Xoang là một lỗ rỗng trong hộp sọ, cơ thể chúng ta có các xoang như: xoang trán, xoang hàm, xoang sàng (giữa mắt) và xoang bướm (sau hốc mắt). Thông thường, tất cả các xoang đều đi qua đường mũi. Do đó, chỉ cần có 1 xoang bị viêm thì dấu hiệu thể hiện rõ ràng nhất là ngay chiếc mũi của bạn.
PGS.TS Phạm Tuấn Cảnh - Trưởng Bộ môn Tai Mũi Họng – Đại học Y Hà Nội, Trưởng khoa Phẫu thuật chỉnh hình – BV Tai Mũi Họng Trung ương cho biết, viêm xoang mũi là viêm các niêm mạc được lót trong lòng các xương mặt.
Có 2 hệ thống xoang là xoang trước (gồm xoang trán, xoang sàng trước, xoang hàm) và xoang sau (có xoang sàng sau và xoang bướm). Các xoang bản chất là hốc xương trong xương mặt, niêm mạc xoang là niêm mạc đường hô hấp, khi viêm lớp niêm mạc này gây viêm xoang.
Theo PGS. Cảnh, bệnh lý viêm mũi, viêm xoang mũi làm chất lượng cuộc sống của người bệnh suy giảm, chẳng hạn khi viêm mũi họng thì người bệnh thường bị ngạt mũi, đau đầu, hắt hơi, đặc biệt bệnh lý mạn tính có dịch chảy xuống có thể gây viêm phế quản mạn tính. Ở trẻ em có thể gây biến chứng ở ổ mắt, nội sọ khá nguy hiểm tuy tỉ lệ không cao nhưng quá trình điều trị các bác sĩ vẫn gặp bệnh nhân áp xe ổ mắt…
Nhà giáo ưu tú, PGS.TS Nguyễn Văn Đoàn - Nguyên Giám đốc Trung tâm Dị ứng Miễn dịch lâm sàng, BV Bạch Mai cũng cho rằng, cả mũi xoang liên quan các bộ phận bên cạnh, nếu không chữa tốt có thể gặp nhiều biến chứng, ảnh hưởng chất lượng cuộc sống, học tập, nghỉ ngơi, làm cơ thể suy yếu, mệt mỏi.
Dựa vào các xoang tổn thương có thể gây biến chứng về mắt như viêm kết mạc, viêm túi lệ, viêm thần kinh hậu nhãn cầu, áp xe nhãn cầu... có thể mù loà. "Biến chứng đường hô hấp từ viêm xoang mũi mạn tính gây viêm họng, viêm thanh phế quản rất nhiều, các cơ quan khác như đường tiêu hoá, khớp, thận… tổn thương ngay ở tai như viêm tai giữa, các bệnh về tai, khứu giác kém, đến các biến chứng nặng trong nội sọ như áp xe não, viêm màng não,… nếu không chữa trị có thể gây tử vong"- PGS. Đoàn cảnh báo.
Bệnh viêm xoang mũi có đặc điểm là tái đi tái lại khiến người bệnh rất khó chịu. Hiện nay, rất nhiều người dân khi thấy triệu chứng sổ mũi, nghẹt mũi họ thường tự mua thuốc về dùng. PGS. Cảnh khuyến cáo, mỗi bệnh có biểu hiện khác nhau và có thể cùng biểu hiện nhưng lại của nhiều bệnh nên bệnh nhân cần được bác sĩ khám, chẩn đoán chính xác.
"Khuyến cáo của các Hiệp hội mũi xoang Mỹ, Châu Âu thì điều trị kháng sinh chữa viêm mũi xoang thường kéo dài hơn bình thường, thời gian điều trị từ 15-20 ngày.
Bệnh nhân không còn ngạt mũi, không còn mủ vẫn phải điều trị kháng sinh trong 1 tuần tiếp theo mới dứt điểm được nên nếu chỉ uống thuốc 5-7 ngày, người bệnh cảm giác khỏi nhưng về bản chất là chưa khỏi hẳn, khi dừng thuốc sẽ tạo điều kiện vi khuẩn kháng thuốc, gây khó khăn cho lần điều trị sau. "Cho nên tôi khuyến cáo người dân không điều trị theo kiểu tự ý mua thuốc, tốn kém mà bệnh không khỏi hẳn, dễ kháng thuốc"- PGS. Cảnh nhấn mạnh.
Mũi xoang là cửa ngõ tiếp xúc bên ngoài, yếu tố môi trường có tác động lớn, do đó để phòng bệnh viêm mũi xoang, các bác sĩ khuyến cáo người dân cần chú ý giữ ấm cơ thể trong thời tiết lạnh như hiện nay, nên đeo khẩu trang phòng hộ, rửa, vệ sinh mũi đúng cách để phòng bệnh lý này.
Cần tạo môi trường sống tốt, tránh yếu tố dị nguyên, hoá chất, vi khuẩn, virus, nơi nghỉ ngủ cần sạch sẽ tránh gây bệnh, có chế độ làm việc khoa học, dinh dưỡng tốt, tạo ra thói quen rửa tay cho trẻ để giảm nguy cơ bệnh lý đường hô hấp.
Theo thống kê 75-80% trẻ em nước ta đã bị viêm xoang mũi 1 lần trước 6 tuổi. Khi mắc bệnh liên quan đến mũi xoang, hoặc các vấn đề xung quanh như mắt, tai, họng thì cần đi khám bác sĩ để điều trị sớm, đúng cách giúp bệnh bớt đi….