Tự nhổ răng sữa tại nhà, răng bé gái 8 tuổi bị rơi vào phổi dẫn tới viêm phổi nặng

Tự nhổ răng sữa tại nhà, răng bé gái 8 tuổi bị rơi vào phổi dẫn tới viêm phổi nặng
Ở trẻ nhỏ, răng sữa đến một độ tuổi nhất định sẽ lung lay để răng vĩnh viễn thay thế. Nhiều gia đình có thói quen tự nhổ răng sữa tại nhà mà không để ý tới các vấn đề nguy hiểm có thể xảy ra như trường hợp bé gái 8 tuổi răng bị rơi vào phổi dẫn tới viêm phổi nặng dưới đây.

Thay răng sữa là một phát triển hoàn toàn tự nhiên ở trẻ. Khi răng sữa lung lay, nhiều phụ huynh sẽ tự nhổ răng sữa tại nhà. Vậy cha mẹ có nên tự nhổ răng sữa tại nhà cho trẻ không? Có nguy hiểm như thế nào?

1. Bé gái 8 tuổi bị rơi răng sữa vào phổi gây viêm phổi nặng khi tự nhổ tại nhà

Mới đây, Bệnh viện Nhi đồng thành phố HCM thông tin một bé gái 8 tuổi nhập viện do bị viêm phổi nặng với các triệu chứng điển hình như thở khò khè, ho, đau ngực trong thời gian dài (khoảng 2 tháng) mà chưa xác định rõ nguyên nhân.

Sau quá trình thăm khám và khai thác bệnh sử, các bác sĩ tiến hành chụp CT và phát hiện một dị vật hình chiếc răng trong phổi bé.

Cha mẹ bé chia sẻ trước đó có tự nhổ răng sữa tại nhà cho bé, nhưng sau khi nhổ không thấy chiếc răng ở đâu. Quan sát thấy bé không có biểu hiện bất thường nên cũng yên tâm và không để ý.

Tự nhổ răng sữa tại nhà, răng bé gái 8 tuổi bị rơi vào phổi dẫn tới viêm phổi nặng - Ảnh 2.

Bé gái 8 tuổi bị rơi răng sữa vào phổi gây viêm phổi nặng khi tự nhổ tại nhà (Ảnh minh họa: Internet)

Các bác sĩ tại BV Nhi đồng HCM cho biết, chiếc răng rơi trong phổi bé được xác định là một loại dị vật lớn với kích thước 3*5mm. Răng hàm có cung răng có đầu nhọn nên có thể dẫn tới nguy cơ rách hay thủng đường dẫn khí đặc biệt nguy hiểm. Đặc biệt, chiếc răng nằm sâu trong thành phế quản và gần như ở trạng thái bít haofn toàn phế quản gốc phải của bệnh nhi.

Với trường hợp này các bác sĩ thực hiện can thiệp nội soi gắp răng. Các bác sĩ cho biết thêm, nếu như nội soi không thành công sẽ cần phẫu thuật mở lồng ngực để lấy dị vật và có thể gây ra nhiều di chứng nặng nề cho bé.

Đây là một trong rất nhiều những hậu quả do cha mẹ tự ý nhổ răng sữa tại nhà cho trẻ.

2. Những nguy hiểm khi tự nhổ răng sữa tại nhà

2.1. Khi nào thì tới thời điểm thay răng sữa

Tới mỗi một độ tuổi nhất định thì răng sữa ở trẻ sẽ được thay thế bằng răng vĩnh viễn. Thứ tự thay răng sữa được xác định như sau:

- Răng cửa giữa: trẻ từ 5 - 7 tuổi

- Răng cửa hai bên: trẻ từ 7 - 8 tuổi

- Răng hàm sữa thứ nhất: 9 - 10 tuổi

- Răng nanh sữa: trẻ từ 10 - 11 tuổi

- Răng hàm sữa thứ hai: 11 - 12 tuổi.

2.2. Những nguy hiểm có thể gặp phải khi tự nhổ răng sữa tại nhà

Theo các bác sĩ nha khoa thì việc tự nhổ răng sữa tại nhà của phụ huynh có thể gây ra nhiều nguy hiểm cả về tâm lý lẫn cấu trúc răng của trẻ nếu như không thực hiện đúng cách.

