Ung thư vú ở nam giới có khác nữ giới?

Tham vấn chuyên môn: - Khoa Ngoại Tổng hợp
Ung thư vú ở nam giới có khác nữ giới?
Tuy hiếm gặp, nhưng không phải nam giới không có nguy cơ mắc bệnh ung thư vú. Thậm chí, đàn ông mắc ung thư vú thường gặp nhiều vấn đề sức khỏe hơn so với phụ nữ. Hãy cùng tìm hiểu xem căn bệnh ung thư vú ở nam giới có gì khác biệt?

1. Bệnh ung thư vú ở nam giới thường gặp ở những đối tượng nào?

- Nam giới trên 35 tuổi có nguy cơ mắc ung thư vú cao, dưới 35 tuổi rất hiếm gặp. Đa số các ca ung thư vú ở nam giới đều ở trong độ tuổi 60 - 70.

- Trong gia đình có người bị mắc ung thư vú, đặc biệt là mẹ hoặc chị em gái.

- Thường làm trong môi trường có chất phóng xạ, tiếp xúc nhiều với thuốc trừ sâu.

- Những người nghiện bia rượu, thuốc lá.

- Những người đàn ông có ngực lớn cũng thường có tỉ lệ mặc ung thư vú cao hơn.

- Sử dụng thuốc nội tiết tố, uống estrogen làm tăng mắc ung thư vú ở nam giới.

- Nam giới bị xơ gan, bị các bệnh lý tinh hoàn (như tinh hoàn lạc, quai bị, chấn thương,...) thường là tiền đề của bệnh ung thư vú.

- Những người mắc hội chứng di truyền hiếm gặp Klinefelter (nam XXY hoặc nam 47,XXY)

2. Chẩn đoán ung thư vú ở nam giới

Tương tự như ở nữ giới, triệu chứng ung thư vú ở nam giới cũng bao gồm các bất thường tại ngực. Nhưng đa số các ca phát hiện bệnh đều ở giai đoạn muộn, khi u đã to, núm vú bị chảy máu. Nguyên nhân có thể là số lượng mô vú quá nhỏ nên khó để cảm nhận các thay đổi. 

Mặt khác, đàn ông cũng thường chủ quan với căn bệnh này, ít chú ý đến ngực của mình. Đó là lí do các bác sĩ cho rằng ung thư vú ở nam giới nguy hiểm hơn ở nữ giới. Số lượng mô vú ít cũng là một trong những nguyên do khiến bệnh phát triển nhanh, khối u di căn nhanh sang các mô xung quanh.

Các phương pháp chẩn đoán ung thư vú ở nam giới cũng giống như ở nữ giới, bao gồm: khám lâm sàng, chụp nhũ ảnh, và làm xét nghiệm sinh thiết.

Nam giới cần chú ý đến các thay đổi ở ngực như: sưng vú, vú to bất thường, đau loét vùng vú, co rút núm vú, đầu vú chảy dịch, có u ở ngực hoặc dưới cánh tay,... Thường ung thư vú rất ít khi đau, nhất là trong giai đoạn đầu, nên mọi người cần để ý và quan sát kỹ những thay đổi của cơ thể mới hi vọng phát hiện ung thư sớm.

3. Điều trị ung thư vú ở nam giới

Điều trị ung thư vú ở nam giới không có nhiều khác biệt so với nữ giới. Các phương pháp điều trị bao gồm: phẫu thuật, xạ trị, hóa trị, và liệu pháp hooc-mon.

- Phẫu thuật:

Thường được chỉ định khi ung thư vú đã xâm lấn. Bác sĩ sẽ cắt bỏ toàn bộ vú bao gồm cả các núm vú. Thậm chí các phần cơ thể tiềm ẩn gần các khối u cũng sẽ được phẫu thuật loại bỏ. Tuy nhiên nam giới không có nhiều mô vú nên sau phẫu thuật, bệnh nhân không bị ảnh hưởng nhiều. Để đảm bảo thẩm mỹ, bệnh nhân có thể được tạo núm vú mới sau phẫu thuật khoảng 6 tháng, khi vết thương đã lành.

- Xạ trị:

Xạ trị thường được sử dụng sau phẫu thuật loại bỏ ung thư vú ở nam giới để giảm nguy cơ tái phát bệnh trong thành ngực.

- Hóa trị:

Hóa trị thường được chỉ định để thu nhỏ khối u trước phẫu thuật (thường là khối u lớn hơn 2cm). Hoặc hóa trị được kết hợp với xạ trị sau phẫu thuật để tiêu diệt hoàn toàn các tế bào ung thư còn sót lại.

Những người trẻ tuổi cũng được khuyến khích sử dụng phương pháp này để đảm bảo thẩm mỹ. Mặt khác, người trẻ cũng có nhiều sức khỏe hơn để chống chọi với các tác dụng phụ của hóa trị.

- Liệu pháp hooc-mon:

Khác với nữ giới, liệu pháp hooc-mon có hiệu quả điều trị trong phần lớn các trường hợp ung thư vú ở nam giới. Lí do vì ở nam giới, hầu hết các tế bào ung thư vú không có các thụ thể hooc-mon. Liệu pháp hooc-mon giúp chặn các estrogen làm tế bào ung thư phát triển, từ đó giảm nguy cơ tái phát.


Tác giả: Mai Nhung