Theo thông tin ban đầu thì vào tối ngày 8/5 trên địa bàn thuộc huyện Gia Viễn (Ninh Bình) bị mất điện nên gia đình chị T. đã chạy máy phát điện để có thể sử dụng các thiết bị điện trong khi ngủ. Tuy nhiên tới sáng ngày 9/5 thì người giúp việc phát hiện không thấy mẹ con chị T. dậy nên vào phòng tìm. Lúc này người giúp việc mới tá hoả khi thấy hai mẹ con chị T. đã nằm bất động trên giường.
Kết quả khám nghiệm hiện trường theo báo nld.vn đưa tin, Công An huyện Gia Viễn ban đầu xác định nguyên nhân dẫn tới tử vong là do bị ngạt khí máy phát điện do dùng trong phòng kín. Đây là bài học lớn đối với các gia đình đang sử dụng máy phát điện, đặc biệt là trong mùa hè này.
Khi được hỏi về hiện tượng ngạt khí do khí thải máy phát điện, PGS.TS Trần Hồng Côn, nguyên giảng viên Khoa Hóa, Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG Hà Nội, giải thích rằng, máy phát điện là loại máy đốt nhiên liệu từ xăng để hoạt động, khi chạy máy sẽ thải ra khí CO và khí CO2 - đây chính là 2 loại khí gây hiện tượng ngạt khí và có thể dẫn tới tử vong.
Cụ thể hơn, khi sinh ra nhiều khí CO và CO2 thì đồng thời nó cũng sẽ đốt cháy nhiều oxy, lâu dần nồng độ CO và CO2 trong không khí sẽ cao hơn nồng độ của oxy, lúc này khí CO sẽ liên kết với Hb (còn gọi là hemoglobin) trong hầu cầu khiến cho oxy không được đưa tới các tế bào trong cơ thể.
Bên cạnh đó chính vì việc có quá nhiều CO và CO2 trong không khí nên rất dễ gây ngạt khiến nạn nhân đi vào tình trạng hôn mê sâu rồi tử vong khi không được phát hiện kịp thời.
Nguy hiểm hơn nữa là bởi CO là một loại khí không màu, không mùi và không có vị nên rất khó để người bình thường có thể nhận biết khi bị ngộ độc. Khi xảy ra hiện tượng ngạt khí vì ngộ độc CO, nạn nhân sẽ có các biểu hiện như bị đau đầu, hoa mắt, buồn nôn và nôn kèm theo khó thở, mắt bị mờ và lú lẫn.
Trong trường hợp này, ngạt khí CO, CO2 được gọi là "cái chết không báo trước" vì nạn nhân không thể có phản xạ thấy ngạt để tự chạy ra ngoài.
Đồng quan điểm với PGS.TS Trần Hồng Côn, PGS.TS Phạm Duệ - nguyên GĐ Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cũng cho biết, khi dùng máy phát điện chạy trong phòng kín sẽ vô cùng nguy hiểm do nguy cơ ngạt khí cao.
PGS Phạm Duệ phân tích, máy phát điện hoạt động sẽ đốt cháy yếm khí và sinh ra CO, khí CO sẽ nhanh chóng sinh ra nhiều và chiếm chỗ của oxy, khi hít phái sẽ bị ngạt. Trong y tế gọi đây là dạng ngạt tế bào hay ngạt hệ thống, rất khó để chữa nếu như không được phát hiện và cấp cứu kịp thời.
Khi sử dụng máy phát điện, đặc biệt là trong mùa hè này để tránh nguy cơ bị ngạt khí do khí thải của máy phát điện cần chú ý một số vấn đề sau:
- Cần đặt máy phát điện ở chỗ thoáng như ngoài sân, vườn,... rồi dùng dây dẫn vào trong nhà, không đặt trong phòng kín - nơi sinh hoạt gia đình. Điều này cũng áp dụng với các loại máy đốt nhiên liệu khác như khí gas, dầu,...
- Chọn máy phát điện có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, máy chạy êm, hiệu suất chuyển đổi năng lượng cao và thải ít khí độc hại.
Cần xử lý thế nào khi gặp trường hợp ngạt khí do máy phát điện?
- Bước 1: Cần nhanh chóng mở rộng cửa, đưa nạn nhân tới khu vực thoáng khí, tránh khỏi nơi yếm khí độc
- Bước 2: Kiểm tra hơi thở nạn nhân, nếu hơi thở yếu cần nhanh chóng hà hơi thổi ngạt
- Bước 3: Gọi người hỗ trợ và nhanh chóng chuyển nạn nhân tới bệnh viện để điều trị.