Tự nhổ răng sữa tại nhà, răng bé gái 8 tuổi bị rơi vào phổi dẫn tới viêm phổi nặng - Ảnh 3.

Tự nhổ răng sữa tại nhà của phụ huynh có thể gây ra nhiều nguy hiểm cả về tâm lý lẫn cấu trúc răng của trẻ (Ảnh: Internet)

Những nguy cơ trẻ có thể gặp phải bao gồm:

- Răng sữa không được theo dõi xem đã được nhổ hết toàn bộ hay chưa, có còn sót chân răng có thể khiến răng mọc lệch không?

- Chảy máu tại vùng nhổ răng kéo dài và có thể dẫn tới nhiễm trùng nếu như trong quá trình nhổ dụng cụ không được sát khuẩn, tay nhổ chưa được rửa sạch,...

- Trẻ vô tình nuốt luôn răng sữa vừa nhổ

- Gặp ám ảnh tâm lý vì quá trình nhổ răng sai cách

- Vô tình bỏ qua việc theo dõi ở thời điểm vàng giúp căn chỉnh việc răng vĩnh viễn khác bị mọc lệch, mọc không đúng, răng vĩnh viễn không đủ không gian mọc,... hay phát hiện sớm các bệnh lý bất thường về răng miệng ở trẻ.

Ngoài ra, cũng có những trường hợp mà răng sữa ở trẻ chưa rụng mà răng vĩnh viễn đã chèn mọc lên dẫn tới răng sữa bị sâu, vi khuẩn sẽ tấn công vào ống tủy răng gây ra tình trạng viêm nhiễm, nhức buốt.

3. Cần phân biệt được đâu là răng sữa lung lay thay răng vĩnh viễn và bệnh lý răng miệng

Như đã nói ở trên, ở mỗi độ tuổi nhất định thì việc trẻ thay răng sữa bằng răng vĩnh viễn là hoàn toàn tự nhiên. Nhưng đôi khi vẫn xảy ra những nhầm lẫn giữa răng sữa lung lay và bệnh lý răng miệng ở trẻ.

Cha mẹ có thể quan sát, đối với răng sữa thì khi lung lay sẽ không gây ra đau đớn hay cản trở việc nhai nuốt ở trẻ.

Tự nhổ răng sữa tại nhà, răng bé gái 8 tuổi bị rơi vào phổi dẫn tới viêm phổi nặng - Ảnh 4.

Cần phân biệt được đâu là răng sữa lung lay thay răng vĩnh viễn và bệnh lý răng miệng (Ảnh: Internet)

Còn với trường hợp răng lung lay do bệnh lý vùng răng xung quanh sẽ có dấu hiệu sưng đỏ, phù nề hay có mủ. Một số trường hợp răng bé cũng xuất hiện các tổn thương vỡ răng (một phần) ở thân răng và thậm chí là cả chân răng. Khi nhai nuốt sẽ có cảm giác đau.

4. Tự nhổ răng sữa tại nhà cho trẻ cần lưu ý gì?

4.1. Hướng dẫn tự nhổ răng sữa tại nhà cho trẻ đúng cách

Hướng dẫn này chỉ mang tính chất tham khảo, các chuyên gia vẫn khuyên rằng cha mẹ nên đưa trẻ tới các cơ sở y tế khi nhổ răng sữa để đảm bảo tính an toàn cho sức khỏe của trẻ.

Với trẻ hoàn toàn khỏe mạnh và không có bệnh lý răng miệng đặc biệt, răng sữa cũng đã lung lay nhiều và không cần tác động lực lớn để có thể nhổ thì cha mẹ có thể hỗ trợ tự nhổ răng sữa tại nhà theo hướng dẫn sau:

- Bước 1: Sát khuẩn

Điều đầu tiên chính là sát khuẩn tay và các dụng cụ hỗ trợ bằng xà phòng và nước sạch trước khi chạm vào răng của bé.

