Từ A - Z về bệnh đau lưng: dấu hiệu, nguyên nhân, điều trị và đối phó

Tham vấn chuyên môn: - Khoa Nội Tổng hợp
Từ A - Z về bệnh đau lưng: dấu hiệu, nguyên nhân, điều trị và đối phó
Đau lưng là một trong những lý do phổ biến nhất khiến mọi người đi khám bệnh hoặc bỏ lỡ công việc, nó cũng là nguyên nhân hàng đầu gây ra khuyết tật trên toàn thế giới. Hầu hết mọi người đều bị đau lưng ít nhất một lần trong đời.


1. Đau lưng là bệnh gì?

Đau lưng là căn bệnh phổ biến mà hầu hết người trưởng thành đều đã từng gặp phải. Khi bị đau lưng, người bệnh sẽ gặp phải những cơn đau tê dọc hoặc gần cột sống. Đau lưng thường không nghiêm trọng và thường kéo dài từ 1 - 8 tuần. 

Đau lưng được chia thành 4 khu vực chính:

- Đau lưng trên (đau lưng vùng cổ)

- Đau giữa lưng

- Đau thắt lưng (đau lưng dưới)

- Đau lưng vùng xương cụt

Đau lưng được chia làm 3 dạng: 

- Đau lưng cấp tính: đây là tình trạng đau lưng diễn ra trong khoảng thời gian ít hơn 6 tuần

- Đau lưng bán cấp tính: các cơn đau lưng kéo dài từ 6-12 tuần

- Đau lưng mãn tính: cơn đau lưng kéo dài trên 12 tuần

Ngoài ra, dựa vào triệu chứng và nguyên nhân gây bệnh mà đau lưng còn được chia ra làm nhiều loại khác nhau để tiện cho việc điều trị. 

đau lưng

Đau lưng là căn bệnh phổ biến mà hầu hết người trưởng thành đều đã từng gặp phải. (Ảnh: Internet)

2. Triệu chứng đau lưng

Triệu chứng phổ biến nhất của đau lưng bao gồm:

- Đau cơ lưng.

- Đau nhói hoặc đau châm chích lưng.

- Cơn đau lan xuống chân.

- Đau nặng hơn khi cúi, nâng vật, đi hoặc đứng.

- Cơn đau được cải thiện khi nằm, ngồi tựa, ngả lưng.

Đau lưng khá phổ biến và thường gặp. Hầu hết các cơn đau lưng dần cải thiện khi điều trị tại nhà và tự chăm sóc, thường là trong vòng vài tuần. Nếu cơn đau không cải thiện, hãy đến gặp bác sĩ. Trong một số ít trường hợp, đau lưng có thể báo hiệu một vấn đề y tế nghiêm trọng. Hãy đến bệnh viện ngay khi xuất hiện đau lưng kèm các triệu chứng sau:

- Đau nghiêm trọng, không cải thiện khi được nghỉ ngơi.

- Đau lan rộng xuống 1 hoặc cả 2 chân, đặc biệt là cơn đau kéo dài dưới đầu gối.

- Làm yếu, tê hoặc ngứa ran 1 hoặc cả 2 chân.

- Có vấn đề với ruột hoặc bàng quang.

- Đau lưng kèm sốt.

- Đau lưng kèm giảm cân không lý do.

- Đau lưng kèm các chấn thương khác do ngã.

triệu chứng đau lưng

Triệu chứng đau lưng bao gồm: Đau cơ lưng, đau nhói hoặc đau châm chích lưng, cơn đau lan xuống chân,... (Ảnh: Internet)

3. Những nguyên nhân gây đau lưng

Đau lưng xuất hiện đột ngột và kéo dài không quá 6 tuần (cấp tính) có thể được gây ra bởi một cú ngã hoặc nâng vật nặng, do tư thế sai, do làm việc quá sức.

Đau lưng kéo dài hơn 3 tháng (mãn tính) ít phổ biến hơn đau cấp tính. Nguyên nhân gây đau lưng mãn tính thường liên quan đến các bệnh lý xương khớp khác:

- Căng cơ hoặc giãn dây chằng: Do bệnh nhân lặp đi lặp lại một động tác, hoặc thực hiện 1 động tác bất ngờ làm căng cơ lưng và dây chằng cột sống. Đau lưng thường kèm co thắt cơ bắp đau đớn.

- Đĩa đệm cột sống bị phồng hoặc vỡ: Đĩa hoạt động như 1 lớp đệm giữa các đốt sống. Các vật liệu mềm trong đĩa có thể phình to ra hoặc vỡ, tác động đến các dây thần kinh, gây ra các cơn đau lưng.

- Viêm khớp: Viêm xương khớp có thể ảnh hưởng đến lưng dưới tạo ra các cơn đau lưng âm ỉ, hoặc đau nhói khi vận động.

- Vẹo cột sống: Vẹo cột sống có thể do chấn thương hoặc do dị tật bẩm sinh, thường gây ra các cơn đau lưng và đau cổ mãn tính.

- Loãng xương: Xương sống yếu và dễ gãy do loãng xương là một trong những nguyên nhân gây đau lưng thường gặp ở tuổi trung niên.

4. Đối tượng nào có nguy cơ bị đau lưng cao?

