Từ vụ trẻ bị hoại tử sau khi đắp lá thuốc, những việc tuyệt đối không nên làm khi bị bỏng nước sôi là gì?

Từ vụ trẻ bị hoại tử sau khi đắp lá thuốc, những việc tuyệt đối không nên làm khi bị bỏng nước sôi là gì?
Khi bị bỏng, thay vì tới bệnh viện, nhiều người lại lựa chọn đắp lá thuốc, bôi thuốc nam, kem đánh răng hay nước mắm, mỡ... lên vết bỏng. Vì thế, đã có không ít trường hợp bị biến chứng nguy hiểm.

Thêm vụ trẻ bị hoại tử sau khi đắp lá thuốc do bỏng nước sôi

Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An cho biết Khoa Chấn thương chỉnh hình - Bỏng đang chữa trị cho bệnh nhi Đ.N.A. (13 tháng tuổi) trú tại xã Diễn Thịnh, huyện Diễn Châu, Nghệ An, bị hoại tử da do đắp lá thuốc để chữa vết bỏng nước sôi.

Sự việc xảy ra vào khoảng gần một tháng trước, trong lúc chơi đùa, A. không may bị nước sôi đổ vào người. Phát hiện sự việc, mẹ cháu là chị T.T.U. đã ngâm con trai vào chậu nước để hạ nhiệt.

Tuy nhiên, khi cởi áo, chị U. phát hiện vùng bụng và ngực con trai bị bong tróc, đỏ tấy. Thay vì đưa cháu A. đến bệnh viện, người nhà khuyên chị đưa con trai đến thầy lang chữa bỏng gần nhà để lấy thuốc.

"Khi đưa con đến khám, vị thầy lang cam kết chữa khỏi vết bỏng của bé trong vòng 15 ngày. Chi phí chữa trị là 25 triệu đồng", chị U. cho biết.

Tin tưởng và muốn con nhanh khỏi, chị U. đồng ý chữa trị. Sau đó, bé A. được thầy lang cho thuốc về đắp vào vết bỏng. Ngày thứ 3 điều trị, bé A. xuất hiện tình trạng môi đỏ thâm, sốt cao và tiêu chảy. Chị U. cho con vào Bệnh viện Sản Nhi thăm khám.

Bé A. nhập viện trong tình trạng vết bỏng bị sưng nề, chảy dịch đục, vùng cổ, ngực, bụng, cẳng tay phải bị phồng rộp nước, có phần hoại tử đen kèm theo chảy mủ hôi, nhiễm trùng nặng.

Từ vụ trẻ bị hoại tử sau khi đắp lá thuốc, những việc tuyệt đối không nên làm khi bị bỏng nước sôi là gì? - Ảnh 1.

Bé A. măy mắn khi mẹ cháu bé đưa đến viện điều trrị. (Ảnh: Ngọc Phạm/Zing)

Sau gần một tháng điều trị, bé A. đã dần bình phục sau 2 lần ghép da.

Theo khuyến cáo của bác sĩ, khi bị bỏng, trước tiên cần cách ly bệnh nhân tránh xa tác nhân gây bỏng, xả vết bỏng dưới vòi nước mát ít nhất 15 phút (tuyệt đối không dùng đá, tránh gây bỏng lạnh).

Sau trường hợp đáng tiếc trên, một lần nữa chúng ta cần nhìn nhận lại vấn đề sức khỏe theo góc độ khoa học. Dưới đây là lưu ý những việc không nên làm khi bị bỏng nước sôi để tránh xảy ra biến chứng.

Những điều tuyệt đối không nên làm khi bị bỏng nước sôi

Theo khuyến cáo của các chuyên gia y tế, sau khi bị bỏng, nên sơ cứu nhanh nhất trong 15-20 phút để giảm độ sâu của vết bỏng. Tuy nhiên có một số điều cần lưu ý như sau:

Từ vụ trẻ bị hoại tử sau khi đắp lá thuốc, những việc tuyệt đối không nên làm khi bị bỏng nước sôi là gì? - Ảnh 2.

Nên sơ cứu nhanh nhất trong 15-20 phút để giảm độ sâu của vết bỏng. (Ảnh: Internet)

1. Không được ngâm vết bỏng vào nước đá:

Nhiều người cho rằng, ngâm vết thương vào nước đá hay nước lạnh có thể giúp giảm bớt nhiệt độ của vết bỏng. Tuy nhiên, việc ngâm vết thương vào nước đá có thể khiến vùng da bị bỏng tiếp xúc với nhiệt độ quá lạnh, dẫn đến hạ thân nhiệt, gây co mạch máu, co cơ, khiến tình trạng bỏng trở nên nặng hơn.

