Nhiệt trị liệu là phương pháp vật lý trị liệu được sử dụng phổ biến trong quá trình điều trị viêm khớp dạng thấp hiện nay. Phương pháp này sử dụng tác nhân vật lý là nhiệt độ tác động vào cơ thể người bệnh nhằm đẩy lùi các triệu chứng và hỗ trợ điều trị viêm khớp dạng thấp.
Nhiệt trị liệu trong quá trình sử dụng để điều trị viêm khớp dạng thấp có nhiều tác dụng khác nhau, kể đến như tăng lưu thông tuần hoàn khiến phân tán các chất trung gian chuyển hóa nên khiến bệnh nhân bớt đau đớn, làm tăng tuần hoàn nuôi dưỡng các mô tại vùng trị liệu thúc đẩy sự hồi phục các tổn thương, giảm quá trình viêm do tăng thực bào tại chỗ,...
Nhìn chung, nhiệt trị liệu là phương pháp an toàn, có thể sử dụng được cho hầu hết các trường hợp điều trị viêm khớp dạng thấp. Tuy nhiên trong một số trường hợp, bệnh nhân có thể có chống chỉ định với điều trị viêm khớp dạng thấp như bệnh nhân đang ở đợt cấp tiến triển của bệnh, các trường hợp khớp đang ở trạng thái sưng nóng, phù nề hoặc những bệnh nhân có tràn dịch khớp,...
Vì vây, người bệnh cần thực hiện đầy đủ các thăm khám để đánh giá mức độ bệnh và các biến chứng đã xảy ra trên khớp trước khi quyết định sử dụng nhiệt trị liệu để điều trị viêm khớp dạng thấp an toàn và hiệu quả nhất.
Có rất nhiều kỹ thuật nhiệt trị liệu đang được áp dụng trên lâm sàng trong quá trình điều trị cho bệnh nhân viêm khớp dạng thấp hiện nay. Nhưng ta có thể phân chia các kỹ thuật này thành hai nhóm chính là những kỹ thuật nhiệt trị liệu tác nông và nhiệt trị liệu sâu.
Nhiệt trị liệu nông sử dụng điều trị viêm khớp dạng thấp có khớp viêm là các khớp dễ tiếp cận, che phủ bởi lớp mỏng các tổ chức bao phủ như khớp ở các chi, ngón chi,... Các kỹ thuật nhiệt trị liệu nông được sử dụng chủ yếu là:
- Chườm nóng: Người bệnh sử dụng túi chườm chuyên dụng hoặc khăn ngâm nước nóng để thực hiện nhiệt trị liệu tại khớp bị viêm khớp dạng thấp.
- Ngâm nước nóng, tắm nước nóng: Người bệnh ngâm mình trực tiếp trong các nguồn nước nóng nhân tạo, các suối nước nóng thiên nhiên hoặc tắm bằng nước nóng.
- Chiếu tia hồng ngoại: Do tia hồng ngoại có độ xuyên thấu tổ chức kém, vì vậy chiếu tia hồng ngoại được xếp vào nhóm nhiệt trị liệu nông. Khi chiếu tia hồng ngoại, năng lượng từ những tia hồng ngoại sẽ chuyển hóa thành dạng nhiệt. Mỗi lần chiếu tia hồng ngoại có thể kéo dài từ 20 đến 30 phút với ngọn đèn đặt cách cơ thể khoảng 45-60cm.
Nhiệt trị liêu sâu là các kỹ thuật có đặc điểm làm tăng nhiệt độ tổ chức ở các khu vực sâu trong cơ thể lên đến 45oC mà không làm tăng nhiệt độ bề mặt da cũng như các tổ chức nông. Đây là phương pháp thường được sử dụng khi bệnh nhân bị viêm khớp ở các vị trí khó tiếp cận.
Hai kỹ thuật nhiệt trị liệu sâu thường dùng điều trị viêm khớp dạng thấp hiện nay là sử dụng sóng siêu âm và sóng ngắn. Những loại sóng này sau khi đi vào cơ thể sẽ ma sát với các tổ chức trong cơ thể và sinh ra nhiệt.
Có thể thấy rằng, nhiệt trị liệu là phương pháp hiệu quả trong điều trị viêm khớp dạng thấp. Tuy nhiên để đảm bảo an toàn và hiệu quả khi sử dụng, người bệnh cần đến cơ sở y tế được thăm khám và chỉ định kỹ thuật thích hợp bởi bác sĩ có chuyên môn.