Từ vụ ngộ độc bánh trôi ngô gây tử vong: Cần làm gì khi bị ngộ độc thực phẩm?

Từ vụ ngộ độc bánh trôi ngô gây tử vong: Cần làm gì khi bị ngộ độc thực phẩm?
Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc cho biết, các bệnh nhân có thể bị ngộ độc bánh trôi ngô do tìm thấy độc tố ochratoxin trong loại bánh này. Các ca bệnh đều bị tổn thương gan ồ ạt và suy gan tối cấp tính, diễn biến rất nhanh và nặng nề, hôn mê gan, tiên lượng nặng, nguy cơ tử vong cao.

Ngày 22/6 bác sĩ Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết gia đình tại xã Lũng Pù, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang làm bánh trôi ngô ăn và bị ngộ độc. Trong đó bé 9 tuổi tử vong, 6 người nhập viện cấp cứu, trong đó 4 trường hợp tiên lượng nặng.

Theo lời người nhà bệnh nhân, ngày 9 - 10/6, gia đình làm bánh trôi ngô chia cho 4 hộ gia đình trong thôn cùng ăn nhưng không ai có biểu hiện gì.

Đến ngày 16/6, gia đình bệnh nhân lấy số bột ngâm nước để khô còn thừa từ hôm trước, tiếp tục làm bánh trôi ngô nấu cho 4 thành viên trong gia đình và 3 người khác sang chơi cùng ăn.

Gần một ngày sau, cháu bé 9 tuổi có triệu chứng hoa mắt, chóng mặt, đau bụng, buồn nôn, sau đó tử vong tại nhà. 6 người còn lại cũng xuất hiện triệu chứng tương tự và nhanh chóng được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Giang cấp cứu.

Sau khi bác sĩ đánh giá tình trạng sức khoẻ, 4 bệnh nhân nặng gồm ba người lớn và một bé 20 tháng tuổi được chuyển về Trung tâm Chống độc và Trung tâm Nhi khoa, Bệnh viện Bạch Mai.

Hà Giang: 1 bé trai tử vong do ngộ độc bánh trôi ngô - Ảnh 1.

Sau khi ăn bánh trôi ngô bé trai 9 tuổi tử vong do ngộ độc (Ảnh: Internet)

Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc cho biết, các bệnh nhân có thể bị ngộ độc bánh trôi ngô do tìm thấy độc tố ochratoxin trong loại bánh này. Các ca bệnh đều bị tổn thương gan ồ ạt và suy gan tối cấp tính, diễn biến rất nhanh và nặng nề, hôn mê gan, tiên lượng nặng, nguy cơ tử vong cao.

Người bệnh đang được thay huyết tương thể tích cao, lọc máu liên tục, truyền thuốc giải độc, điều trị tích cực.

Theo Bác sĩ Nguyên Bánh trôi ngô là món ăn truyền thống của đồng bào Mông vùng cao, do hạn chế về điều kiện giao thông, kinh tế nên nguồn thực phẩm chủ yếu của bà con là ngô. Ngô sau khi trồng có thể bị mốc, đặc biệt sau khi để khô nhiều tháng thì mốc càng dễ phát triển. Khi bà con tách lấy hạt ngô lành và làm sạch, xay thành bột làm bánh ăn ngay thì lượng mốc và độc tố có thể còn ít và chưa bị ngộ độc. Nhưng để trong thời gian dài các loại vi khuẩn nấm mốc càng phát triển, dễ gây ngộ độc hơn. 

Đọc thêm: 

Ba loại thực phẩm nhiều độc tố phổ biến trong gia đình Việt, cẩn thận khi chế biến tránh ngộ độc

Nghiên cứu mới: Làm điều này giúp bạn giảm 99% nguy cơ ngộ độc thực phẩm

1. Biểu hiện khi ngộ độc thực phẩm

Hiện này tình trạng ngộ độc thực phẩm diễn ra rất nhiều,  ở mọi lứa tuổi, mọi khu vực. Một số dấu hiệu nhận biết khi bị ngộ độc thực phẩm các bạn nên biết để có hướng xử lý kịp thời:

- Đau bụng, tiêu chảy

- Hoa mắt, chóng mặt.

- Đau đầu

- Buồn nôn, nôn liên tục

- Co giật và có thể dẫn đến tử vong nếu không được cứu chữa kịp thời.

Nếu xuất hiện các triệu chứng trên, cần đến các cơ sở y tế gần nhất để được sơ cứu, điều trị kịp thời. 

Thông thường, các triệu chứng ngộ độc thực phẩm cấp tính chỉ xuất hiện sau vài phút, vài giờ hoặc 1 đến 2 ngày đầu sau khi ăn. Ngộ độc thực phẩm có thể gây tử vong, nhẹ cũng sẽ gây mệt mỏi, kiệt sức. Vì vậy, mọi người nên trang bị kiến thức cách sơ cứu người bị ngộ độc thực phẩm, như vậy có thể làm giảm nguy cơ chuyển nặng. 

