Uống cà phê khi ốm có sao không?

Uống cà phê khi ốm có sao không?
Khi bị ốm, cơ thể cần được bổ sung nhiều dinh dưỡng từ các món ăn và đồ uống lành mạnh. Tuy nhiên với nhiều người có thói quen uống cà phê hàng ngày, đặc biệt là người nghiện cà phê thì liệu uống cà phê khi ốm có ảnh hưởng tới quá trình hồi phục không?

Đối với người khỏe mạnh, việc uống cà phê mỗi ngày có thể đem lại nhiều lợi ích đối với sức khỏe. Có thể kể đến các tác dụng khi uống cà phê như tăng cường sự tập trung, tỉnh táo, giàu chất chống oxy hóa,... Thêm vào đó, caffeine trong cà phê có thể giúp đốt cháy "nhẹ" chất béo, hỗ trợ giảm cân.

Liệu uống cà phê khi ốm có an toàn hay không?

Ốm được định nghĩa là khi cơ thể cảm thấy không khỏe, thường được mô tả là cảm giác mệt mỏi, yếu ớt, có thể kèm theo các triệu chứng như sốt, ho, đau đầu, chán ăn, khó chịu cả về tâm trạng và thể chất. Ốm có thể là dấu hiệu của một bệnh lý cụ thể, đôi khi cần thăm khám bác sĩ nếu các triệu chứng nghiêm trọng, không thuyên giảm sau khi nghỉ ngơi tại nhà.

Uống cà phê khi ốm có sao không? - Ảnh 1.

Cà phê chứa caffeine có thể gây ra một số tác dụng phụ với người nhạy cảm (Ảnh: Internet)

Theo Healthline, dưới đây là một số thông tin cần biết nếu bạn đang bị ốm và muốn uống một cốc cà phê bao gồm lợi ích và những hạn chế có thể gặp. Lưu ý, cà phê có thể gây ra một số tác dụng phụ không mong muốn cho người bị nhạy cảm với caffein, ngay cả khi tiêu thụ một lượng nhỏ. Các tác dụng phụ khi tiêu thụ caffeine có thể bao gồm:

- Lo lắng, hồi hộp: Cảm thấy căng thẳng và bồn chồn hơn sau khi tiêu thụ caffeine.

- Rối loạn nhịp tim: Người nhạy cảm có thể trải qua nhịp tim không đều hoặc đập nhanh hơn.

- Rối loạn giấc ngủ: Caffeine có thể làm gián đoạn chu trình ngủ tự nhiên, dẫn đến tình trạng khó ngủ hoặc ngủ không sâu.

- Đau đầu: Đau đầu có thể xuất hiện do mạch máu trong não co thắt và sau đó giãn ra sau khi tiêu thụ caffeine.

- Đi tiểu thường xuyên: Người nhạy cảm có thể cảm thấy cần phải đi tiểu thường xuyên hơn, đặc biệt là nếu họ không thường xuyên tiêu thụ caffeine.

- Đau dạ dày: Cảm thấy khó chịu hoặc đau ở dạ dày do caffeine kích thích tiết axit dạ dày.

- Cảm xúc thất thường: Biến động tâm trạng như cảm giác bất an, kích động, hoặc căng thẳng có thể xảy ra.

- Khó tập trung: Mặc dù caffeine thường được sử dụng để tăng cường sự tập trung, nhưng ở người nhạy cảm, nó có thể gây ra hiệu ứng ngược lại.

Những người nhạy cảm với caffeine cần phải cẩn thận khi tiêu thụ các sản phẩm có chứa caffeine như cà phê và có thể cần phải hạn chế lượng tiêu thụ hoặc tránh sử dụng hoàn toàn để tránh gặp phải những tác dụng phụ này.

Đọc thêm:

- Làm gì khi bị say cà phê? Say cà phê có nguy hiểm không?

