Trên thực tế, tình trạng ô nhiễm không khí không chỉ là vấn đề của các khu đô thị hay các khu công nghiệp mà là vấn đề cấp thiết của toàn xã hội. Theo các thống kê, có tới 80% số thành phố 80% số thành phố trên thế giới không đáp ứng được tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới về chất lượng không khí. Đáng lưu ý là con số này chủ yếu tập trung ở các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam.
Tổ chức Y tế Thế giới cho biết, theo các báo cáo mới nhất, ô nhiễm không khí là nguyên nhân gây ra cái chết của hơn 6 triệu người mỗi năm vì các lý do như nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não, ung thư phổi...
Qua con số này, có thể thấy sự nguy hiểm của ô nhiễm không khí tới sức khỏe con người. Vậy cụ thể tác hại của ô nhiễm không khí tới cuộc sống và sức khỏe con người là gì? Cần làm gì để làm giảm tác hại của ô nhiễm không khí?
Ô nhiễm không khí được định nghĩa là việc con người trực tiếp hoặc gián tiếp đưa các chất liệu hoặc năng lượng vào không khí, gây ra những tác hại như gây nguy hiểm cho sức khỏe con người, gây tổn hại đến hệ sinh vật và hệ sinh thái, dẫn đến thiệt hại về vật chất, ảnh hưởng trầm trọng đến việc sử dụng môi trường tự nhiên.
Tình trạng ô nhiễm không khí cũng có thể hiểu là trong không khí có chứa các chất gây ô nhiễm. Các chất này gây nguy hiểm cho sức khỏe con người, hoặc tác động xấu đối với môi trường.
Đọc thêm:
+ Sống trong môi trường ô nhiễm triền miên, cần làm gì để thanh lọc phổi và phòng chống ung thư?
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, có 6 chất chính gây ô nhiễm không khí. Cụ thể, 6 chất này bao gồm NOx, SOx, CO, Pb, O3, PM.
Tình trạng ô nhiễm không khí được xem là mối đe dọa sức khỏe môi trường lớn nhất trên thế giới. Các thống kê cho biết có đến một nửa dân số trên thế giới không được tiếp cận với nhiên liệu hoặc công nghệ sạch. Đáng lưu ý hơn, 9/10 người trong số này đang phải hít không khí ô nhiễm.
Hiện nay, tình trạng ô nhiễm không khí ngày càng nghiêm trọng ở Việt Nam. Theo các chuyên gia, có tới 34.332 người tử vong sớm có liên quan tới hiện tượng ô nhiễm không khí. Hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh thường xuyên chìm trong khói bụi, mây mù, chất lượng không khí vượt ngưỡng nguy hại, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của cộng đồng.
Một trong những tác hại đầu tiên và không thể bỏ qua chính là tác động tiêu cực tới sức khỏe con người, kể cả người khỏe mạnh. Đây là tác động trực tiếp của ô nhiễm không khí.
Ô nhiễm không khí là nguyên nhân gây ra các bệnh về đường hô hấp như viêm phổi, dị ứng...Không những vậy, đây là cũng là yếu tố làm tăng nguy cơ ung thư phổi. Ngoài ra, khí độc khi hít phải, khi được vận chuyển trong cơ thể cũng làm tăng nguy cơ ung thư nhiều bộ phận khác.
Hơn nữa, ô nhiễm không khí cũng ảnh hưởng tới não bộ, tim mạch....Đối với trẻ em, ô nhiễm không khí làm tăng nguy cơ dị tật bẩm sinh ngay từ trong bụng mẹ, giảm IQ, tăng nguy cơ dậy thì sớm ở bé gái...
Tác hại của ô nhiễm không khí với sức khỏe con người được biểu hiện qua tác động của các chất / yếu tố gây ô nhiễm không khí. Cụ thể:
- Bụi vào cơ quan phổi gây kích thích cơ học, xơ hóa phổi dẫn đến các bệnh về hô hấp và có thể dẫn đến các bệnh ở mắt, da, bệnh đường máu và các hệ thống khác của cơ thể, bệnh về tim mạch…Ngoài ra, bụi chứa các thành phần độc hại, bụi amiang...còn có thể gây ung thư.