2. Cách sơ cứu người bị ngộ độc thực phẩm

Khi bị ngộ độc thực phẩm, điều cần thiết nhất là đưa người bệnh đến các cơ sở y tế gần nhất. Tuy nhiên, nếu trong trường hợp chưa thể đến cơ sở y tế gần nhất, mọi người có thể sơ cứu cho người bệnh như sau:

- Gây nôn: Phương pháp này thường được áp dụng khi người bệnh có biểu hiện muốn nôn ói ngay sau khi ăn phải thực phẩm nhiễm độc, người còn tỉnh táo, chưa có triệu chứng ngộ độc. Lúc này, cần nhanh chóng dùng mọi biện pháp để nôn hết thức ăn ra ngoài. Nếu gây nôn cho người bệnh cần lưu ý:

+ Nếu người bệnh nằm nôn, cần để người bệnh nằm nghiêng, kê cao đầu để chất độc không bị trào ngược vào phổi, hạn chế nguy cơ tử vong do sặc hoặc ngạt thở.

+ Đối với trẻ em, người hỗ trợ cần thực hành động tác gây nôn khéo léo tránh gây trầy xước cổ họng trẻ.

+ Đối với người đã rơi vào trạng thái hôn mê thì không nên kích nôn vì dễ gây sặc, ngạt thở.

Cảnh báo ngộ độc bánh trôi ngô, nguy cơ gây tử vong cao - Ảnh 3.

Gây nôn, bù nước, nghỉ ngơi là cách sơ cứu ban đầu cho người bị ngộ độc thực phẩm (Ảnh: Internet)

- Cho người bệnh nghỉ ngơi và uống nhiều nước: Khi bị ngộ độc người bệnh thường nôn và đi ngoài nhiều nên bị mất nước. Vì vậy, hãy cố bổ sung nước cho người bị ngộ độc, sử dụng dung dịch nước bù điện giải Oresol.

- Nếu người bệnh có tình trạng khó thở nên dùng tay sạch kéo lưỡi người bệnh ra ngoài, tránh tụt vào trong, giúp người bệnh dễ thở hơn.

- Nhanh chóng gọi cấp cứu hoặc đưa người bệnh đến các cơ sở y tế gần nhất. 

3. Cần làm gì để phòng tránh bị ngộ độc bột ngô?

Để phòng tránh bị ngộ độc do bột ngô, Bác sĩ Nguyên khuyến cáo người dân khi sử dụng bột ngô, nhất là người dân vùng núi cần tuân theo sự hướng dẫn của chính quyền địa phương, cơ quan chức năng về cách chế biến bột ngô, phòng tránh ngộ độc thực phẩm. Đặc biệt, nên lưu ý một số điều quan trọng sau:

- Ngô sau khi thu hái cần được phơi khô, để nơi khô ráo, sạch sẽ, tránh mối mọt.

- Nếu hạt ngô bị mốc, mọt người cần vứt bỏ ngay

Hà Giang: 1 bé trai tử vong do ngộ độc bánh trôi ngô - Ảnh 2.

Tuyệt đối không được chế biến món ăn từ bột ngô hoặc hạt ngô mốc (Ảnh: Internet)

- Trong thời gian ngâm ngô làm bánh cần được thay nước sạch hằng ngày. Thường xuyên kiểm tra màu sắc, mùi vị của ngô. Nếu thấy ngô lên men hoặc có mùi lạ, ngả thành màu xanh, vàng, rêu thì tuyệt đối không được ăn.

- Ngô sau khi xay thành bột cần để ở nơi khô ráo, sạch sẽ. Tốt nhất nên nấu ăn trong khoảng thời gian 2 đến 3 ngày. Trước khi nấu cần kiểm tra kỹ bột ngô, nếu phát hiện trên bột ngô có xuất hiện các chấm xanh, vàng, đỏ, nâu... thì không được sử dụng. 

- Không sử dụng đường hóa học khi nấu và ăn bánh trôi ngô.

Qua sự việc ngộ độc bánh trôi ngô mọi người nên hết sức lưu ý khi dùng loại bột này. Bột ngô là nguyên liệu chính làm các món ăn trên vùng núi phía Bắc, nhưng để đảm bảo an toàn, các hộ gia đình cần bảo quản kỹ, không nên để bột quá lâu vì rất nguy hiểm. Đặc biệt trong ngày hè, do thời tiết nóng nóng, điều kiện thuận lợi để các vi khuẩn phát triển nên nguy cơ ngộ độc tất cả các loại thực phẩm rất cao. 

https://suckhoehangngay.vn/tu-vu-ngo-doc-banh-troi-ngo-gay-tu-vong-can-lam-gi-khi-bi-ngo-doc-thuc-pham-20220622173518889.htm
Tác giả: Vân Anh