- Hiểu lầm về thói quen uống cà phê khi đói và những sai lầm thường gặp

1. Cà phê có thể giúp bạn cảm thấy tỉnh táo hơn

Một cốc cà phê buổi sáng có thể giúp nhiều người tỉnh táo, bao gồm cả cà phê decaf. Và điều này cũng khiến nhiều người lựa chọn uống cà phê khi bị ốm nhẹ, với những triệu chứng như mệt mỏi, thiếu năng lượng nhưng vẫn phải đi làm hoặc đi học.

Uống cà phê khi ốm có sao không? - Ảnh 3.

Với người ốm nhẹ chỉ cảm thấy hơi mệt thì cà phê có thể giúp tăng năng lượng để có thể tiếp tục làm việc và học tập (Ảnh: Internet)

Ngoài ra, nếu đang bị cảm nhẹ thì cà phê có thể giúp người bệnh vượt qua một ngày "hơi mệt" và thiếu năng lượng mà không gây ra bất kỳ tác dụng phụ đáng kể nào.

Nhưng, bởi cơ thể một người cần được nghỉ ngơi đầy đủ khi ốm, do đó nếu muốn uống cà phê, hãy tránh uống cà phê vào buổi chiều, tối. Uống quá nhiều cà phê đặc biệt vào hai thời điểm này có thể ảnh hưởng tới chất lượng giấc ngủ vào ban đêm, khi cơ thể người ốm diễn ra quá trình phục hồi mạnh mẽ.

2. Có thể gây mất nước và tiêu chảy

Caffeine trong cà phê có tác dụng lợi tiểu, vì thế mà người uống cà phê, đặc biệt uống với lượng nhiều dễ bị mất nước thông qua tiêu chảy hoặc đi tiểu nhiều hơn bình thường.

Do vậy mà nếu người ốm có các tình trạng như nôn mửa hoặc tiêu chảy, sốt do cúm, cảm lạnh nghiêm trọng hay ngộ độc thực phẩm thì cần tránh uống cà phê và thay vào đó nên ưu tiên chọn các loại đồ uống giúp bù lượng nước đã mất như điện giải, nước ép trái cây pha loãng, nước lọc,...

Tuy vậy cần lưu ý rằng, nếu là người nghiện cà phê thì việc dừng uống cà phê khi bị ốm có thể khiến một người cảm thấy buồn nôn hơn do triệu chứng "cai" cà phê gây nên.

Uống cà phê khi ốm có sao không? - Ảnh 4.

Caffeine trong cà phê có tác dụng lợi tiểu (Ảnh: Internet)

3. Có thể kích thích viêm đau dạ dày

Do cà phê có tính axit nên uống cà phê có thể gây kích ứng cơn đau và viêm dạ dày ở người đang gặp các vấn đề về tiêu hóa khi ốm. Theo Healthline, một nghiên cứu trên 302 người bị loét dạ dày thì có tới 80% trong số đó cho biết họ gặp phải tình trạng đau bụng cũng như các triệu chứng tiêu hóa khác tăng lên sau khi uống cà phê.

Tuy nhiên vẫn có một số nghiên cứu không chỉ ra mối liên hệ nữa uống cà phê với tình trạng loét dạ dày hay các vấn đề tiêu hóa liên quan tới axit khác như trào ngược axit dạ dày - thực quản. Hơn nữa, một số người thường xuyên uống cà phê hàng ngày có thể không gặp phải tình trạng này trong khi vẫn uống cà phê do cơ thể quen với caffeine. Vì thế mà chúng ta cần nhiều nghiên cứu hơn trước khi kết luận chính xác.

Nhưng nhìn chung, nếu đang bị ốm kèm theo các triệu chứng tiêu hóa như viêm đau dạ dày thì bạn nên tránh uống cà phê hoặc chuyển sang uống cà phê colbrew - một loại cà phê ủ lạnh ít axit hơn cà phê truyền thống.

