Ung thư trực tràng dễ bị nhầm lẫn với bệnh trĩ

Tham vấn chuyên môn: - Khoa Nội Tổng hợp
Ung thư trực tràng dễ bị nhầm lẫn với bệnh trĩ
Vốn là 2 căn bệnh khác nhau ở vùng hậu môn, nhưng ung thư trực tràng rất dễ bị nhầm lẫn với bệnh trĩ vì chung triệu chứng chảy máu khi đại tiện. Vì tính chất và mức độ nguy hiểm của 2 bệnh này hoàn toàn khác nhau nên bệnh nhân cần chú ý phân biệt để có hướng điều trị chính xác.

1. Triệu chứng ung thư trực tràng dễ bị nhầm với triệu chứng bệnh trĩ

Chảy máu từ trực tràng là dấu hiệu phổ biến nhất mà cả ung thư trực tràng và bệnh trĩ biểu hiện ra. Ngoài ra, chúng còn có khá nhiều triệu chứng chung, bao gồm máu lẫn trong phân, thay đổi thói quen đại tiện (ví dụ như đi nhiều hơn , thay đổi kích thước phân hoặc tính chất phân ), luôn có cảm giác muốn đi đại tiện, khó chịu hoặc đau nhu động ruột.

Tuy nhiên, nếu bạn để ý thì ung thư trực tràng và bệnh trĩ có khá nhiều triệu chứng khác biệt:

- Ung thư trực tràng: Giảm cân không giải thích được, tắc ruột, thiếu máu và mệt mỏi. Đại tiện liên tục, phân lỏng và nhỏ, có dịch nhày.

- Bệnh trĩ: Gây ngứa và đau rát ở trực tràng hoặc hậu môn. Khó đi đại tiện, bị táo bón, phân thường to và cứng. 

2. Phân biệt khái niệm

- Ung thư trực tràng hay còn được gọi là ung thư ruột kết, là tình trạng xuất hiện các tế bào bất thường, không kiểm soát được, có thể di căn. Bệnh trĩ là tình trạng các mạch máu bị sưng to do tăng áp lực ổ bụng, táo bón,.... Búi trĩ chỉ nằm ở khu vực trực tràng hoặc hậu môn và không di căn.

- Bất kỳ tình huống nào làm tăng áp lực ổ bụng (ví dụ, căng thẳng khi đi tiêu, ngồi lâu, chế độ ăn ít chất xơ , mang thai,...) là một yếu tố nguy cơ phát triển bệnh trĩ. Ngược lại, nguy cơ phát triển ung thư trực tràng là tuổi cao, hút thuốc , tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư và các bệnh về đường tiêu hóa khác.

- Nhiều trường hợp bệnh trĩ có thể sờ thấy hoặc nhìn thấy trong khi kiểm tra thể chất và thường dễ chẩn đoán. Ung thư trực tràng chỉ được chẩn đoán bằng sinh thiết

- Bệnh nhân mắc bệnh trĩ thường có tiên lượng tốt và tuổi thọ bình thường.Thật không may, bệnh nhân ung thư trực tràng, đặc biệt là ở giai đoạn III và IV, có tiên lượng xấu với tuổi thọ bị rút ngắn. Những người bị ung thư đại trực tràng giai đoạn III chỉ có tỷ lệ sống sót sau 5 năm là 53%, bệnh nhân ở giai đoạn IV có tỷ lệ sống sót sau 5 năm là 11%.

3. Sự khác biệt trong điều trị

3.1. Điều trị ung thư trực tràng

- Phẫu thuật có thể là phương pháp duy nhất trong điều trị ung thư trực tràng giai đoạn 1. Nguy cơ ung thư tái phát sau phẫu thuật rất thấp, do đó, hóa trị và xạ trị không được yêu cầu. 

- Ở giai đoạn 2, đôi khi, sau khi cắt bỏ 1 khối u, bác sĩ phát hiện khối u đã lan ra niêm mạc hoặc các hạch bạch huyết thì bệnh nhân sẽ được yêu cầu hóa trị và xạ trị sau khi phục hồi sau phẫu thuật. Hóa trị và xạ trị được đưa ra sau phẫu thuật được gọi là liệu pháp bổ trợ.

- Nếu các xét nghiệm ban đầu cho thấy bệnh nhân bị ung thư trực tràng giai đoạn 2 hoặc 3,  thì nên xem xét hóa trị và xạ trị để thu nhỏ khối u trước khi phẫu thuật.

- Nếu ung thư trực tràng ở giai đoạn cuối, đã di căn, không thể chữa khỏi thì phẫu thuật sẽ chỉ được thực hiện nếu có tình trạng tắc ruột hoặc chảy máu dai dẳng.

3.2. Điều trị bệnh trĩ

Điều trị bệnh trĩ thường đơn giản hơn rất nhiều so với điều trị ung thư trực tràng. Nếu bệnh ở giai đoạn đầu, bệnh nhân có thể tự chữa trị tại nhà bằng các phương pháp như: tắm nước ấm, ăn nhiều chất xơ và thức ăn lỏng, tập thể dục, thuốc bôi giảm viêm sưng,....

Nếu bệnh đã ở giai đoạn 3 - 4, các búi trĩ sưng to, chảy máu kéo dài thì có thể lựa chọn các phương pháp điều trị như:

- Thắt dây cao su quanh gốc tĩnh mạch trĩ, khiến nó mất nguồn cung cấp máu, teo nhỏ dần và rụng đi.

- Tiêm hóa chất vào búi trĩ khiến bó bị sẹo, xơ cứng và giảm kích thước.

- Sử dụng liệu pháp laser để hóa sẹo và làm cứng búi trĩ nội.

- Phẫu thuật cắt bỏ búi trĩ.


Tác giả: Minh Vy