Ung thư amidan và nguy cơ lây nhiễm

Tham vấn chuyên môn: - Khoa Nội Tổng hợp
Ung thư amidan và nguy cơ lây nhiễm
Ung thư thường là bệnh không lây nhiễm. Tuy nhiên ung thư amidan có liên quan đến virus HPV, là virus dễ lây qua quan hệ tình dục. Do vậy cũng cần xét đến các yếu tố nguy cơ lây nhiễm ung thư amidan để phòng và chữa bệnh tốt hơn.

1. Bệnh ung thư amidan lây nhiễm như thế nào?

Bệnh ung thư amidan vốn không phải là bệnh truyền nhiễm, nhưng các bác sĩ vẫn khuyến cáo đến khả năng lây bệnh từ người sang người do nó có liên quan đến virus HPV. Dù không chắc chắn về nguyên tắc hoạt động, nhưng các nhà khoa học đã khẳng định, virus HPV làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư amidan. 

Virus HPV chủ yếu lây truyền qua quan hệ tình dục. Sự gia tăng trong quan hệ tình dục bằng miệng được nghi ngờ là nguyên nhân của sự gia tăng tỷ lệ nhiễm HPV hầu họng, đồng thời làm gia tăng bệnh nhân mắc ung thư amidan. Các thống kê cho thấy, có tới 51% bệnh nhân ung thư amidan dương tính với virus HPV. 

Phần lớn bệnh nhân bị nhiễm HPV không có ảnh hưởng gì tới sức khỏe. Cơ thể có thể tự đào thải virus HPV sau 1 - 2 năm. Nhưng cũng có một số trường hợp, lây nhiễm HPV dai dẳng nhiều năm dẫn đến sự thay đổi tế bào, không phát hiện và điều trị kịp thời sẽ làm biến đổi tế bào, dẫn đến ung thư.

Những điều trên đã chứng minh, bệnh ung thư amidan không lây trực tiếp, nhưng có khả năng lây gián tiếp thông qua virus HPV. Việc bạn bị lây virus HPV khiến nguy cơ mắc ung thư amidan của bạn tăng cao.

2. Dấu hiệu lây nhiễm ung thư amidan do virus HPV

Đa số các bệnh nhân nhiễm HPV không có triệu chứng gì, virus sẽ biến mất sau 1 - 2 năm. Trong trường hợp virus HPV sinh sôi, phát triển gây bệnh, thì triệu chứng là các nốt mụn rộp, mụn sùi, mụn cóc. Các mụn sinh dục này thường gặp ở bộ phận sinh dục, hậu môn, vòm họng, quanh miệng.

Khi bị ung thư amidan do virus HPV, thì triệu chứng đầu tiên thường là vùng amidan bị viêm nhiễm, lở loét, xuất hiện các mảng nấm trắng hoặc đỏ trên amidan. Các dấu hiệu khác có thể là viêm họng, khó nuốt, ho ra máu, khàn giọng,... Ở giai đoạn muộn hơn, triệu chứng thường là đau tai, chảy máu tai và mũi, khó thở, khó khăn trong giao tiếp, sờ thấy u hạch ở cổ,...

Bị lây nhiễm virus HPV nhưng chưa chắc bạn sẽ bị ung thư amidan. Tương tự vậy, có các dấu hiệu trên không nhất thiết có nghĩa là bạn đã bị ung thư.

Nhưng nếu có bất kỳ dấu hiệu nào xuất hiện lâu hơn hai tuần, bạn nên đi khám bác sĩ. Bạn càng phải cẩn trọng hơn nếu bạn dương tính với virus HPV, đặc biệt là chủng HPV 16.

3. Làm sao để ngăn ngừa lây nhiễm ung thư amidan do virus HPV?

Vì virus HPV lây nhiễm qua đường quan hệ tình dục, nên các biện pháp ngăn ngừa lây nhiễm ung thư amidan chủ yếu là các biện pháp quan hệ tình dục an toàn:

- Bạn có thể tìm hiểu tiêm vacxin phòng chống virus HPV. Vacxin này không những giúp bạn phòng ngừa được nguy cơ mắc ung thư amidan và ung thư cổ tử cung mà còn giúp ngừa được rất nhiều căn bệnh tình dục nguy hiểm khác.

- Quan hệ tình dục an toàn. Sử dụng bao cao su để tránh lây nhiễm virus HPV. Sử dụng miếng đập nha khoa khi bạn quan hệ bằng miệng.

- Những người từng quan hệ với 6 đối tượng khác nhau có nguy cơ nhiễm virus HPV rất cao. Do vậy, bạn nên chung thủy với mối quan hệ 1 vợ 1 chồng. Cẩn trọng với những đối tượng từng có nhiều bạn tình.

- Cẩn trọng với các vết lở lét, viêm nhiễm ở vùng họng, bộ phận sinh dục và hậu môn. Bởi các vết thương tổn đó sẽ tạo điều kiện cho virus HPV lây nhiễm, trú ngụ và sinh sôi.

- Giữ vệ sinh thân thể, ăn uống khoa học, tập thể dục đều đặn để tăng sức đề kháng, giúp cơ thể chống lại virus HPV, tăng tốc độ đào thải virus HPV ra khỏi cơ thể.


Tác giả: Minh Vy