4. Có thể tương tác với một số loại thuốc

Cà phê có thể tương tác với một số loại thuốc vì thế mà bạn nên tránh uống cà phê nếu đang sử dụng một trong những loại thuốc này. Đặc biệt, caffeine có thể tăng cường tác dụng của các loại thuốc kích thích như pseudoephedrine, loại thuốc thường được sử dụng để giảm bớt các triệu chứng khó chịu do cảm lạnh và cảm cúm gây ra; hoặc tương tác với thuốc kháng sinh có thể dùng để điều trị các nhiễm trùng do vi khuẩn.

Uống cà phê khi ốm có sao không? - Ảnh 5.

Caffeine trong cà phê có thể tương tác với một số loại thuốc (Ảnh: Internet)

Do vậy mà bạn nên nói chuyện với bác sĩ khi đang sử dụng thuốc mà muốn uống cà phê để tránh các tương tác thuốc không mong muốn.

Một lựa chọn khác có thể thay thế là uống cà phê không chứa caffeine khi sử dụng các loại thuốc này.

Vậy nên uống gì khi bị ốm?

Theo Mind Body Green, khi bị ốm, cơ thể thường dễ mất nước dẫn tới khô miệng, khô họng,... Bạn có thể xem xét tới các loại đồ uống giúp bù lại nước lượng đã mất cũng như giúp cải thiện các triệu chứng ốm gây ra, có thể kể đến như:

- Trà gừng: Giúp giảm sự khó chịu ở đường tiêu hóa bao gồm đau dạ dày, tiêu chảy, buồn nôn nhờ tác dụng chống viêm của gingerol trong gừng.

- Trà thảo mộc: Các loại trà thảo mộc như cơm cháy, hoa cúc có thể giúp thư giãn tâm trạng, làm dịu cổ họng, tăng cường miễn dịch và đặc biệt là chúng không chứa caffeine nên sẽ không gây ra sự gián đoạn bất kì giấc ngủ nào.

- Trà xanh: Trà xanh chứa nhiều chất chống oxy hóa gọi là polyphenol có tác dụng tăng cường hệ miễn dịch, giúp bảo vệ cơ thể chống lại các gốc tự do gây hại.

Uống cà phê khi ốm có sao không? - Ảnh 6.

Bù nước đầy đủ khi bị ốm đóng vai trò hết sức quan trọng đối với phục hồi (Ảnh: Internet)

- Nước mật ong: Từ lâu mật ong đã được sử dụng như một phương thuốc giúp giảm đau họng, ho, tăng cường đề kháng và phù hợp với nhiều đối tượng. Tuy nhiên cần lưu ý là không sử dụng mật ong cho trẻ dưới 1 tuổi vì có thể gây ra ngộ độc nghiêm trọng.

- Nước dừa: Nước dừa là loại "đồ uống thể thao tự nhiên" giúp bổ sung các hợp chất điện giải quan trọng, ngăn ngừa mất nước thích hợp khi bị mất nước do tiêu chảy, nôn mửa, sốt.

Tóm lại, nếu trong trường hợp có nhiều lựa chọn về đồ uống, tốt hơn hết vẫn nên tránh uống cà phê bởi thức uống này không giúp bạn khỏe và nhanh khỏi ốm hơn, kể cả khi cà phê chứa nhiều chất chống oxy hóa như polyphenol. Ngoài ra, dù uống cà phê hay không thì hãy chắc chắn rằng cơ thể được cung cấp đủ nước khi bị ốm, tránh xảy ra tình trạng mất nước và khiến sức khỏe tồi tệ hơn. Và cuối cùng, đừng quên cho phép cơ thể nghỉ ngơi khi bị ốm, điều này sẽ giúp ích cho quá trình hồi phục.

Nguồn dịch tham khảo:

1. 9 Of The Best Drinks To Sip On When You're Sick + What To Avoid

2. Can You Drink Coffee When You’re Sick?


Tác giả: Allen