Các bác sĩ cho biết, không nên sử dụng những loại thuốc hạ sốt như Aspirin hoặc dùng ibuprofen hạ sốt (hay các thuốc kháng viêm khác cùng nhóm) và đau nhức do sốt xuất huyết gây ra. Mọi loại thuốc cần phải có chỉ định của bác sĩ. Để giảm sốt và đau đầu, đau mỏi thì người dân có thể uống thuốc hạ sốt và có tác dụng giảm đau thông thường như Paracetamol (Acetaminophen). Tuy nhiên cần theo hướng dẫn sử dụng trong hộp thuốc.
Như vậy, lũy tính từ đầu năm 2020 đến nay, trên địa bàn thành phố Hà Nội đã ghi nhận 1.802 ca bệnh bị sốt xuất huyết. Trong đó, đáng tiếc đã có 2 trường hợp tử vong mặc dù số ca bị sốt xuất huyết giảm so với cùng kỳ của năm 2019 (cùng kỳ năm 2019 ghi nhận 3.626 trường hợp). Nhưng người dân cũng không nên vì thế mà chủ quan bởi thời tiết hiện tại được xem như môi trường thuận lợi gia tăng dịch bệnh.
Ngoài những sai lầm thường gặp liên quan tới cách chăm sóc tại nhà thì rất nhiều gia đình đang gặp nguy cơ tăng nặng bệnh nếu như bị mắc sốt xuất huyết dùng ibuprofen hạ sốt. Đặc biệt là đối với trẻ em.
Trong dược học, ibuprofen là một loại thuốc có tác dụng hạ sốt nhanh và mạnh hơn so với thuốc hạ sốt giảm đau paracetamol. Tuy nhiên, nếu trẻ nhỏ dùng ibuprofen hạ sốt khi bị sốt xuất huyết có thể gây ra xuất huyết tiêu hoá nặng.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Lâm, Giám đốc Trung tâm Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới trẻ em, Bệnh viện Nhi Trung ương thì xu hướng hiện tại nhiều gia đình lựa chọn chăm sóc cho trẻ bị sốt xuất huyết tại nhà, tự hạ sốt cho con.
"Phụ huynh sau khi dùng paracetamol để hạ sốt cho con nhưng không thấy tác dụng nên đã chuyển sang Ibuprofen. Mỗi năm chúng tôi ghi nhận vài ca trẻ bị xuất huyết tiêu hóa do cha mẹ dùng hạ sốt Ibuprofen", bác sĩ Lâm nói.
Như đã nói ở trên, dùng ibuprofen hạ sốt có thể có tác dụng hạ sốt mạnh hơn và kéo dài hơn so với paracetamol nhưng lại kéo theo hệ lụy là có nhiều tác dụng phụ, các bác sĩ cần phải theo dõi cực kì sát sao. Do vậy mà dùng ibuprofen hạ sốt được chống chỉ định với những trường hợp sau:
- Trẻ đang nghi ngờ hoặc đã bị sốt xuất huyết
- Trẻ bị loét dạ dày, xuất huyết dạ dày
- Trẻ từng có tiền sử dị ứng với thuốc hoặc thành phần khác của thuốc.
Cùng quan điểm với TS. Lâm, TS.BS Đỗ Duy Cường, trưởng khoa Truyền nhiễm, bệnh viện Bạch Mai cho biết, khoa đã tiếp nhận nhiều ca bệnh sốt xuất huyện nặng với những biến chứng suy thận và bị tổn thương gan xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong những nguyên nhân này thì sai lầm trong phương pháp điều trị, chăm sóc tại nhà cũng khá phổ biến.
TS. Cường cho biết thêm, nếu bệnh nhân tự ý mua và uống thuốc hạ sốt tại nhà với liều dồn dập không theo chỉ dẫn của bác sĩ sẽ dẫn tới nhiều hậu quả nguy hiểm. Nguyên nhân là do sốt xuất huyết là một bệnh lý gây ra bởi virus dengue, do đó mà khi thân nhiệt hạ xuống rồi sẽ lại tiếp tục tăng lên theo chu kì.
