Ung thư buồng trứng và u nang buồng trứng: Hướng dẫn cách phân biệt triệu chứng

Tham vấn chuyên môn: - Khoa Ngoại Tổng hợp
Ung thư buồng trứng và u nang buồng trứng: Hướng dẫn cách phân biệt triệu chứng
Ung thư buồng trứng và u nang buồng trứng đều là những căn bệnh phụ khoa nguy hiểm đối với chị em phụ nữ. Riêng u nang buồng trứng thường lành tính hơn và ít đe dọa đến tính mạng như bệnh ung thư buồng trứng. Tuy nhiên việc phân biệt các triệu chứng của 2 bệnh này rất dễ nhầm lẫn.

1. Cơ chế hình thành các bệnh từ buồng trứng

Buồng trứng là cơ quản sinh sản của người phụ nữ, nằm sâu trong khung xương chậu và có chức năng sản xuất trứng, hormone estrogen, progesterone. Trứng phát triển bên trong túi nang của buồng trứng. Quá trình rụng trứng, trứng thoát ra khỏi túi (nang) đi vào một trong hai ống dẫn trứng. 

Thông thường, các túi (nang) này thường biến mất ngay sau đó, nhưng đôi khi, các túi (nang) vẫn tồn tại và phát triển thành một u nang. U nang thường lành tính và rất hiếm khi phát triển thành ung thư buồng trứng. 

>>> Xem thêm:  U nang buồng trứng là gì?

2. Phân biệt dấu hiệu ung thư buồng trứng và u nang buồng trứng

Ung thư buồng trứng và u nang buồng trứng là hai căn bệnh về buồng trứng thường gặp ở phụ nữ, nhất là độ tuổi ngoài 50. Ung thư buồng trứng có tỷ lệ gây tử vong rất cao và trở thành một nỗi ám ảnh của bất kỳ bệnh nhân nào. 

2.1. Mức độ nguy hiểm

U nang buồng trứng hầu hết đều vô hại, có thể sử dụng thuốc để thu nhỏ kích cỡ của u nang hoặc phẫu thuật cắt bỏ chúng. Tuy nhiên một số loại u nang có thể bị vỡ, gây chảy máu và đau, hoặc làm rối loạn chu kỳ kinh nguyệt của người phụ nữ. U nang buồng trứng lành tính, hiếm khi phát triển thành ung thư buồng trứng, do vậy việc điều trị cũng sẽ đơn giản hơn và ít gây nguy hiểm đến tính mạng của người bệnh. 

Ung thư buồng trứng là một khối u ác tính phát triển tại buồng trứng hoặc các mô lân cận. Ung thư buồng trứng bao gồm ung thư biểu mô buồng trứng (từ các tế bào trên bề mặt của buồng trứng), ống dẫn trứng và phúc mạc chính (lớp lót bên trong). Ung thư buồng trứng nếu phát hiện ở giai đoạn đầu, tỷ lệ chữa khỏi bệnh có thể cao hơn 95%, ngược lại cơ hội sống càng thấp khi bệnh phát hiện ở giai đoạn muộn. 

2.2. Dấu hiệu ung thư buồng trứng và u nang buồng trứng

* Điểm giống nhau 

- Đau khi quan hệ tình dục

- Có cảm giác bị đè nặng lên bụng dưới, vùng chậu khi thâm nhập sâu

- Đầy hơi, đầy bụng dù không phải do ăn no

- Buồn nôn, ói mửa

- Nhanh no

* Điểm khác nhau giữa dấu hiệu ung thư buồng trứng và u nang buồng trứng

- Dấu hiệu u nang buồng trứng

Bệnh u nang buồng trứng thường rất ít tạo ra các triệu chứng, do vậy người bệnh thường phát hiện khi đi siêu âm phụ khoa. 

Trong một số trường hợp, u nang lớn bị vỡ thường có những triệu chứng sau:

- Đau bụng dưới hoặc đau vùng chậu

- Cơn đau tăng mạnh có lúc đau quằn quại, đau gián đoạn hoặc đột ngột

- Đau vùng chậu mạn tính

- Đau thắt lưng trong suốt thời kỳ kinh nguyệt

- Đau vùng chậu sau khi tập thể dục hoặc vận động mạnh

- Đau khi đi tiểu, cảm giác bị đè nặng

- Đau khi quan hệ tình dục

- Ợ nóng, sình bụng, bụng dưới to bất thường

U nang buồng trứng bị vỡ có thể khiến người bệnh đau nghiêm trọng, dữ dội. Điều này hay xảy ra vào giữa chu kỳ kinh nguyệt, sau khi quan hệ tình dục hoặc tập thể dục.

Dấu hiệu ung thư buồng trứng

Triệu chứng của bệnh ung thư buồng trứng cũng rất khó phát hiện, mơ hồ và dễ nhầm lẫn với chu kỳ kinh nguyệt. Cho đến khi khối u phát triển đủ lớn, gây sức ép lên các cơ quan khác ở vùng bụng hoặc lan sang các bộ phận xung quanh thì người bệnh mới có thể nhận thấy rõ các triệu chứng. 

- Kinh nguyệt bất thường: có thể bị rong kinh, tắc kinh, kinh nguyệt không đều khi ngắn khi dài, lượng máu kinh ra quá nhiều hoặc ra quá ít

Ngoài ra người bệnh ung thư buồng trứng còn có thể có những triệu chứng khác như

- Táo bón

- Cố trướng

- Đi tiểu nhiều

- Có những cơn đau vùng bụng không rõ nguyên nhân

- Xì hơi, ăn mất ngon, tiêu chảy

Ung thư buồng trứng và u nang buồng trứng đều là những căn bệnh phụ khoa thường gặp ở chị em phụ nữ. 

Do vậy việc thăm khám và tầm soát thường xuyên là việc nên làm, trong bất kỳ độ tuổi nào (từ độ tuổi sinh sản trở đi cho đến thời kỳ mãn kinh) chị em đều nên đi khám phụ khoa định kỳ. Ngoài ra, thực hành lối sống lành mạnh, quan hệ tình dục với ít bạn tình, sử dụng thuốc tránh thai đúng cách...sẽ giúp bạn phòng tránh các căn bệnh phụ khoa nguy hiểm.


Tác giả: TMH