2.  Không bôi dung dịch lạ lên vết bỏng 

Từ xưa đến nay, nhiều người vẫn truyền tai nhau về cách dùng kem đánh răng, vắt nước củ chuối, củ ráy,…. để thoa lên vết thương với mong muốn làm dịu cơn đau và nhanh lành vết bỏng dù chưa có bằng chứng khoa học khẳng định điều này. Đây đều là các cách phản khoa học có thể gây nhiễm trùng vết bỏng khiến cho việc điều trị càng khó khăn, tốn kém hơn.

Cách làm này có thể khiến cho vết bỏng bị nhiễm trùng, việc điều trị gặp nhiều khó khăn và tốn kém hơn. Chưa kể, thành phần kiềm nhẹ trong kem đánh răng khi bôi lên sẽ có thể càng làm vết thương thêm trầm trọng.

Kem đánh răng chỉ được sử dụng trong trường hợp bỏng axít. Đầu tiên phải làm loãng nồng độ axít trên da bằng cách ngâm ngay vào nước.

Sau đó, trung hoà axít còn dư trên da bằng cách xoa nhẹ xà phòng hoặc kem đánh răng cho sủi bọt và ngấm sâu vào da rồi rửa sạch.

3. Không chọc vào vết bỏng: 

Những bọng nước với kích cỡ to nhỏ khác nhau tùy thuộc vào mức độ ảnh hưởng xuất hiện sau khoảng thời gian bị bỏng có thể sẽ khiến người bị bỏng cảm thấy khó chịu, đồng thời muốn chọc vỡ những bọng nước đó. Tuy nhiên đây chính là một trong số ít những điều tuyệt đối không nên làm để tránh vi khuẩn bên ngoài xâm nhập vào vết thương gây nhiễm trùng, làm tổn thương và xảy ra các biến chứng không đáng có.

Từ vụ trẻ bị hoại tử sau khi đắp lá thuốc, những việc tuyệt đối không nên làm khi bị bỏng nước sôi là gì? - Ảnh 3.

Sau khi sơ cứu, với những vết bỏng nặng cần ngay lập tức đưa người bị bỏng đến bệnh viện thay vì áp dụng các biện pháp dân gian tại nhà để tránh xảy ra biến chứng. (Ảnh: Internet)

Những điều cần lưu ý khi xử lý vết bỏng

1. Trong trường hợp bỏng với diện tích lớn: 

+ Không nên cởi quần áo để tránh chạm vào vết thương.

+ Đồng thời cẩn thận cởi bỏ tư trang và những vật cứng ra khỏi vùng bỏng để tránh bị sưng và giữ vệ sinh vết thương, tránh nhiễm trùng. Sau đó nên lấy băng, vải sạch che vùng bị bỏng để tránh nhiễm trùng rồi đưa đến cơ sở y tế.

2. Khi trẻ em bị bỏng: 

+ Những người xung quanh cần giữ bình tĩnh, đồng thời tiến hành sơ cứu nhanh cho trẻ, tránh trường hợp trẻ bị sốc.

Tuy nhiên, để phòng tránh trường hợp trẻ bị bỏng, người lớn cần tránh tất cả các tác nhân có thể gây nguy hiểm cho trẻ khi ở nhà, đặc biệt người lớn cần giám sát kĩ càng, đồ đạc cần sắp xếp hợp lý, tránh xa những vấn đề liên quan đến nhà bếp, dụng cụ chứa nước sôi, thức ăn mới nấu, bàn là,…

3. Nguyên tắc chung trong sơ cứu vết bỏng: 

Ngay lập tức xả nước mát vào vết bỏng càng sớm càng tốt trong 15 - 20 phút để làm giảm nhiệt độ bề mặt của da, có tác dụng giảm độ sâu của bỏng.

Chú ý, chỉ dùng nước lạnh bình thường như nước máy, nước giếng, không dùng nước đá. Sau đó, sử dụng gạc sạch, vô khuẩn hoặc vải nhỏ sạch để băng vùng da bị bỏng, tránh tiếp xúc bụi bẩn.

Tiếp đến, tùy tình trạng vết bỏng mà có thể mua thuốc trị bỏng bôi tại nhà hoặc đến cơ sở y tế. Nếu tại chỗ bị bỏng có xuất hiện các bóng nước thì không tự ý chọc vỡ chúng.

Nếu bỏng nhẹ và diện tích nhỏ, bạn có thể tự chăm sóc và điều trị tại nhà, bởi vùng da bị bỏng có khả năng tự liền. Còn đối với trường hợp bị bỏng nặng, diện tích lớn, bệnh nhân nên được sơ cứu cơ bản ban đầu rồi nhanh chóng tới cơ sở y tế gần nhất kịp thời điều trị.

Ngoài nguyên tắc chung, với mỗi nguyên nhân gây bỏng sẽ có các cách sơ cứu khác nhau. 

Tác giả: An Nhi