Ung thư cổ tử cung di căn bàng quang: Cách nhận biết và điều trị bệnh

Tham vấn chuyên môn: - Khoa Ngoại Tổng hợp
Ung thư cổ tử cung di căn bàng quang: Cách nhận biết và điều trị bệnh
Khi ung thư cổ tử cung di căn bàng quang hoặc những bộ phận khác như não, xương,... cũng đồng nghĩa với việc tỷ lệ chữa khỏi và khả năng sống sót sau 5 năm trở nên rất thấp. Vậy ung thư cổ tử cung di căn bàng quang có những dấu hiệu gì? Điều trị ra sao?

Ung thư cổ tử cung là căn bệnh đứng thứ năm trong những bệnh ung thư gây tử vong hàng đầu chỉ sau những bệnh ung thư nguy hiểm gồm: ung thư gan, ung thư phổi, ung thư vú và ung thư dạ dày.

Theo thống kê, ung thư cổ tử cung, mỗi năm, có khoảng 500.000 người mắc mới và khoảng 250.000 trường hợp tử vong vì bệnh trên toàn thế giới. Ở riêng tại Việt Nam, mỗi ngày, có 14 ca mắc mới và 7 người tử vong. Mặc dù là một căn bệnh nguy hiểm và gây tử vong cao nhưng ung thư cổ tử cung hoàn toàn có thể chữa khỏi nếu được phát hiện sớm và điều trị tích cực. 

Tuy nhiên, khi bệnh đã phát triển đến giai đoạn di căn, tế bào ung thư xâm lấn tới các bộ phận khác như bàng quang, trực tràng,..., thì khả năng chữa khỏi hoàn toàn gần như đã không còn và tiên lượng sống cũng giảm đi đáng kể.

1. Ung thư cổ tử cung di căn bàng quang ở giai đoạn nào?

Ung thư cổ tử cung, dựa theo mức độ phát triển của bệnh, được chia thành giai đoạn 0 (hay còn gọi là giai đoạn tiền ung thư), giai đoạn 1, giai đoạn 2, giai đoạn 3 và giai đoạn 4 (giai đoạn cuối).

Không ít người nghĩ rằng, ung thư cổ tử cung nói riêng và các bệnh ung thư nói chung, phải đến giai đoạn cuối của bệnh thì tế bào ung thư mới di căn. Tuy nhiên, trên thực tế, ở cuối giai đoạn 2, tế bào ung thư đã bắt đầu xâm lấn sang các mô dạ con và gây ra các ảnh hưởng đáng kể.

Bàng quang nằm ở vị trí rất gần với cổ tử cung và các cơ quan sinh sản nên thường là bộ phận bị tế bào ung thư xâm lấn sớm nhất. Ung thư cổ tử cung di căn bàng quang thường xuất hiện ở giai đoạn 3. Đây, mặc dù, là giai đoạn muộn nhưng nếu người bệnh được chữa trị kịp thời thì cơ hội sống sót sau 5 năm cũng có thể lên tới 32 - 35%.

2. Triệu chứng ung thư cổ tử cung di căn bàng quang

Khi ung thư cổ tử cunng di căn bàng quang, người bệnh có thể xuất hiện những dấu hiệu sau:

- Rối loạn đường tiểu; tiểu không kiểm soát; tiểu són khi hắt hơi, bê đồ hoặc làm việc nặng; đôi khi tiểu khó, tiểu dắt, tiểu ra máu. 

- Đau vùng bụng dưới, căng tức bụng, đau thắt lưng; cơn đau, thậm chí, lan xuống đùi và cẳng chân.

- Xuất huyết âm đạo, khí hư bất thường và vùng kín có mùi hôi.

- Cơ thể mệt mỏi, suy nhược, chán ăn, sụt cân không rõ nguyên nhân.

Khi thấy xuất hiện những dấu hiệu này, người bệnh nên tới bác sĩ thăm khám ngay lập tức bởi đây đều là những dấu hiệu đặc trưng khi ung thư cổ tử cung di căn bàng quang. Ngoài ra, nếu bệnh được điều trị khi tế bào ung thư mới chớm xâm lấn bàng quang thì có thể điều trị khỏi với tỷ lệ khá cao.

3. Làm thế nào để điều trị ung thư cổ tử cung di căn bàng quang?

Hiện nay, để điều trị ung thư cổ tử cung di căn bàng quang, có thể sử dụng phương pháp phẫu thuật, hoá trị và xạ trị tuỳ thuộc vào mức độ xâm lấn của tế bào ung thư.

3.1. Điều trị ung thư cổ tử cung di căn bàng quang bằng phẫu thuật

Đây là phương pháp được chỉ định trong hầu hết các trường hợp ung thư. Căn cứ vào vị trí và mức độ tổn thương do ung thư, bác sĩ sẽ khoanh vùng và xác định loại phẫu thuật cần tiến hành.

Phẫu thuật cắt bỏ tử cung, buồng trứng, một phần âm đạo, nạo vét hạch, loại bỏ các mô bệnh xung quanh là việc làm cần thiết. Bên cạnh đó, bác sĩ chỉ định cắt bỏ khối u, cắt bỏ bán phần, toàn phần bàng quang để loại bỏ tế bào ung thư.

3.2. Điều trị ung thư cổ tử cung di căn bàng quang theo phương pháp xạ trị, hóa trị

Hoá trị và xạ trị là hai phương pháp được chỉ định sử dụng khi bệnh đã bước vào giai đoạn di căn (cuối giai đoạn 2), khi khối u đã lan ra ngoài cổ tử cung, xâm lấn đến âm đạo và các mô gần cổ tử cung. Phương pháp hoá trị sử dụng các loại hoá chất nhằm tiêu diệt, kìm hãm, ngăn chặn sự phát triển và xâm lấn của tế bào ung thư. 

Phương pháp xạ trị sử dụng những tia xạ năng lượng cao tác động trực tiếp lên vùng có tế bào ung thư nhằm tiêu diệt và kiểm soát sự phát triển của chúng. Tuy nhiên tuỳ vào từng trường hợp cụ thể, các bác sĩ cũng có thể chỉ định sử dụng kết hợp các phương pháp hoá - xạ trị hoặc sử dụng xạ trị trước khi tiến hành phẫu thuật.


Tác giả: DNA