Ứng dụng X-Quang và CT-Scaner trong chẩn đoán bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD)

Ứng dụng X-Quang và CT-Scaner trong chẩn đoán bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD)
Trong các cận lâm sàng được sử dụng để hỗ trợ chẩn đoán COPD thường được sử dụng trên thực tế, các cận lâm sàng hình ảnh học như X-Quang và CT-Scan được xem là những cận lâm sàng có giá trị lớn trong đánh giá và chẩn đoán COPD.

Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) ngày càng được ghi nhận nhiều hơn trong thực tế. Với đặc điểm là các tổn thương do bệnh gây nên đều là các tổn thương không thể hồi phục về trạng thái ban đầu, vì thế phát hiện và chẩn đoán COPD sớm là cơ sở để có thể kiểm soát các tổn thương chậm tiến triển và làm giữ bệnh chậm trở nên trầm trọng hơn.

Trong các cận lâm sàng thường được sử dụng để hỗ trợ chẩn đoán COPD hay được dùng hiện nay thì những cận lâm sàng hình ảnh học như chụp X-Quang và CT-Scaner là những cận lâm sàng đặc biệt có giá trị.


Xem thêm:

>> Tổng hợp các phương pháp giúp chẩn đoán bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và ưu nhược điểm của các phương pháp

1. Cơ chế chụp X-Quang và CT-SCaner như thế nào?

Như đã nói, X-Quang và CT-Scaner đều là những cận lâm sàng hình ảnh học hết sức có giá trị trong chẩn đoán COPD. Cả hai phương pháp này đều dựa trên cơ chế chính là cho tia X đi xuyên qua cơ thể của người bệnh.

Tia X là một tia có tính đâm xuyên tốt, nhưng các cấu trúc có độ cứng càng cao thì lại càng có khả năng cản tia X lớn. Vì thế, khi tia X đi qua các bộ phận của cơ thể người thì nó phải đi qua nhiều cấu trúc khác nhau (da, cơ, xương,...) và tùy thuộc vào mức độ đặc của cấu trúc trên đường đi của tia mà khi tia đi ra khỏi cơ thể cũng có sự mạnh yếu khác nhau giữa các khu vực. Nơi mà tia X đi qua càng tốt (da, cơ, khí,...) thì hình ảnh trên phim càng sáng (màu đen). Ngược lại những nơi tia X đi xuyên kém như (xương, dịch) thì hình ảnh trên phim càng mờ (màu trắng).

Nhờ đó, ta có thể quan sát được hình ảnh các cấu trúc của cơ thể thông qua hình ảnh gián tiếp trên phim chụp. Điểm khác biệt giữa X-Quang và CT-Scaner là chụp X-Quang chỉ cho hình ảnh trên một phim nên hình ảnh có sự chồng lấn lên nhau và mờ nên khó quan sát, trong khi đó CT-Scaner nhờ có sự hỗ trợ xử lý của hệ thống máy tính nên thu được hình ảnh sắc nét hơn nhiều theo các lát cắt.

Ứng dụng điều này, người ta đã sử dụng tia X trong kỹ thuật chụp X-Quang và CT-Scaner để sử dụng trong chẩn đoán nhiều bệnh lý khác nhau, trong đó có chẩn đoán COPD.

Ứng dụng X-Quang và CT-Scaner trong chẩn đoán COPD - Ảnh 1.

Chụp X-Quang và CT-Scaner được tiến hành nhờ vào tính chất xuyên thấu tốt của tia X (Ảnh: Internet)

2. Chẩn đoán COPD nhờ phim chụp X-Quang và CT-Scaner

Mặc dù có cùng cơ chế là sử dụng tính chất đâm xuyên của tia X để ghi lại các hình ảnh tổn thương phổi của người bệnh COPD trên phim chụp, tuy nhiên do kỹ thuật chụp khác nhau nên sự biểu hiện của các tổn thương trong bệnh COPD trên phim X-Quang và phim CT-Scaner cũng không hoàn toàn giống nhau.

2.1. Các tổn thương trong bệnh COPD có thể thấy trên phim X-Quang

- Tăng sáng các phế trường: Các phế trường ở bệnh nhân COPD do bị ứ khí nên sẽ có hiện tượng tăng sáng trên phim chụp X-Quang (màu đen hơn bình thường).

- Giãn rộng các khoang liên sườn và xương sườn nằm ngang: Ứ khí ở phổi không chỉ khiến phế trường tăng sáng hơn trên phim chụp mà nó còn làm cho phổi bị tăng thể tích lên nên khiến cho các khoang liên sườn trở nên giãn rộng và các xương sườn cũng nằm ngang hơn trên hình ảnh thu được.

- Đè đẩy cơ hoành: Trong bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, các phế nang bị giãn rộng nên thành bị vỡ và thông với nhau tạo thành các kén khí. Các kén khí này là các khu vực sáng hơn nhiều so với các khu vực khác với một giới hạn rõ. Nếu các kén khí lớn và nằm gần cơ hoành thì ta có thể thấy trên phim X-Quang hình ảnh cơ hoành bị đè ép làm vòm hoành hạ thấp, vòm hoành dẹt, hay vòm hoành bị lõm,...