Bất cứ ai cũng có thể bị đau lưng, ngay cả trẻ em và thiếu niên. Nhưng nếu bạn thuộc một trong những đối tượng dưới đây thì có thể có nguy cơ bị đau lưng cao hơn:

- Người cao tuổi: Đau lưng là phổ biến hơn khi bạn già đi, thường bắt đầu từ sau khoảng 30 hoặc 40 tuổi.

- Những người có đặc thù công việc ngồi nhiều như nhân viên văn phòng, tài xế, công nhân dây truyền,....

 - Ít vận động, lười tập thể dục khiến cho cơ bắp yếu, dễ đau mỏi.

- Béo phì: Trọng lượng cơ thể dư thừa sẽ gây thêm áp lực lên lưng của bạn.

- Bị bệnh: Một số loại viêm khớp và ung thư có thể góp phần gây đau lưng.

- Người hay sai tư thế, nâng hạ không đúng cách, sử dụng lưng thay vì chân có thể dẫn đến đau lưng.

- Những người dễ bị trầm cảm và lo lắng dường như có nguy cơ đau lưng cao hơn.

- Hút thuốc làm giảm lưu lượng máu đến cột sống, làm cơ thể không cung cấp đủ chất dinh dưỡng cho các đĩa đệm ở lưng. Hút thuốc cũng làm chậm quá trình làm lành các tổn thương xương khớp.

5. Biện pháp phòng tránh

- Tập thể dục có thể tăng sức mạnh và sức chịu đựng ở lưng và cho phép cơ bắp của bạn hoạt động tốt hơn. Xây dựng sức mạnh cơ bắp và sự linh hoạt bằng các bài tập cơ bụng và cơ lưng. Sự linh hoạt ở hông và chân sẽ cải thiện cảm giác của lưng.

- Duy trì cân nặng hợp lý để tránh áp lực lên xương sống.

- Bỏ thuốc lá.

- Tăng cường dinh dưỡng đầy đủ, bổ sung canxi và vitamin D.

- Chú ý vận động đúng tư thế để ngăn ngừa chấn thương và đau mỏi lưng.

5. Cách phương pháp chữa đau lưng

Hầu hết các bệnh nhân có thể phục hồi hoàn toàn bằng cách tránh áp lực và căng thẳng lên lưng. Tuy nhiên, nếu đau lưng do ảnh hưởng từ các bệnh lý các thì việc điều trị đau lưng cần bắt đầu từ việc chữa trị các căn bệnh nguyên nhân.

Tự chăm sóc điều trị đau lưng:

- Xoa bóp, massage  để giảm đau nhức vùng lưng.

- Tập các bài tập kéo giãn cột sống để thư giãn cơ và giảm đau.

- Nằm nghỉ ngơi sẽ giúp điều trị đau lưng do làm việc quá sức.

- Chườm nóng để lưu thông mạch máu, giãn cơ giảm đau. Chườm lạnh để giảm đau cấp tốc.

- Bổ sung Vitamin D: đau lưng cũng có thể là một dấu hiệu cho thấy bạn đang bị thiếu hụt vitamin D, do đó bạn cần bổ sung cho cơ thể bằng cách ăn thêm các loại thực phẩm giàu hàm lượng vitamin D. 

- Sử dụng củ nghệ: pha bột củ nghệ uống hàng ngày trong khoảng thời gian từ 20-30 ngày cũng có thể giúp làm giảm cơn đau lưng và hạn chế đau lưng tái phát.

- Sử dụng tỏi chữa đau lưng: ăn 2 nhánh tỏi/ngày có thể giúp cải thiện tình trạng đau lưng. Ngoài ra, bạn cũng có thể xoa dầu tỏi lên vùng lưng mỗi ngày để hạn chế cơn đau. 

Điều trị đau lưng bằng can thiệp y tế:

- Nếu các phương pháp điều trị cơ bản cho đau lưng không làm giảm các triệu chứng của bạn, bước tiếp theo là tìm kiếm đánh giá y tế. Tùy thuộc vào các triệu chứng và thời gian của vấn đề, bác sĩ của bạn có thể tạo ra một chế độ điều trị, có thể bao gồm dùng một hoặc nhiều loại thuốc. Thuốc thường để sử dụng điều trị đau lưng là thuốc chống viêm và thuốc giãn cơ.

- Các bài tập vật lý trị liệu có thể giúp tăng cường và kéo căng cơ lưng, cải thiện khả năng vận động và chức năng, từ đó giúp giảm đau lưng.

- Các phương pháp Đông y như châm cứu, bấm huyệt, massage trị liệu cũng có tác dụng tốt trong điều trị đau lưng.

Thuốc trị đau lưng:

Nếu bị đau lưng nhẹ hoặc đau lưng do vận động quá sức, bạn có thể dùng các loại thuốc giảm đau và chống viêm như: 

- Aspirin

- Indomethacin

- Panadol

- Diclofenac

Trong trường hợp bị đau lưng nặng, người bệnh có thể sử dụng thuốc Steriod, nhưng cần phải tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng. 

Bên cạnh đó, người bệnh cũng có thể dán kèm miếng dàn đau lưng như:

- Miếng dán ở huyệt đạo Roihi Tsuboko

- Miếng dán đau lưng Harikkusu

- Miếng dán Thermacare

- Miếng dán Salonpas

Nguồn dịch: 

https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/back-pain/symptoms-causes/syc-20369906


Tác giả: Minh Vy