Từ A - Z về bệnh hen suyễn nghề nghiệp

Tham vấn chuyên môn: - Khoa Nội Tổng hợp
Từ A - Z về bệnh hen suyễn nghề nghiệp
Có một số người bị xuất hiện các triệu chứng hen ở nơi họ làm việc. Tình trạng này được gọi là hen suyễn nghề nghiệp. Có khoảng 10% trường hợp hen suyễn khởi phát ở người trưởng thành có liên quan đến công việc.

1. Hen suyễn nghề nghiệp là gì?

Hen suyễn nghề nghiệp là tình trạng hen khởi phát, hoặc trở nên tồi tệ hơn do tiếp xúc với các chất gây dị ứng hoặc các tác nhân khác tại nơi làm việc. Khi ở ngoài nơi làm việc thì không xuất hiện triệu chứng hen.

Có khoảng 9 - 25% các trường hợp hen suyễn ở người trưởng thành có liên quan đến công việc.

2. Nguyên nhân

Nguyên nhân gây ra hen suyễn nghề nghiệp thường là do tiếp xúc với các tác nhân tại nơi làm việc. Những tác nhân này có thể gây ra hen suyễn theo 3 cách:

- Gây ra phản ứng dị ứng, sau đó phát triển thành cơn hen suyễn dị ứng.

- Gây ra phản ứng kích thích và phát triển các triệu chứng hen suyễn.

- Gây ra phản ứng dẫn đến sự tích tụ các hóa chất như histamines trong phổi dẫn đến cơn hen suyễn.

3. Nguy cơ

- Hen suyễn nghề nghiệp phổ biến hơn ở phụ nữ (10,3%) so với nam giới (6,3%).

- Hen suyễn nghề nghiệp ít phổ biến hơn ở những người từ 65 tuổi trở lên (7,6%) so với những người dưới 64 tuổi (8,6%)

- Những người bị mắc các bệnh dị ứng khác, chẳng hạn như bệnh chàm, viêm mũi dị ứng, dị ứng thực phẩm, dị ứng thuốc,... thường dễ bị hen suyễn nghề nghiệp hơn.

- Có 2 nhóm tác nhân làm tăng nguy cơ phát triển bệnh hen suyễn nghề nghiệp. Đó là các tác nhân có trọng l­ượng phân tử cao và các tác nhân trọng lượng phân tử thấp.

Các tác nhân có trọng l­ượng phân tử cao thường là: sản phẩm của động vật và côn trùng, thực vật, Enzym sinh học, nhựa, cao su, gốm, thủy sản,...

Các tác nhân có trọng l­ượng phân tử thấp thường là: Diisocyanate, Anhydrit, bụi gỗ, bụi kim loại, thuốc, hóa chất,....

4. Dấu hiệu

Các triệu chứng của hen suyễn nghề nghiệp cũng giống như các loại hen suyễn khác như:

- Ho.

- Thở khò khè.

- Tức ngực.

- Khó thở.

Tuy nhiên, các triệu chứng thường xảy ra theo lịch làm việc. Chúng có thể xuất hiện vào đầu hoặc cuối ca làm việc. Triệu chứng thường được cải thiện vào cuối tuần và ngày lễ được nghỉ.

5. Phòng tránh

- Giữ cho nơi làm việc thông thoáng, có thể dùng thêm điều hòa, quạt thông gió.

- Sử dụng đồ bảo hộ lao động như găng tay, quần áo chuyên dụng, khẩu trang,...

- Có thể dùng thuốc dự phòng theo tư vấn của bác sĩ.

- Tìm công việc phù hợp với tình trạng sức khỏe của bản thân.

6. Chẩn đoán

Mỗi bệnh nhân cần ghi chú về lịch sử và nhiệm vụ công việc, các tác nhân mà người bệnh tiếp xúc ở nơi làm việc, phơi nhiễm tác nhân trong 24 giờ trước khi các triệu chứng bắt đầu, các triệu chứng có trở nên tồi tệ hơn khi bạn làm việc hay không. Đôi khi bác sĩ cũng có thể hỏi bạn về thiết bị bảo hộ khi làm việc và sức khỏe của đồng nghiệp.

Ảnh 4.

Xét nghiệm dị ứng trong chẩn đoán hen suyễn nghề nghiệp (Ảnh: Internet)

Sau đó, bác sĩ sẽ chỉ định một số xét nghiệm để xác định rõ ràng và chính xác hơn sự liên quan giữa các cơn hen suyễn với môi trường làm việc. Các xét nghiệm thường là: đo lưu lượng thở ra cao điểm, đo độ nhạy cảm của đường thở để chẩn đoán hen, xét nghiệm dị ứng, và thử nghiệm hít tác nhân cụ thể.

7. Điều trị

Tin vui là các triệu chứng của hen suyễn nghề nghiệp có thể biến mất hoàn toàn nếu chúng được xác định sớm và bệnh nhân ngừng tiếp xúc với các tác nhân. Đối với một số người, các triệu chứng của họ biến mất ngay khi họ không còn tiếp xúc với tác nhân. 

Đối với những người khác có thể mất một chút thời gian. Đôi khi các triệu chứng không biến mất hoàn toàn hoặc có thể tiếp tục trong nhiều năm. Điều này thường là do bệnh hen suyễn nghề nghiệp không được phát hiện sớm, khiến đường thở bị tổn thương nặng nề, khó phục hồi.

Thật không may, không phải lúc nào mọi người cũng có thể thay đổi công việc để tránh xa các tác nhân. Trong trường hợp này, bạn có thể cần phải sử dụng đến thuốc điều trị hen suyễn như thuốc chống viêm và thuốc giãn phế quản. Trong một vài trường hợp, bệnh nhân có thể được khuyến cáo tiêm dị ứng.


Tác giả: Mai Nhung