- Bóng tim hình giọt nước: Nếu tình trạng ứ khí diễn ra kéo dài thì có thể khiến tim bị đè ép trở nên nhỏ hơn ở tiết diện ngang và dài thõng xuống dưới. Hình ảnh này trên phim chụp X-Quang được mô tả là hình ảnh bóng tim hình giọt nước.

- Tràn khí màng phổi: Nếu các kén khí quá lớn hoặc quá gần lá tạng của khoang màng phổi thì chúng có thể bị vỡ và thông với khoang màng phổi, gây nên hiện tượng tràn khí màng phổi trên phim X-Quang.

Ngoài ra, trên phim chụp X-Quang ta còn có thể thấy được một số hình ảnh giúp ích cho việc chẩn đoán COPD như hình ảnh tăng mạch máu ngoại biên phổi do tăng áp động mạch phổi, rốn phổi bẩn trong các đợt cấp,...

Ứng dụng X-Quang và CT-Scaner trong chẩn đoán COPD - Ảnh 2.

Phim X-Quang được sử dụng rất phổ biến trong chẩn đoán COPD (Ảnh: Internet)

2.2. Chẩn đoán COPD dựa trên phim CT-Scaner

Trên phim CT-Scaner, nhờ vào sự thay đổi đậm độ của các cấu trúc mà người ta có thể bắt gặp nhiều hình ảnh khác nhau trên bệnh nhân COPD, kể đến như:

- Các kén khí: Do sự phá hủy thành phế nang gây hình thành các kén khí trong phổi, kích thước có thể lớn hoặc nhỏ thay đổi không cố định, vị trí có thể ở trung tâm hay đi sát ra gần rìa phổi.

- Tăng đậm độ và kích thước các mạch máu trong phổi: Chủ yếu do nguyên nhân tăng áp động mạch phổi.

- Hình ảnh dày thành phế quản: Các phế quản có thể bị dày lên do tình trạng viêm phế quản mãn tính làm thành phế quản dày lên, tiết diện đường thở bị thu nhỏ.

Ứng dụng X-Quang và CT-Scaner trong chẩn đoán COPD - Ảnh 3.

Phim CT-Scaner có thể cho thấy những tổn thương do bệnh COPD không thể thấy được trên X-Quang(Ảnh: Internet)

3. Bệnh nhân cần chuẩn bị gì trước chụp X-Quang và CT-Scaner chẩn đoán COPD

Về cơ bản, chụp X-Quang ngực và CT-Scaner ngực để chẩn đoán COPD là những cận lâm sàng không xâm lấn và người bệnh không cũng không cần phải chuẩn bị quá nhiều trước khi chụp. Người bệnh gần như chỉ được yêu cầu tháo các vật dụng bằng kim loại trên cơ thể là có thể bắt đầu tiến hành chụp X-Quang và CT-Scaner.

Hoặc trong một số trường hợp nhất định, tùy thuộc theo y lệnh mà bác sĩ có thể yêu cầu bệnh nhân thực hiện một số tư thế chụp khác nhau để hiển thị tốt nhất khu vực mong muốn khảo sát.

4. Chụp X-Quang và CT-Scaner chẩn đoán COPD có nguy hiểm không?

Do tia X cũng là một loại tia bức xạ, do đó khi sử dụng tia X để chụp X-Quang thì nó cũng có thể gây nên các tác dụng phụ tương tự với như các loại tia bức xạ khác, tia X có khả năng gây nên tổn thương ở mức độ tế bào làm tổn thương vật chất di truyền,... Thậm chí việc sử dụng tia X trong chẩn đoán COPD quá thường xuyên có thể làm tăng nguy cơ ung thư về sau.

Ngoài ra, ở phụ nữ mang thai, tia X có thể gây nên tình trạng dị tật ở thai nhi, các bất thường thai kỳ,... Vì thế phụ nữ mang thai là chống chỉ định của chụp X-Quang và CT-Scaner, thay vào đó bệnh nhân có thể được khảo sát bằng các xét nghiệm khác để chẩn đoán COPD để tránh ảnh hưởng xấu đến thai kỳ.

Ứng dụng X-Quang và CT-Scaner trong chẩn đoán COPD - Ảnh 4.

Phụ nữ có thai là đối tượng không nên chụp X-Quang hay CT-Scaner để chẩn đoán COPD (Ảnh: Internet)

Qua đó có thể thấy rằng, chụp X-Quang và CT-Scaner là những cận lâm sàng có ý nghĩa rất đặc biệt trong chẩn đoán COPD. Tuy nhiên, cũng không nên lạm dụng việc sử dụng tia X trong chẩn đoán COPD để tránh các tác hại do tia X gây nên đối với cơ thể.

Nguồn dịch tham khảo: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC4334134/


Tác giả: QN