- SO2 là tác nhân gây ảnh hưởng tới chức năng của phổi, gây viêm phổi, viêm phế quản mãn tính, gây bệnh tim mạch, làm tăng mẫn cảm ở những người mắc bệnh hen suyễn… Không những vậy, SO2 nhiễm độc qua da có thể làm giảm dự trữ kiềm trong máu, đào thải amoniac ra nước tiểu và kiềm ra nước bọt.
- NO2: Nếu con người tiếp xúc với NO2 sẽ làm tổn thương niêm mạc phổi, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về hô hấp, tổn thương các chức năng của các cơ quan phổi, mắt ,mũi , họng,….
- CO khi kết hợp với Hb trong máu thành hợp chất bền vững có tên là HbCO làm cho máu giảm khả năng vận chuyển oxy dẫn đến tình trạng thiếu oxy trong máu….
- NH3 là khí gây độc có khả năng kích thích mạnh lên các cơ quan mũi, miệng và hệ hô hấp. Cần lưu ý, nếu tiếp xúc với NH3 với nồng độ 100mg/m3 trong thời gian ngắn sẽ không để lại hậu quả lâu dài, nhưng nếu tiếp xúc với NH3 ở nồng độ cao hơn, cụ thể là 1500-2000 mg/m3 trong thời gian 30 phút rất nguy hiểm, đe dọa tới tới tính mạng.
- Hít thở lượng lớn hỗn hợp H2S sẽ gây ra hiện tượng thiếu oxy đột ngột và điều này có thể dẫn đến tử vong do bị ngạt thở. Không những vậy, nếu thường xuyên tiếp xúc với H2S ở nồng độ dưới mức gây độc cấp tính có thể gây ra tình trạng nhiễm độc mãn tính.
- Các hợp chất hữu cơ bay hơi (VOCs) trong đó quan trọng nhất là benzen, toluene, xylene... là yếu tố gây viêm đường hô hấp cấp, rối loạn tiêu hóa, rối loạn thần kinh, rối loạn huyết học, gây tổn thương các cơ quan gan – thận... Nguy hiểm hơn, đây cũng là tác nhân gây suy tủy, ung thư máu.
- Chì (Pb): Nếu bị nhiễm chì, sẽ tích đọng trong xương và hồng cầu gây ra hiện tượng rối loạn tủy xương, đau khớp, cao huyết áp, tai biến não, viêm thận, gây nhiễm độc hệ thần kinh trung ương và ngoại biên, phá vỡ hồng cầu gây thiếu máu, làm rối loạn chức năng của cơ quan thận. Cần lưu ý, phụ nữ có thai và trẻ em rất dễ bị tác động tiêu cực khi nhiễm chì.
- Khí Radon có thể bám qua các hạt bụi nhỏ, xâm nhập vào cơ thể thông qua đường hô hấp hoặc thấm qua da,qua các vết thương hở và là yếu tố gây nên bệnh ung thư phổi ,ung thư máu….Với những tác hại nghiêm trọng của nó, đây được coi là tác hại của ô nhiễm không khí lớn nhất.
Các chuyên gia chỉ ra rằng, ảnh hưởng của ô nhiễm không khí đến sức khỏe con người là rất nghiêm trọng. Tác hại này tương đương với tác hại của thói quen hút thuốc lá và nó cao hơn nhiều so với tác hại của việc ăn quá nhiều muối.
Trên thực tế, các con số thống kê chỉ ra, có tới 1/3 số ca tử vong do đột quỵ, ung thư phổi và các bệnh tim mạch là do nguyên nhân ô nhiễm không khí. Các chất ô nhiễm cực nhỏ trong không khí có thể lọt qua hệ thống miễn dịch của cơ thể con người, từ đó xâm nhập sâu vào hệ hô hấp và tuần hoàn, dần làm hỏng phổi, tim và não.
Bên cạnh đó, ảnh hưởng của ô nhiễm không khí còn thể hiện ở ô nhiễm không khí vừa là nguyên nhân hình thành, vừa là yếu tố làm trầm trọng thêm một số bệnh như hen suyễn, các bệnh về tim mạch, ung thư phổi, phì đại tâm thất, bệnh Alzheimer và Parkinson, bệnh võng mạc...
