Ung thư cổ tử cung di căn sống được bao lâu?

Tham vấn chuyên môn: - Khoa Ngoại Tổng hợp
Ung thư cổ tử cung di căn sống được bao lâu?
Ung thư cổ tử cung là bệnh có thể chữa khỏi hoàn toàn nếu phát hiện ở giai đoạn sớm. Tuy nhiên, hầu hết các ca bệnh đều phát hiện khi bệnh đã trở nặng hoặc đã di căn. Vậy ung thư cổ tử cung di căn sống được bao lâu?

Thông thường, người bệnh ung thư cổ tử cung phải trải qua đủ 3 giai đoạn để tới với giai đoạn ung thư cổ tử cung di căn gồm: nhiễm virus HPV, giai đoạn tiền ung thư và giai đoạn ung thư chưa xâm lấn.

Theo thống kê của các chuyên gia, trên thực tế, có khoảng 1% số bệnh nhân từ giai đoạn 2 chuyển thẳng lên giai đoạn ung thư cổ tử cung di căn.

Ung thư cổ tử cung di căn hay giai đoạn cuối xảy ra khi những tế bào ung thư đi theo đường bạch huyết và bắt đầu xâm lấn sang các bộ phận khác của cơ thể như xương, bàng quang, trực tràng, dạ dày, tim, phổi, não,....

1. Dấu hiệu của ung thư cổ tử cung di căn

Khi bệnh tiến triển đến giai đoạn ung thư cổ tử cung di căn, các triệu chứng bệnh sẽ trở nên rất rõ ràng và nặng nề hơn cả về tần suất và mức độ:

- Khó thở: Đây là triệu chứng cơ bản nhất của bệnh nhân khi bệnh phát triển lên giai đoạn ung thư cổ tử cung di căn. Ở giai đoạn này, người bệnh có thể bị tắc nghẽn phế quản, suy hô hấp,...

- Buồn nôn và nôn: Cũng tương tự tình trạng khó thở, buồn nôn và nôn cũng là cảm giác thường thấy của bệnh nhân ung thư cổ tử cung giai đoạn di căn. Nguyên nhân có thể bởi sự phát triển của khối u chèn ép lên dạ dày, do tắc ruột hoặc do tâm lý người bệnh. Ngoài ra, điều trị bệnh bằng hóa chất cũng là nguyên nhân gây ra tình trạng này.

- Khô miệng, kém ăn: Bệnh nhân ở giai đoạn ung thư cổ tử cung di căn thường cảm thấy khô miệng, kém ăn. Từ những hiện tượng đó dần dần người bệnh bị suy nhược cơ thể.

- Thay đổi về cảm xúc: Khi bị mắc bệnh, một số người chấp nhận đầu hàng bệnh tật. Họ thu mình lại và không giao tiếp với những người xung quanh. Một số khác lại có xu hướng trở nên nóng tính, cáu kỉnh, dễ tức giận và bạo lực. Tuy nhiên, cũng có không ít người giữ tâm trạng thoải mái, lạc quan. 

Ngoài ra, tùy vào vị trí ung thư cổ tử cung di căn mà người bệnh sẽ xuất hiện thêm những dấu hiệu khác. 

Thông thường, khi ung thư cổ tử cung càng tiến triển đến giai đoạn muộn thì khả năng chữa khỏi hoàn toàn và khả năng sống sót của người bệnh càng thấp. Đối với người bệnh ung thư cổ tử cung giai đoạn 3, tỷ lệ bệnh nhân sống sau 5 năm chỉ đạt ở mức 30 - 35%.

2. Ung thư cổ tử cung di căn sống được bao lâu?

Ở giai đoạn ung thư cổ tử cung di căn, tỉ lệ sống sau 5 năm của người bệnh thường chỉ đạt khoảng 15-16%. Tùy vào thể trạng của từng bệnh nhân mà các bác sĩ sẽ đưa ra các phương pháp điều trị phù hợp. Với bệnh nhân ở giai đoạn ung thư cổ tử cung di căn thì phương pháp phẫu thuật sẽ ít được dùng. Bởi phương pháp này có thể khiến các tế bào ung thư lây lan nhanh hơn. Phương pháp hoá trị và xạ trị là những phương pháp phù hợp hơn cả.

Sau mỗi đợt hóa trị hoặc xa trị, cơ thể người bệnh sẽ xuất hiện những phản ứng (hay còn gọi là tác dụng phụ). Cụ thể,

- Phương pháp xạ trị: Phương pháp này có khiến người bệnh cảm thấy mệt mỏi, cơ thể uể oải, không muốn vận động. Ngoài ra, bệnh nhân còn bị rụng tóc, và khu vực chiếu xạ trên da sẽ trở nên đỏ, khô và ngứa. 

Hơn nữa, phương pháp xạ trị còn có thể gây ra tiêu chảy, gây ảnh hưởng đến chuyện quan hệ tình dục như gây đau rát,.... 

- Phương pháp hóa trị: Khi hóa trị ung thư cổ tử cung, có thể khiến bệnh nhân bị rụng tóc, chán ăn, buồn nôn,.... Hóa trị gây nhiễm trùng, bầm tím, chảy máu và cơ thể mệt mỏi. Tác dụng phụ của hóa trị phụ thuộc vào các loại thuốc, liều lượng và thể trạng của bệnh nhân.

Thông thường, trong một liệu trình điều trị, các bác sĩ sẽ kê thêm các loại thuốc có công dụng giảm bớt tác động của các phương pháp điều trị. 

Đa phần các tác dụng phụ này sẽ giảm dần và biến mất ở giữa lộ trình hoặc sau khi lộ trình kết thúc. Dù vậy, nếu cá tác dụng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến người bệnh hoặc người bệnh không thể chịu đựng được thì nên thông báo với bác sĩ để tìm biện pháp xử trí như có thể giảm liều lượng điều trị hoặc hoãn điều trị.


Tác giả: DNA