Nhận chẩn đoán ung thư là một trong những điều đáng sợ nhất của cuộc đời. Nhưng theo nghiên cứu của Viện Ung thư Quốc gia Hoa Kỳ, 38,5% dân số sẽ phải đối mặt với cơn ác mộng ấy. Điều này nghĩa là cứ mỗi 10 người thì có 3-4 người sẽ mắc một loại ung thư, tại một độ tuổi nào đó trong đời.
Niềm hi vọng lúc này là gì? Liệu có một biện pháp chữa trị ung thư nào kịp ra đời trong thời đại của chúng ta đang sống?
Mới đây, trang Futurism đã thực hiện một khảo sát trên độc giả. Họ đặt câu hỏi: Bạn tin rằng phương pháp điều trị cho mọi loại ung thư sẽ ra đời vào năm bao nhiêu?
Kết quả cho thấy 25% độc giả nghĩ rằng chúng ta sẽ có nó vào năm 2030, 18% dự đoán là năm 2040 và 16% rất lạc quan nói rằng ung thư sẽ được chữa ngay thập kỷ tới. Mặc dù vậy, vẫn có 10% độc giả dự đoán ung thư là bệnh mà con người không bao giờ chữa khỏi được.
Thế còn các chuyên gia nghĩ sao về câu hỏi này?
Ung thư không phải một căn bệnh duy nhất. Có tới hàng trăm loại ung thư khác nhau. Bởi vậy, nếu đóng khung việc nghiên cứu ung thư, theo hướng tìm ra được một phương pháp chữa cho tất cả các bệnh, thì đó là một hướng đi sai lầm.
Thực tế, các bác sĩ đang phát triển các phương pháp điều trị đặc hiệu cho từng loại ung thư, thậm chí cho từng bệnh nhân. Chiếc lược này đúng đắn, vì mỗi ca bệnh ung thư đều có đặc điểm riêng. Chúng xuất hiện ở những người khác nhau, có độ tuổi, hệ thống cơ thể và đặc thù sinh lý khác nhau.
Và cũng có những loại ung thư dễ chữa hơn các loại khác.
Chẳng hạn tháng trước, Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã chính thức phê duyệt một liệu pháp điều trị ung thư được gọi là CAR-T. Mặc dù là một phương pháp cực kỳ tiên tiến và mở ra nhiều hi vọng, CAR-T mới chỉ được áp dụng cho những bệnh nhân ung thư bạch cầu ác tính (ALL), là một dạng ung thư máu.
Riêng các phương pháp điều trị ung thư bạch cầu ác tính cũng rất đa dạng. Điều này củng cố quan điểm cá nhân hóa mới là xu hướng trong điều trị ung thư.
Ví dụ như câu chuyện của Lukas Wartman, một bác sĩ người Mỹ cũng mắc ung thư máu. Anh đã phải sử dụng hơn 70 loại thuốc, một loạt các biện pháp điều trị nhưng căn bệnh chỉ được ngăn chặn bằng liệu pháp gen.
Bác sĩ Wartman đã phân tích mã gen di truyền của chính mình để tìm hiểu về căn bệnh ung thư của riêng ông. Sau đó, Wartman đã quyết định cấy ghép tế bào gốc để điều trị nó.
Các kỹ thuật di truyền đang chứng minh được chỗ đứng của mình trong trị liệu ung thư. Một nghiên cứu hồi tháng 3, sử dụng công cụ chỉnh sửa gen CRISPR, đã cho phép chữa trị ung thư trên chuột. Các nhà khoa học đã lại một lần nữa nhắm đến ung thư máu, với một dạng gọi là đa u tủy huyết tương.
Nhưng cũng có những nghiên cứu kỹ thuật di truyền mở ra triển vọng điều trị một lúc nhiều loại ung thư khác nhau. Chẳng hạn hồi đầu năm, các nhà khoa học tại Trường Y Đại học Pittsburgh đã phát hiện ra hai gen kết hợp với nhau để tạo ra các protein thúc đẩy ung thư. Hai gen này có thể giữ vai trò trong nhiều loại ung thư khác nhau, bởi vậy nếu nhắm vào đó, có thể chúng ta sẽ điều trị được nhiều bệnh cùng lúc.