Nguy hiểm hơn, các hạt bụi mịn và siêu mịn - một trong những thành phần chính của không khí ô nhiễm, đã được Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế xếp vào nhóm chất gây ra căn bệnh ung thư cho con người.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, ô nhiễm không khí là tác nhân lớn nhất dẫn đến gánh nặng bệnh tật có nguồn gốc từ môi trường.
Ô nhiễm không khí gây hại tới tất cả sinh vật. Cụ thể, tác hại của ô nhiễm không khí đối với động - thực vậy được biểu hiện như sau:
- Các chất như lưu huỳnh dioxit, Nitơ dioxit, ozon, fluor, chì… gây hại trực tiếp cho thực vật khi đi vào khí khổng, làm hư hại hệ thống giảm thoát nước và giảm khả năng kháng bệnh của thực vật. Hơn nữa, nếu tiếp xúc với nồng độ HF lớn hơn 0,002 mg/m3 thì dẫn tới hiện tượng lá cây bị cháy đốm, rụng lá.
- Đối với động vật, đặc biệt là những vật nuôi, flour là yếu tố gây ra nhiều tai họa. Động vật có thể bị nhiễm độc do hít phải flour dù hít trực tiếp hay nhiễm độc qua chuỗi thức ăn.
Hiện nay, tình trạng ô nhiễm không khí có liên quan chặt chẽ với biến đổi khí hậu. Có thể thấy quá trình đốt cháy nhiên liệu hóa thạch vừa là yếu tố gây ô nhiễm không khí và là nguyên nhân gây biến đổi khí hậu. Vì vậy, nỗ lực giảm thiểu biến đổi khí hậu cũng có thể cải thiện không khí bị ô nhiễm và ngược lại.
Hội đồng liên chính phủ về Biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc cảnh báo rằng nhiệt độ của Trái Đất sẽ tăng hơn 1,5 độ C và chúng ta có thể chứng kiến một cuộc khủng hoảng biến đổi khí hậu lớn trong vòng 20 năm tới nếu quy trình sản xuất nhiệt điện từ đốt than không kết thúc vào năm 2050.
Không những ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe con người, tác động tới động - thực vật, ảnh hưởng tới biến đổi khí hậu, ô nhiễm không khí còn gây ra tác hại với tài sản toàn cầu. Cụ thể, ô nhiễm không khí là nguyên nhân dẫn tới làm gỉ, mài mòn, phân hủy kim loại; làm tranh bị hư hại, mất màu; làm mất màu sợi vải, giảm độ bền dẻo; giảm độ bền của giấy, cao su và các sản phẩm thuộc da...
Bên cạnh việc tự ý thức được tác hại của ô nhiễm không khí, mỗi cá nhân cần tự bảo vệ mình bằng cách làm giảm tác hại của ô nhiễm không khí thông qua các hành động cụ thể sau:
- Luôn đeo khẩu trang khi ra đường.
- Xây dựng chế độ dinh dưỡng và luyện tập khoa học để nâng cao sức đề kháng của cơ thể. Có thể sử dụng phương pháp thải độc phổi để giảm sự ảnh hưởng của ô nhiễm không khí đến sức khỏe con người.
- Trong nhà có thể sử dụng máy lọc không khí để làm sạch không gian sống.
Bên cạnh đó, mỗi người cần tự ý thức về bảo vệ vệ sinh môi trường bằng các việc làm thiết thực như trồng thêm cây xanh, hạn chế xả rác, sử dụng nhiên liệu sạch, hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân, sử dụng phương tiện công cộng...
Có thể nói tác hại của ô nhiễm không khí là rất nghiêm trọng, đặc biệt là những ảnh hưởng của ô nhiễm không khí đến sức khỏe con người. Việc nắm bắt và ý thức rõ những tác hại này sẽ giúp mỗi cá nhân biết cách bảo vệ sức khỏe bản thân mình cũng như cùng cộng đồng xây dựng môi trường sạch đẹp bằng các hành động cụ thể.