- Bước 2: Khuyến khích trẻ tự làm răng lung lay thêm

Bằng cách dạy trẻ đẩy lưỡi vào răng sữa đang lung lay hay dùng tay sạch đã sát khuẩn, răng sữa có thể sẽ được lung lay thêm và để chân răng có thể tự bật gốc ra ngoài. Điều này hỗ trợ cho quá trình nhổ răng sữa ở trẻ được thuận lợi hơn rất nhiều.

- Bước 3: Cầm chắc thân răng với miếng gạc sạch

Cha mẹ dùng một lực vừa phải, cầm chắc thân răng rồi vặn xoáy nhẹ để răng tự rơi ra.

- Bước 4: Cho trẻ cắn bông y tế để cầm máu

Sau khi lấy được cả thân và chân răng thì ngay lập tức cho trẻ súc miệng bằng nước muối và cần cho trẻ ngậm chặt một miếng bông y tế để cầm máu. Hướng dẫn trẻ cắn miếng bông trong thời gian khoảng 15 - 20 phút. Khi cắn bông vẫn nuốt nước bọt bình thường.

Tự nhổ răng sữa tại nhà, răng bé gái 8 tuổi bị rơi vào phổi dẫn tới viêm phổi nặng - Ảnh 5.

Sau khi lấy được cả thân và chân răng thì ngay lập tức cho trẻ súc miệng bằng nước muối và cần cho trẻ ngậm chặt một miếng bông y tế để cầm máu (Ảnh: Internet)

Lưu ý, nhắc nhở trẻ không được dùng lưỡi đá vào ổ răng vừa nhổ để không gây chảy máu thêm.

- Bước 5: Quan sát vùng chân răng sau khi cầm máu

Cuối cùng, hãy quan sát vùng chân răng sữa vừa nhổ xem còn phần nào bị sót lại hay không. Đồng thời cũng quan sát xem các biểu hiện bất thường ở trẻ để có thể ứng phó kịp thời. Chẳng hạn như chân răng chảy máu liên tục không cầm được hoặc bị sưng đau tại vùng nhổ răng,...

- Sau khi nhổ răng sữa xong nên cho trẻ ăn gì?

Nhìn chung, sau khi nhổ răng thì cha mẹ nên tránh cho trẻ ăn những thực phẩm quá ngọt, quá nóng hay quá lạnh, quá cứng,..

Thay vào đó nên để bé ăn các món ăn mềm và lỏng như cháo hay soup để răng có thời gian nghỉ. Đừng quên để bé uống nhiều nước và vệ sinh răng miệng sạch sẽ bằng bàn chải đánh răng và nước súc miệng. Khi đánh răng, không nên chải lên vùng vừa nhổ ít nhất là 24 giờ đầu.

Để hiểu hơn bạn nên tham khảo Hướng dẫn vệ sinh răng miệng đúng cách cho trẻ.

Lưu ý:

Nếu không thể nhổ được chân răng sữa, tuyệt đối không được dùng thêm lực mạnh, chèn ép miệng - hàm của trẻ mà cần nhanh chóng đưa trẻ tới cơ quan y tế để được trợ giúp.

4.2. Những trường hợp không được tự nhổ răng sữa tại nhà

Các bác sĩ cho biết, với trẻ thuộc các nhóm sau phụ huynh tuyệt đối không được tự nhổ răng sữa tại nhà vì có thể gây ra nhiều biến chứng nhiễm trùng nguy hiểm.

- Trẻ bị các bệnh toàn thân như tiểu đường type 1, khó kiểm soát được máu sau khi nhổ răng vẫn dẫn tới nhiễm trùng

- Trẻ bị bệnh tim mạch như viêm nội tâm mạc, những bệnh về máu hay gan thận hoặc bệnh xương khớp, bệnh truyền nhiễm,... Khi nhổ cần có sự đồng ý của các bác sĩ đang điều trị cho trẻ để có hướng dẫn về phác đồ kháng sinh phù hợp sau khi nhổ răng.

Lưu ý đối với nha sĩ trước khi nhổ răng cho trẻ:

- Cần khai thác kĩ tình hình bệnh lý về nha khoa và các bệnh lý toàn thân để có những phương pháp nhổ răng sao cho phù hợp ở từng trẻ.

