Uống nước cốt chanh vào buổi sáng khi đói để thải độc và chữa bệnh, bác sĩ khuyên gì?

Uống nước cốt chanh vào buổi sáng khi đói để thải độc và chữa bệnh, bác sĩ khuyên gì?
Trào lưu uống nước cốt chanh buổi sáng khi bụng đói đang lan truyền mạnh mẽ trên mạng xã hội. Nhiều người tin rằng nó mang rất nhiều lợi ích như thải độc, giảm cân, chữa dạ dày, tăng cường miễn dịch, thậm chí chữa được 'bách bệnh'.

Trào lưu uống nước cốt chanh buổi sáng khi bụng đói tràn ngập mạng xã hội

Liên tục trong những ngày gần đây tràn ngập mạng xã hội tiktok, facebook các video hướng dẫn uống nước cốt chanh vào buổi sáng sớm khi chưa ăn gì để thải độc, chữa dạ dày, giảm cân, điều hòa huyết áp và giảm đường trong máu...

Những lợi ích được chia sẻ như: Uống nước cốt chanh giúp loại bỏ độc tố. Chất xơ trong chanh giúp kiểm soát cơn đói và đốt cháy mỡ thừa. Hàm lượng vitamin C cao trong chanh giúp cơ thể chống lại bệnh tật, giúp da sáng khỏe và làm chậm quá trình lão hóa. Mặc dù có tính acid nhưng chanh được cho là có tác dụng kiềm hóa cơ thể sau khi tiêu hóa, giúp cân bằng độ pH...

Uống nước cốt chanh vào buổi sáng khi đói để thải độc và chữa bệnh, bác sĩ khuyên gì?- Ảnh 1.

Nhiều người tin rằng uống thật nhiều nước cốt chanh vào buổi sáng giúp thải độc và chữa bệnh.

Đọc thêm:

Uống nước vỏ chanh đun sôi có tốt không?

6 hiểu lầm về tác dụng của nước chanh đối với sức khỏe

Nhiều tài khoản thậm chí còn để tên dược sĩ, bác sĩ... khuyên mọi người uống càng nhiều càng tốt. Khi có bình luận băn khoăn e ngại uống nhiều gây xót ruột, ê buốt răng, đau dạ dày, loét dạ dày thì lại được giải thích: "mới đầu cơ thể chưa quen nhưng sau một thời gian sẽ thích nghi sẽ thấy dễ chịu hơn và khỏe hơn". Hoặc cảm giác xót ruột là do chanh "đang cào màng độc tố tích tụ lâu ngày trong dạ dày, nếu chịu được cảm giác đó sau 3-5 ngày là "êm"...

Trào lưu này đáng cảnh báo khi có rất nhiều người tin và thực hiện với mục đích thải độc, giảm cân, chữa bách bệnh. Thậm chí có nhiều người có bệnh mạn tính cũng tin tưởng vào "phép nhiệm màu" của nước cốt chanh. Một số người còn uống với lượng lớn, từ vài quả đến hơn chục quả chanh với lượng nước cốt chanh đến 500 ml mỗi lần... PV Báo Sức khỏe&Đời sống đã trao đổi với ThS.BS. Nguyễn Thu Yên, Phụ trách Khoa Dinh dưỡng, BVĐK Đức Giang về vấn đề này.

Uống nước cốt chanh vào buổi sáng khi đói để thải độc và chữa bệnh, bác sĩ khuyên gì? - Ảnh 2.

ThS.BS. Nguyễn Thu Yên

PV: Dưới góc nhìn của chuyên gia y tế, xin bác sĩ cho ý kiến đánh giá của mình về trào lưu uống nước cốt chanh?

ThS.BS. Nguyễn Thu Yên: Trước hết, chúng ta cần nhìn nhận vấn đề này một cách thận trọng và có cơ sở khoa học. Về góc độ dinh dưỡng, chanh có nhiều lợi ích đối với sức khỏe. Chanh có hàm lượng vitamin C và chất xơ cao. Ngoài ra nó còn chứa một số vitamin, khoáng chất và chất chống oxy hóa có lợi.

Do có nhiều vitamin C nên chanh giúp hỗ trợ tăng cường hệ miễn dịch, ngăn ngừa suy giảm nhận thức và giúp cải thiện sự hấp thụ sắt từ chế độ ăn uống.

Các nghiên cứu cũng cho thấy tiềm năng của vitamin C trong việc thúc đẩy sự hình thành collagen, hỗ trợ điều trị và giảm nguy cơ mắc một số bệnh khác.

Uống nước chanh có thể khiến bạn no nhanh hơn. Chanh cũng ít calo và nhiều chất xơ, do đó có thể hỗ trợ giảm cân. Nước chanh kích thích sản xuất dịch tiêu hóa giúp cải thiện tiêu hóa...

PV: Vậy uống nhiều nước cốt chanh có giúp thải độc, giảm cân, chắc răng hay chữa dạ dày không bác sĩ?

