỏi thận
Mỗi phương pháp tán sỏi đều có những ưu - nhược điểm riêng. Tùy vào tình trạng và vị trí của viên sỏi mà bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp nào phù hợp, từ đó tìm ra những hướng điều trị tích cực, giúp bạn sớm loại bỏ được viên sỏi ra ngoài cơ thể.

Với sự phát triển mạnh mẽ của y học hiện đại, việc điều trị ngoại khoa đối với sỏi thận ngày càng đơn giản và hiệu quả hơn. Các phương pháp tán sỏi đơn giản trong thủ thuật, chi phí, và ít gây ra những biến chứng như phương pháp mổ truyền thống hoặc mổ nội soi.

Hiện nay có 3 phương pháp tán sỏi phổ biến đó là:

- Tán sỏi ngoài cơ thể

- Tán sỏi qua da

- Tán sỏi nội soi ngược dòng

Tùy vào từng thể trạng sức khỏe của bệnh nhân cũng như kích thước, tình trạng viên sỏi mà bác sĩ sẽ chỉ định áp dụng phương pháp nào cho người bệnh. Mặc dù có những ưu điểm là tiện lợi, tiết kiệm thời gian, tiết kiệm chi phí, ít gây ra biến chứng nhưng các phương pháp tán sỏi này vẫn tồn tại một số hạn chế. Cùng tìm hiểu một số ưu, nhược điểm của mỗi phương pháp để việc điều trị có hiệu quả hơn.

1. Tán sỏi ngoài cơ thể

Phương pháp điều trị này áp dụng với trường hợp kích cỡ viên sỏi thận dưới 3cm ở các vị trí: sỏi 1/3 trên niệu quản, sỏi nhóm đài dưới song cổ đài phải rộng, sỏi nhóm đài trên, sỏi ở bể thận,..

Ưu điểm của phương pháp này là đơn giản, không gây đau đớn gì, bệnh nhân hầu như không cảm nhận gì và sẽ được về nhà ngay. Chi phí cho mỗi lần tán sỏi thấp, dao động từ 2-4 triệu.

Nhược điểm của phương pháp tán sỏi ngoài cơ thể:

- Không áp dụng với viên sỏi có kích thước quá lớn

- Không phù hợp với sỏi san hô, sỏi cứng

- Sau khi tán sỏi, các mảnh sỏi nhỏ có thể gây tổn thương đường tiết niệu, gây tắc nghẽm và viêm tiết niệu

- Người bệnh có thể bị đau quặn, sau khi tán sỏi phải dùng thuốc để đẩy sỏi ra ngoài

2. Tán sỏi nội soi ngược dòng

- Vị trí bắn laser sỏi thận: Tán sỏi 1/3 dưới và 1/3 giữa niệu quản với nam giới, tán sỏi cao hơn lên tới ngang đốt sống L3 và L4 với nữ giới. Áp dụng đối với các viên sỏi kích thước nhỏ hơn 20mm.

So với phương pháp tán sỏi ngoài cơ thể, phương pháp tán sỏi nội soi ngược dòng có thể tán được mọi loại sỏi có kích thước nhỏ hơn 20mm kể cả sỏi san hô. Sau khi thực hiện, bệnh nhân có thể xuất viện sau 24 giờ, ăn nhẹ sau 3-6 tiếng, có thể đào thải toàn bộ sỏi ra bên ngoài.

Nhược điểm:

- Không áp dụng với bệnh nhân hẹp niệu đạo, đường niệu đang trong giai đoạn viêm, nhiễm khuẩn.

- Nguy cơ xảy ra biến chứng: thủng niệu quản (do đốt laser nhầm vị trí hoặc bị lan), không đặt được ống nội soi để tiếp cận được vị trí có sỏi…

- Chi phí tán sỏi cao, khoảng 7 – 10 triệu

3. Tán sỏi qua da

Đây là biện pháp chỉ định cho trường hợp sỏi nhóm đài dưới, sỏi cứng, sỏi san hô, sỏi lớn, sỏi bể thận. Phương pháp tán sỏi qua da có thể lấy toàn bộ viên sỏi sau 1 lần can thiệp, có thể được áp dụng với cả viên sỏi to.

Tuy nhiên, tán sỏi qua da cũng có chi phí khá cao, người bệnh phải nằm lại viện theo dõi lâu hơn, từ 3-5 ngày. Ngoài ra phương pháp tán sỏi qua còn có thể gây ra nhiễm trùng sau mổ do ống nội soi xuyên vào vị trí sỏi, gây mất máu, để lại sẹo...

Mỗi phương pháp điều trị sỏi thận, đặc biệt là tán sỏi thận đều có những ưu nhược điểm riêng. Trước khi áp dụng phương pháp điều trị phù hợp, bác sĩ sẽ chỉ định thăm khám và kiểm tra tình hình sức khỏe của bạn, vị trí, kích thước của viên sỏi. Sau khi tán sỏi, bệnh nhân nên theo dõi và thực hiện chế độ ăn uống khoa học, lành mạnh bởi sỏi thận có thể tái phát nhiều lần. Nếu để bệnh sỏi thận tái phát, nguy cơ xảy ra các biến chứng là rất cao.


Tác giả: TMH