Nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chỉ ra, trong 6 triệu ca nhiễm bệnh Covid-19 từ ngày 24/2 đến ngày 12/7 có đến 4,6% là trẻ em từ 5-14 tuổi.
Theo Hãng tin AFP, ngày 31/7, Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa bệnh tật (CDC) Mỹ thông báo, đã có ít nhất 260 em trong số 597 em tham dự một trại hè tháng trước ở bang Georgia của Mỹ mắc COVID-19. Trong số 260 em nhiễm virus, 74% có triệu chứng nhẹ như sốt, đau đầu, đau họng, trong khi số còn lại không có biểu hiện gì.
CDC cho rằng con số trên thực tế có thể còn cao hơn nữa vì lúc này mới có kết quả xét nghiệm của 58% các em dự trại hè.
Ở nước ta, ngày 1/8, Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch Covid-19 TP Đà Nẵng đã thông tin về một bệnh nhi mới chỉ 20 tháng tuổi nhiễm Covid-19. Trước đó, vào tháng 2/2020, một em bé 3 tháng tuổi ở Bình Xuyên, Vĩnh Phúc cũng đã dương tính với virus gây bệnh Covid-19. Trong tuần đầu tháng 8 chúng ta cũng ghi nhận thêm nhiều ca nhiễm mới là trẻ em như: BN598 (8 tuổi), BN599 (10 tuổi), BN600 (7 tuổi),...
Qua các vụ việc trên cho thấy, trẻ em ở mọi lứa tuổi đều có thể bị nhiễm virus SARS-CoV-2 và đóng một vai trò quan trọng trong lây truyền bệnh, khác với một số quan niệm từng cho rằng trẻ em là nhóm ít bị mắc Covid-19.
Theo khuyến cáo của các tổ chức y tế hàng đầu, để phòng tránh việc lây nhiễm Covid-19 ở trẻ em, cần thực hiện đầy đủ các biện pháp sau đây:
Môi trường sống và học tập của trẻ em cần được khử khuẩn thường xuyên để tránh mầm bệnh. Ngoài ra, cần giữ vệ sinh cá nhân cho trẻ bằng cách rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn ít nhất 20 giây, đặc biệt ở các trẻ có bệnh lý nền.
Đối với những trẻ lớn hơn, cha mẹ cần làm gương và xây dựng cho trẻ thói quen rửa tay bằng xà phòng sau khi chơi với các vật dụng đồ chơi, trước và sau khi ăn, sau khi đi vệ sinh.
Bên cạnh đó cần dặn trẻ tránh đưa tay lên mắt, mũi, miệng và thường xuyên súc họng và súc miệng bằng nước muối sinh lý.
Những hành động như ôm ấp, hôn có thể khiến trẻ dính phải các giọt bắn nước bọt từ người mang mầm bệnh. Vì vậy, thời điểm này cha mẹ cần tránh cho trẻ nhỏ tiếp nhận những hành động đó từ người khác. Riêng với những trẻ lớn hơn cha mẹ cần giải thích rõ để các con hiểu tại sao phải hạn chế tiếp xúc gần trong mùa dịch Covid-19.
Cha mẹ không nên cho trẻ đến những nơi có người lạ, nơi đông người. Nếu cần phải ra ngoài, lưu ý giữ khoảng cách tối thiểu an toàn là 2m và đeo khẩu trang cho trẻ.
Ngoài ra, gia đình cần hướng dẫn trẻ che miệng khi ho hoặc hắt hơi nhằm tránh phát tán dịch tiết ra nơi công cộng.
Trong chương trình tư vấn trực tuyến: “Thông tin về virus corona, các bệnh hô hấp, cách phòng ngừa và điều trị” bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, BV Nhi Đồng 1 TP.HCM khuyên thực hiện các biện pháp sau để tăng cường sức đề kháng và nâng cao miễn dịch cho trẻ em:
- Đối với trẻ sơ sinh: Bs Trương Hữu Khanh khuyên nên cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu. Đây là một trong những biện pháp rất có giá trị trong việc tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ sơ sinh.
- Tiêm vắc xin phòng bệnh đầy đủ: Tiêm vắc xin phòng bệnh cũng là một cách kích hoạt chủ động hệ thống miễn dịch của cơ thể. Nên tiêm phòng ngay từ nhỏ các bệnh hay lây nhiễm và nguy hiểm cho cơ thể trẻ em như: Viêm gan siêu vi, sởi, tả, viêm não, cúm, phế cầu…
Bên cạnh đó bác sĩ Khanh cũng khuyến cáo cần cho trẻ ăn uống đầy đủ với chế độ dinh dưỡng hợp lý để tăng sức đề kháng, nâng cao hệ miễn dịch.
Cha mẹ cần kiểm tra thân nhiệt cho trẻ và theo dõi sát tình hình sức khỏe của trẻ hàng ngày.
Nếu trẻ có bất kỳ biểu hiện nhiễm khuẩn đường hô hấp với các dấu hiệu như: ho, hắt hơi, sổ mũi,.. kèm theo việc nghi ngờ trẻ có tiếp xúc với người nghi nhiễm COVID - 19, cần báo ngay cho các cơ quan y tế để tìm kiếm sự giúp đỡ.
Trong thời kì dịch bệnh, ngoài nguy cơ bị nhiễm virus trẻ em còn phải đối diện với tình trạng bị tách khỏi bạn bè nếu trường học đóng cửa. Sức khỏe thể chất và tinh thần của trẻ cũng sẽ bị ảnh hưởng phần nào. Lúc này, cha mẹ và người lớn cần quan tâm đến trẻ nhiều hơn.