Ngoài việc không dùng ibuprofen hạ sốt (hoặc cùng nhóm với ibuprofen (các thuốc giảm đau, kháng viêm không Steroids – NSAIDs) như diclofenac, meloxicam,...) thì aspirin, thuốc gốc corticoid cũng là thuốc không nên sử dụng cho người bị sốt xuất huyết. Nguy cơ chảy máu sẽ trở nên trầm trọng hơn, bị tổn thương gan, thận và thậm chí là nguy hiểm tới cả tính mạng.
"Người bệnh phải dùng thuốc giảm sốt theo đúng chỉ định của bác sĩ, chỉ nên dùng thuốc hạ sốt có thành phần Paracetamol, tổng liều không quá 60 mg/kg cân nặng trong 24 giờ. Bên cạnh đó, số lần uống là 4-5 lần/ngày, 5-6 giờ/lần. Nếu sử dụng thuốc hạ sốt quá liều liên tục sẽ dẫn đến tổn thương gan, kể cả thuốc hạ sốt nhét hậu môn đối với trẻ em. Để giảm sốt, người nhà nên cho bệnh nhân mặc đồ mỏng, nằm nơi thoáng mát, chườm khăn có thấm nước ấm", BS. Cường cho biết.
Nên sử dụng loại thuốc nào để hạ sốt cho trẻ bị sốt xuất huyết?
TS. Lâm cho biết, khi trẻ bị sốt xuất huyết, phụ huynh nên hạ sốt cho trẻ bằng paracetamol thông thường với khoảng cách mỗi liều dùng là từ 4 tới 6 tiếng, không nên dùng thuốc để hạ sốt dồn dập, không đúng liều và thời gian quy định. Paracetamol là thuốc hạ sốt được sử dụng phổ biến với nhi khoa, cha mẹ có thể yên tâm sử dụng.
Tuy nhiên, TS.Lâm cũng khuyên rằng với những trẻ đang có bệnh nền thì cần tham khảo thêm ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng bất kì loại thuốc nào.
Chu kì sốt do sốt xuất huyết thường kéo dài bao lâu?
Theo PGS.TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết, một chu kì sốt do sốt xuất huyết thường kéo dài từ 2 cho đến 7 ngày. Những ngày đầu tiên trẻ thường sốt cao hơn, đến những ngày thứ 5, thứ 6 thì sốt sẽ giảm dần và cắt hẳn.
Khi nào cần điều trị tại bệnh viện?
Không phải trường hợp nào mắc sốt xuất huyết cũng cần tới bệnh viện. Với những ca bệnh nhẹ có thể xem xét hướng dẫn điều trị ngoại trú và tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ. Những ngày chăm sóc ở nhà, bệnh nhân cần được hạ sốt và bù nước thông qua đường uống hay sử dụng thêm Oresol để bù dịch. Nếu muốn truyền dịch, cần có sự đồng ý của bác sĩ.
Theo TS Lâm việc bù dịch đóng vai trò quan trọng tuy nhiên cần phải bù dịch đúng cách. Những ngày đầu thì cần bù dịch nhiều, còn những giai đoạn (5-6 ngày bị bệnh) nếu vẫn bù dịch như những ngày đầu mới bị trẻ dễ có nguy cơ thừa dịch gây ra tràn dịch đa màng, có thể dẫn đến tình trạng khó thở, sốc…
Với những ca sốt li bì từ 3 ngày trở lên với những biểu hiện kèm theo như người vật vã, đau ở vùng gan, nôn nhiều, tiểu kém, tay chân lạnh, có dấu hiệu xuất huyết niêm mạc,... thì cần nhanh chóng tới bệnh viện để được thăm khám và có phác đồ điều trị phù hợp.
Nếu bệnh nhân bị sốc, xuất huyết nặng, rong huyết, nôn ra máu, phân đi ngoài có màu đen,... nghĩa là bệnh đã trở nặng hơn cần đưa người bệnh đi cấp cứu ngay.