ThS.BS. Nguyễn Thu Yên: Hầu hết mọi người có thể ăn chanh hoặc uống nước chanh một cách an toàn khi dùng đúng cách. Tuy nhiên, nếu uống nhiều nước cốt chanh với mục đích thải độc, chữa dạ dày, giảm cân... là không có cơ sở khoa học.

Cơ thể chúng ta có cơ chế thải độc tự nhiên thông qua chức năng của gan và thận. Không có bất kỳ loại thực phẩm đơn lẻ nào, kể cả chanh, có khả năng thải độc hiệu quả theo cách mà các video trên mạng xã hội đang lan truyền.

Về tác dụng chữa bệnh dạ dày: Nước cốt chanh có tính acid rất cao. Đối với những người có vấn đề về dạ dày như viêm loét dạ dày, trào ngược acid, việc uống nước cốt chanh khi bụng đói sẽ càng làm tổn thương niêm mạc dạ dày, làm trầm trọng thêm các triệu chứng như ợ nóng, đau bụng, buồn nôn, có thể dẫn đến loét dạ dày nặng hơn, thậm chí dẫn đến chảy máu dạ dày nguy hiểm đến tính mạng. Giải thích "mới đầu chưa quen", "chanh cào màng độc tố" là hoàn toàn không có cơ sở khoa học và rất nguy hiểm.

Về tác dụng giúp răng chắc khỏe: Nồng độ acid cao trong thực phẩm có thể làm mòn men răng theo thời gian. Việc uống nước cốt chanh thường xuyên, đặc biệt là khi chưa ăn gì sẽ làm tăng nguy cơ men răng bị bào mòn, dẫn đến răng ê buốt, nhạy cảm.

Về tác dụng giảm cân: Mặc dù chanh có chứa một số chất đinh dưỡng có lợi như vitamin C và chất xơ (trong tép và vỏ) nhưng nếu chỉ uống nước cốt chanh mà giảm cân là không có cơ sở. Việc giảm cân hiệu quả và an toàn cần một chế độ ăn uống cân bằng, kiểm soát calo và tập luyện thể dục thường xuyên.

Uống nước cốt chanh vào buổi sáng khi đói để thải độc và chữa bệnh, bác sĩ khuyên gì?- Ảnh 3.

Cần uống nước chanh đúng cách để có lợi cho sức khỏe.

PV: Xin bác sĩ cho cộng đồng lời khuyên về cách ăn chanh an toàn và có lợi cho sức khỏe nhất

ThS.BS. Nguyễn Thu Yên: Bất kỳ một loại thực phẩm nào, kể cả chanh, dù có lợi cho sức khỏe nhưng cũng cần phải ăn đúng cách với liều lượng vừa phải.

Mỗi người có phản ứng khác nhau khi ăn chanh, đặc biệt là những trường hợp nhạy cảm với tính acid. Khi ăn chanh nếu cảm thấy khó chịu hãy ngừng ăn. Không nên ăn chanh khi đói bụng.

Không sử dụng nhiều nước cốt chanh. Khi uống nên pha loãng và không nên thêm nhiều đường. Tỷ lệ 1/4 đến một nửa quả chanh với một cốc nước và một chút đường thường có hiệu quả mà không quá chua. Sử dụng nước ấm sẽ nhẹ nhàng hơn với dạ dày và hỗ trợ tiêu hóa.

Để bảo vệ men răng, khi uống nước chanh nên dùng ống hút để giảm tiếp xúc trực tiếp nước chanh với răng. Nên súc miệng với nước lọc và không đánh răng sau khi uống nước chanh.

Đối với những người vốn đã có sẵn các vấn đề về dạ dày như viêm, loét hoặc trào ngược dạ dày - thực quản cần rất thận trọng khi sử dụng nước cốt chanh. Tuyệt đối không nên ăn chanh hoặc uống nước chanh khi bụng đói, tốt nhất nên uống sau khi ăn no khoảng 30 phút. Không nên uống nước cốt chanh đậm đặc mà cần pha loãng với nhiều nước ấm để giảm nồng độ acid.

Tóm lại, uống một ly nước chanh ấm pha loãng vào buổi sáng có thể mang lại một số lợi ích. Nước chanh cũng là giải pháp nhanh chóng giúp giải khát và giảm mệt mỏi. Tuy nhiên, nếu chỉ uống nước cốt chanh vào buổi sáng và bỏ bữa ăn dễ dẫn đến thiếu hụt dinh dưỡng và có thể làm trầm trọng thêm các vấn đề sức khỏe khác. 

Người dân không nên tin vào những thông tin chưa có nghiên cứu khoa học kiểm chứng về tác dụng "thần kỳ" của một loại thực phẩm nào đó lan truyền trên mạng xã hội. Nếu có bất kỳ vấn đề sức khỏe nào hoặc muốn thay đổi chế độ ăn uống nên tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng để có lời khuyên phù hợp và an toàn.

PV: Xin trân trọng cảm ơn bác sĩ!


Tác giả: Hà Giang