Tự kiểm tra lưỡi tại nhà để phát hiện 8 căn bệnh này

Tham vấn chuyên môn: - Bác sĩ Chuyên khoa I Bệnh viện Quân Y 108
Tự kiểm tra lưỡi tại nhà để phát hiện 8 căn bệnh này
Lưỡi thường là cơ quan ít được quan sát tới, tuy nhiên chúng lại có thể nói lên tình trạng sức khỏe hiện tại của bạn đang tốt hay xấu. Dưới đây là 8 dấu hiệu bệnh có thể nhận biết được khi kiểm tra lưỡi tại nhà.

Lưỡi nằm trong khoang miệng và thường ít được quan sát tới, tuy nhiên, đây lại là một trong những cơ quan đầu tiên trong cơ thể có thể cảnh báo cho bạn biết về những vấn đề sức khỏe mà bạn đang mắc phải.

 Khi cơ thể khỏe mạnh, lưỡi sẽ có màu hồng, sạch và được bao phủ bởi những gai vị giác. Bạn nên thường xuyên kiểm tra lưỡi tại nhà để nắm bắt được sức khỏe bản thân. Dưới đây là những dấu hiệu bất thường bạn có thể nhận biết khi kiểm tra lưỡi tại nhà và lời cảnh báo của chúng về tình trạng sức khỏe hiện tại của bạn.

1. Kiểm tra lưỡi thấy có màu đỏ tươi

Khi bạn kiểm tra lưỡi mà nhận thấy lưỡi có màu đỏ tươi, có nghĩa là trong cơ thể bạn không có đủ sắt hoặc vitamin B12. Đi cùng với màu sắc đỏ, lưỡi sẽ trở nên mịn hơn và bạn có thể cảm thấy các gai vị giác dần biến mất. Tình trạng này kéo dài sẽ dẫn đến cảm giác đau, xót khi bạn ăn uống đồ cay nóng. Trong trường hợp này, bạn nên đi khám bác sĩ và xem xét lại chế độ ăn uống của mình.

2. Lưỡi có mảng bám nâu đen

Mảng bám màu nâu hoặc đen trên lưỡi trông có thể khá đáng sợ, tuy nhiên chúng lại không hề nguy hiểm. Những mảng bám này chỉ là kết quả của việc vệ sinh răng miệng không kỹ, hút thuốc lá hoặc uống nhiều cà phê, trà đen. Đi cùng với những mảng bám này thường là hơi thở có mùi. Để giải quyết tình trạng này, bạn nên từ bỏ những thói quen xấu gây ra mảng bám, đồng thời vệ sinh lưỡi mỗi ngày bên cạnh việc chải răng.

3. Lưỡi có nhiều mảng bám màu trắng

Khi kiểm tra lưỡi thấy có nhiều mảng bám màu trắng là dấu hiệu của tình trạng nhiễm trùng nấm men hoặc nấm Candida. Những mảng bám này xuất hiện khi vi khuẩn Candida albicans và nấm men phát triển quá mức trong khoang miệng. Nấm men thường phát triển quá mức khi hệ miễn dịch của cơ thể suy giảm, hoặc dùng quá liều kháng sinh hay mắc các bệnh mãn tính như tiểu đường, cao huyết áp.

4. Xuất hiện nhiều vết nứt trên lưỡi

Nứt lưỡi là tình trạng thường xuất hiện ở người lớn tuổi, do đây là một quá trình lão hóa của cơ thể. Tuy nhiên, nếu bạn đang ở độ tuổi trẻ mà khi kiểm tra lưỡi xuất hiện nhiều vết nứt thì điều này có thể do những thủ thuật nha khoa như cấy ghép răng, niềng răng đã được thực hiện sai kỹ thuật. 

Nứt lưỡi thường không cần điều trị, dù vậy bạn vẫn cần vệ sinh răng miệng kỹ lưỡng với bàn chải mềm, và đặc biệt chú trọng đến chải lưỡi để loại bỏ các mảng bám hay vụn thức ăn. Nếu không, vi khuẩn tích tụ trong những đường nứt có thể gây ra hôi miệng, nhiễm trùng, trường hợp nặng có thể gây đau dữ dội và sốt cao.

5. Kiểm tra lưỡi thấy xuất hiện đốm trắng nhỏ 

Những đốm trắng nhỏ có thể là dấu hiệu kích ứng lưỡi, ví dụ như sự cọ xát của những chiếc răng hay niềng răng. Nhưng trong phần lớn trường hợp, những đốm trắng này là kết quả của sự gia tăng sản xuất tế bào ở những người hút thuốc. 

Có từ 5 - 17% những đốm trắng này là tế bào tiền ung thư. Nếu các đốm trắng này không tự biến mất sau vài tuần thì đây là lúc bạn cần đến bác sĩ để thực hiện những xét nghiệm cần thiết để.

6. Lưỡi có đốm đỏ và mụn nước

Các đốm đỏ và mụn nước trên lưỡi rất dễ bị nhầm lẫn với một chứng bệnh thông thường, đó là nhiệt miệng. Tuy nhiên, nếu các đốm đỏ và mụn này không tự biến mất mà tồn tại trong thời gian dài thì bạn nên đi khám bác sĩ ngay bởi đó là dấu hiệu của căn bệnh ung thư lưỡi.

7. Cảm giác nóng rát

Cảm giác nóng rát ở lưỡi thường xảy ra khi bạn bị dị ứng với một số thành phần trong sản phẩm chăm sóc răng miệng như kem đánh răng, nước súc miệng. Ngoài ra, cảm giác nóng rát lưỡi còn xảy ra phổ biến ở phụ nữ trong thời kỳ đầu mãn kinh, do sự thay đổi đáng kể của những nội tiết tố trong cơ thể.

8. Lưỡi có vết loét và sưng đau

Khi kiểm tra lưỡi thấy xuất hiện những vết loét, gây sưng và đau đớn thì đây là dấu hiệu của bệnh nấm miệng. Căn bệnh này phổ biến ở trẻ em, tuy nhiên cũng có đến 20% người lớn mắc phải. Các vết loét là tín hiệu cảnh báo hệ miễn dịch của bạn đang yếu đi. 

Các vết loét lành tính thường biến mất trong vòng hai tuần, nếu như chúng vẫn xuất hiện dai dẳng thì bạn nên đi khám bác sĩ để được kiểm tra lưỡi kỹ càng hơn, bởi đây có thể là dấu hiệu của ung thư lưỡi.


Tác giả: Thúy Nga