- Với trẻ đang bị sốt hay có các ổ viêm lợi cấp thì không nên nhổ răng cho tới khi trẻ cắt sốt hay điều trị xong các ổ viêm răng.

Tự nhổ răng sữa tại nhà, răng bé gái 8 tuổi bị rơi vào phổi dẫn tới viêm phổi nặng - Ảnh 6.

Với trẻ đang bị sốt hay có các ổ viêm lợi cấp thì không nên nhổ răng cho tới khi trẻ cắt sốt hay điều trị xong các ổ viêm răng (Ảnh: Internet)

5. Những câu hỏi thường gặp liên quan tới việc nhổ răng sữa ở trẻ

Nhổ răng sữa có đau không?

Có. Nhổ răng sữa hay nhổ răng vĩnh viễn đều gây cảm giác đau. Tuy nhiên, nhổ răng sữa không đây đau đớn nhiều như nhổ răng vĩnh viễn.

Nhổ răng sữa xong nên làm gì?

Sau khi nhổ răng sữa xong nên vệ sinh miệng rồi ngậm gạc cầm máu. Đồng thời ăn thức ăn dạng lỏng, mềm và quan sát vùng nhổ răng để kiểm tra các biểu hiện bất thường.

Có nên nhổ răng sữa bằng chỉ không?

Vì răng sữa đã có chân răng lung lay nên có thể nhổ bằng chỉ. Nhưng cần nhổ đúng cách. Tuy vậy, vẫn nên đưa trẻ tới cơ sở nha khoa để nhổ bằng dụng cụ chuyên dụng. Bởi nhổ răng bằng chỉ có thể gây nhiễm trùng do dụng cụ không đảm bảo an toàn. Chưa kể, với các chân răng sâu thì nhổ bằng chỉ không thể đảm bảo được việc lấy được hết chân răng.

Trẻ cũng có thể bị ám ảnh tâm lý khi nhổ do mất thời gian và dùng lực mạnh.

Nhổ răng sữa xong còn sót chân răng sữa thì phải làm gì?

Nhiều cha mẹ sau khi tự nhổ răng sữa tại nhà cho trẻ bị sót lại chân răng. Tuy từng trường hợp mà sẽ có những ảnh hưởng khác nhau.

Tuy nhiên các bác sĩ cũng cho biết, khi răng vĩnh viễn trồi lên thì chân răng sữa cũng bị tiêu hủy và đẩy ra ngoài. Nhưng nếu sau quá trình nhổ răng, không đảm bảo được vệ sinh thì nguy cơ trẻ bị viêm nha chu do sót chân răng sữa còn lại là vẫn có. Nhiều trường hợp bị nhiễm trùng nặng có thể bị sốc phản vệ và nguy hiểm tới tính mạng.

Răng sữa lung lay bao lâu thì nhổ?

Khi răng sữa bắt đầu lung lay, cha mẹ không nên nóng vội mà nhổ ngay vì có thể khiến trẻ bị chảy máu nhiều và ám ảnh không muốn nhổ răng nữa.

Thông thường, sẽ mất vài tháng tính từ thời điểm răng sữa bắt đầu có dấu hiệu lung lay tới khi nhổ được. Khi cảm thấy răng sữa của trẻ lung lay nhiều hơn có nghĩa là răng vĩnh viễn đã sẵn sàng để thay thế.

Tuy nhiên, nếu răng sữa của trẻ bị lung lay kèm sưng đau và viêm nhiễm thì cần nhanh chóng nhổ sớm tại cơ sở y tế.

Tại sao răng sữa chưa lung lay mà răng vĩnh viễn đã mọc?

Nguyên nhân là do hướng mọc của răng vĩnh viễn không được thẳng trục so với răng sữa dẫn tới răng vĩnh viễn mọc mà răng sữa vẫn chưa lung lay.

Với trường hợp này, cha mẹ nên cho bé đi nhổ bỏ răng sữa và thăm khám xem có cần nắn chỉnh răng vĩnh viễn hay không.


Tác giả: Kim Phụng