Sẽ không có một phương pháp điều trị duy nhất cho ung thư
Mặc dù nghiên cứu kể trên có vẻ hứa hẹn, các chuyên gia vẫn thận trọng khi bình luận về tương lai của lĩnh vực này. Monica Bertagnolli, Chủ tịch Hiệp hội thử nghiệm lâm sàng ung thư cho biết: Ngay cả khi các phương pháp điều trị mới được phát triển và vượt qua những rào cản về mặt quy định, không có nghĩa chúng sẽ hiệu quả cho 100% bệnh nhân.
"Thật không may, chúng tôi đã thấy một số bệnh nhân không đáp ứng với những liệu pháp mới. Và một số bệnh nhân ban đầu thì đáp ứng, nhưng cuối cùng sẽ đề kháng với liệu pháp dẫn đến việc khối u phát triển trở lại", Bertagnolli cho biết trong một cuộc phỏng vấn.
Các chuyên gia khác, những người đã cống hiến cả sự nghiệp của mình cho nghiên cứu ung thư cũng đồng ý. Barrie Bode, chủ nhiệm Sinh học tại Đại học Northern Illinois, thừa nhận rằng có nhiều nghiên cứu được cho là rất hứa hẹn, nhưng ông sẽ không bị cuốn vào những hứa hẹn đó mà quên đi thực tế.
Khi được hỏi liệu ông có nghĩ tồn tại một liệu pháp chữa cho tất cả các loại ung thư hay không, Bode đã trả lời là không. Nhưng ông cũng nói thêm rằng: "Một số loại ung thư có thể được chữa khỏi - điều đó đã xảy ra rồi. Nhưng các liệu pháp chữa bệnh mới rất hiếm. Ngay cả trong thế kỷ tiếp theo, tôi dám nói rằng cơ hội chúng ta tìm ra phương pháp chữa tất cả các loại ung thư là rất xa vời”.
Mục tiêu trong tương lai gần của nghiên cứu ung thư không phải là chữa khỏi
Rất nhiều chuyên gia về ung thư cũng đồng quan điểm với Bode. Nhưng điều đó không có nghĩa là ông tin rằng chúng ta sẽ dậm chân tại chỗ trong việc nghiên cứu và điều trị ung thư.
Chỉ là trong những năm sắp tới, việc tìm khiến một phương pháp chữa trị ung thư dứt điểm có thể không quan trọng. Thay vào đó, các nhà khoa học sẽ đặt ra một mục tiêu gần hơn. Đó là tiếp tục điều trị chỉ để cải thiện được chất lượng cuộc sống của bệnh nhân và có thể là tuổi thọ của họ.
Bode nói các phương pháp điều trị sẽ biến ung thư từ một án tử thành một bệnh mạn tính. Nghĩa là nó có thể được quản lý như bệnh tim mạch và tiểu đường.
Dưới một cái nhìn thực tế, chúng ta sẽ vẫn chưa thể chữa trị được ung thư trong tương lai gần. Nhưng các biện pháp điều trị có thể đưa người bệnh đến mức độ thuyên giảm.
Thuyên giảm nghĩa là ung thư vẫn có khả năng trở lại. Nhưng trong vài thập kỷ qua, nhiều nghiên cứu đã ghi nhận được những trường hợp bệnh nhân ung thư sống rất lâu trong tình trạng thuyên giảm.
Có thể, họ cũng như chúng ta sẽ không chờ được đến ngày một phương pháp điều trị ung thư “tất cả trong một” ra đời. Nhưng những phương pháp điều trị giúp người bệnh tăng chất lượng cuộc sống sẽ có mặt. Đó là điều thực tế mà chúng ta nên trông đợi ở thời điểm này.