Ung thư tuyến giáp và suy giáp - làm thế nào để phân biệt?

Tham vấn chuyên môn: - Khoa Nội Tổng hợp
Ung thư tuyến giáp và suy giáp - làm thế nào để phân biệt?
Ung thư tuyến giáp và suy giáp là hai bệnh phổ biến nhất trong số các bệnh liên quan đến tuyến giáp. Vậy làm thế nào để phân biệt 2 bệnh này?

1. Phân biệt dựa trên định nghĩa của 2 bệnh ung thư tuyến giáp và suy giáp

Suy giáp

- Suy giáp là tình trạng tuyến giáp hoạt động kém hiệu quả, dẫn đến thiếu hụt hormone tuyến giáp. Thiếu hụt iode là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất của suy giáp. Suy giáp phổ biến ở phụ nữ hơn nam giới, đặc biệt là ở đối tượng phụ nữ trên 60 tuổi.

Ung thư tuyến giáp

Ung thư tuyến giáp là dạng ung thư nội tiết tố khá phổ biến, thường gặp ở phái nữ trong độ tuổi từ 20-50. Bệnh xảy ra khi tuyến giáp bị các tế bào ác tính tấn công, gây rối loạn chức năng của tuyến giáp trong cơ thể.

2. Phân biệt ung thư tuyến giáp và suy giáp qua dấu hiệu

Dấu hiệu của 2 bệnh ung thư tuyến giáp và suy giáp cũng có những điểm khác nhau đáng chú ý:

Suy giáp

Suy tuyến giáp nhẹ thường có các triệu chứng không rõ ràng, thêm vào đó bệnh thường phổ biến ở người cao tuổi nên các bệnh nhân thường nghĩ triệu chứng đó là do tuổi già như:

- Ăn không ngon miệng.

- Táo bón.

- Da tái xanh hoặc khô, dễ bị lạnh.

- Trí nhớ giảm sút, trầm cảm.

- Giọng khàn hoặc trầm hơn.

- Có thể thở gấp hoặc thay đổi nhịp tim.

- Đau khớp hoặc các cơ.

- Phụ nữ có thể có vấn đề về kinh nguyệt.

- Người bệnh ít có hứng thú trong tình dục hơn.

Nếu suy giáp ở mức độ trầm trọng thì có thể biểu hiện nặng nề hơn như: lưỡi phình to ra (chứng lưỡi lớn), phù toàn thân: mặt, tay chân, da sậm màu và xù xì do lớp sừng phát triển dày.

Ung thư tuyến giáp

Ung thư tuyến giáp và suy giáp có những điểm khác nhau nhất định ở dấu hiệu.

Ở giai đoạn đầu, bệnh ung thư tuyến giáp hầu như không có biểu hiện gì. Bệnh nhân vẫn ăn uống và sinh hoạt bình thường nên rất khó phát hiện. Bệnh chỉ có thể được phát hiện tình cờ qua siêu âm hoặc khám định kỳ.

Trong giai đoạn tiếp theo, bệnh nhân có thể nhìn hoặc sờ thấy một cục (hạt giáp) nổi trước cổ. Đôi khi, bệnh nhân có thể thấy đau cổ, hàm hoặc tai. Trễ hơn nữa, khi ung thư đã di căn xa, thì người bệnh có thể thấy vướng khi nuốt, khó thở hoặc thay đổi giọng nói…

3. Cách điều trị ung thư tuyến giáp và suy giáp

Do tính chất 2 bệnh khác nhau, chính vì vậy, phương pháp điều trị của ung thư tuyến giáp và suy giáp cũng khác nhau hoàn toàn.

Suy giáp

Chỉ có một số ít trường hợp suy giáp có nguyên nhân do tai biến khi dùng thuốc kháng giáp tổng hợp hoặc suy giáp thoáng qua do viêm giáp có thể tự hồi phục. Còn lại đa phần các trường hợp suy giáp phải điều trị thay thế bằng hormon giáp

Những loại thuốc thay thế hormon tổng hợp tuyến giáp hoặc levothyroxine, nên được sử dụng hàng ngày vì cơ thể cần được cung cấp một lượng thuốc mới mỗi ngày

Nếu liều lượng thuốc quá cao có thể gây nên biến chứng như: căng thẳng, run rẩy, loãng xương và tăng sự đi tiêu, cần làm các xét nghiệm máu để kiểm tra liều dùng thuốc có nên thay đổi hay không.

Ung thư tuyến giáp

Phương thức điều trị của ung thư tuyến giáp và suy giáp là không giống nhau, điều trị cho bệnh nhân ung thư tuyến giáp phức tạp hơn nhiều so với suy giáp.

Khi kết quả FNA kết luận là ung thư hoặc nghi ngờ ung thư thì người bệnh sẽ được lên kế hoạch điều trị trong đó có phẫu thuật cắt bỏ tuyến giáp. Điều trị ung thư tuyến giáp là phương thức điều trị đa mô thức, tức là phải phối hợp nhiều phương thức điều trị với nhau để có kết quả tối ưu.

Các phương thức đó là:

- Phẫu thuật cắt tuyến giáp theo nguyên tắc ung thư học - có hoặc không kèm nạo hạch cổ.

- Xạ trị với Iod phóng xạ: cho đồng vị phóng xạ Iod 131 vào cơ thể để tiêu diệt các tế bào ung thư còn sót lại.

- Nội tiết trị liệu trong nhiều năm để đè nén những tế bào ung thư còn sót lại nhằm giúp giảm tỷ lệ tái phát hay làm chậm lại thời gian tái phát.

Tùy thuộc vào kích thước của khối u, loại mô học, tình trạng di căn hạch cổ… mà cách thức phẫu thuật, trị liệu nội tiết sau mổ trên mỗi bệnh nhân khác nhau; chỉ định dùng Iod phóng xạ cũng khác nhau. Sau phẫu thuật và điều trị iod phóng xạ, người bệnh có một chế độ điều trị nội tiết và theo dõi chặt chẽ, dài hạn nhằm giảm tỷ lệ tái phát ở mức thấp nhất và đưa người bệnh trở lại cuộc sống với sức khỏe như một người bình thường.


Tác giả: LPA