Ung thư thanh quản di căn: Dấu hiệu nhận biết và tiên lượng sống

Tham vấn chuyên môn: - Khoa Nội Tổng hợp
Ung thư thanh quản di căn: Dấu hiệu nhận biết và tiên lượng sống
Sau điều trị ung thư, nhất là những bệnh ung thư vùng đầu cổ, việc phải đối mặt với những tác dụng phụ lên miệng và cổ họng là nỗi ám ảnh đối với nhiều bệnh nhân. Sau điều trị ung thư thanh quản, người bệnh cũng thường gặp các vấn đề nghiêm trọng tương tự.

Ung thư di căn là một xu thế tất yếu của bệnh ung thư nếu như không điều trị và ngăn ngừa kịp thời. Đối với bệnh ung thư thanh quản, khi khối u đã chuyển sang giai đoạn cuối, chúng sẽ có xu hướng di căn đến một số bộ phận trong cơ thể như hạch bạch huyết, di căn xương, não, gan...

1. Ung thư thanh quản di căn như thế nào?

Ung thư thanh quản gồm có 5 giai đoạn, nhưng nguy hiểm nhất là khi ung thư thanh quản di căn giai đoạn cuối. Lúc này, các tế bào ung thư sẽ lan rộng qua sụn giáp ở trước thanh quản như: cổ, khí quản, tuyến giáp hoặc thực quản, đồng thời ở cổ cũng xuất hiện nhiều hạch nhỏ. Tiếp đến, các tế bào ung thư sẽ lan rộng và xuất hiện nhiều hạch ở phía trước cột sống, xung quanh động mạch cảnh và các phần của ngực.

2. Dấu hiệu ung thư thanh quản di căn

Khi khối u ung thư thanh quản di căn tới giai đoạn cuối, bệnh nhân có thể gặp phải một số triệu chứng sau:

– Khản tiếng: Khản tiếng là một biểu hiện phổ biến của nhiều bệnh lý liên quan đến đường hô hấp, trong đó có ung thư thanh quản. Ở giai đoạn đầu, bệnh nhân đôi khi không nhận thấy sự thay đổi ở giọng nói, tuy nhiên khi chúng di căn và chèn ép lên dây thanh quản thì bệnh nhân cảm nhận rõ rệt hơn sự khàn tiếng và thậm chí là mất giọng.

– Khó thở: Ở giai đoạn cuối, khi khối u thanh quản đã phát triển lớn hơn sẽ chèn ép hệ thống dẫn khí và gây cảm giác khó thở cho người bệnh. Nhiều trường hợp khối u di căn vào phổi sẽ khiến bệnh nhân gặp phải hiện tượng ho ra máu, ho sặc sụa.

– Đau, vướng khi nuốt: Ung thư thanh quản di căn, khi khối u đã phát triển với kích thước lớn hơn thì bệnh nhân thường gặp phải triệu chứng nuốt bị vướng và đau. Hiện tượng này xuất hiện do khối u chèn ép sang thực quản, gây cảm giác đau vướng cho bệnh nhân khi ăn.

– Nổi hạch: Những bệnh nhân bị mắc ung thư thanh quản di căn thì khối u sẽ tăng nhanh cả về kích thước và số lượng.  Những khối u này dễ dàng được nhìn bằng mắt thường, có thể sờ chạm vào, bệnh nhân sẽ cảm thấy đau hoặc đôi khi không có cảm giác gì.

– Biểu hiện toàn thân: Ngoài ra, khi khối u di căn đến một số bộ phận khác trên cơ thể, bệnh nhân mắc ung thư giai đoạn cuối còn có một số biểu hiện toàn thân sau:

+ Khối u di căn đến gan làm bệnh nhân bị vàng da, nổi mụn, da mẩn ngứa.

+ Khối u di căn xương sẽ gây nhức xương và tăng nguy cơ gãy xương.

+ Khối u di căn dạ dày gây buồn nôn, nôn, chán ăn, mệt mỏi, ăn không tiêu..

+ Khối u di căn não gây suy giảm trí nhớ, chức năng hệ thần kinh trung ương của người bệnh cũng bị ảnh hưởng…

3. Ung thư thanh quản di căn giai đoạn cuối sống được bao lâu?

Bệnh ung thư nói chung và ung thư thanh quản nói riêng nếu được phát hiện và điều trị sớm thì khả năng chữa khỏi là 80% với tiên lượng sống trên 5 năm. Tuy nhiên khi bệnh chuyển sang những giai đoạn muộn hơn, tỉ lệ sống thường giảm.

Ung thư khi đã di căn thường không có phương pháp nào điều trị triệt để. Mọi biện pháp cứu chữa lúc này là kéo dài thời gian sống và hạn chế sự lan rộng của tế bào ung thư sang các bộ phận khác. Ung thư thanh quản giai đoạn cuối thường sẽ gây ra những cơn đau cho người bệnh, do vậy mục tiêu lúc này là giảm đau cho bệnh nhân và kết hợp với chế độ dinh dưỡng, chăm sóc nhằm kéo dài sự sống.

Ung thư thanh quản giai đoạn đầu có thể sống trên 5 năm với tỷ lệ lên đến 80-85%. Phương pháp phẫu thuật cắt bỏ toàn phần thanh quản và vét hạch cổ tận gốc sẽ cho tỷ lệ sống trên 5 năm là 70%. Tuy nhiên, khi hạch bị xâm lấn thì tỷ lệ xuống thấp chỉ còn 30% sau 5 năm.



Tác giả: Lê Cường