Từ A đến Z về beta carotene

Từ A đến Z về beta carotene
Beta carotene là một sắc tố màu đỏ cam được tìm thấy trong nhiều thực vật, có vai trò rất quan trọng đối với sức khỏe con người.

1. Beta carotene là gì?

Beta carotene là một sắc tố màu đỏ cam được tìm thấy trong thực vật và trái cây, đặc biệt là cà rốt và rau củ nhiều màu sắc. Cơ thể con người chuyển đổi beta carotene thành vitamin A - beta carotene là tiền chất của vitamin A.

Chúng ta cần vitamin A để có làn da và màng nhầy khỏe mạnh, hệ miễn dịch, sức khỏe và thị lực tốt. Vitamin A có thể được lấy từ thực phẩm chúng ta ăn, thông qua beta carotene, hoặc ở dạng bổ sung.

2. Vai trò của beta carotene đối với cơ thể

2.1 Beta carotene là một chất chống oxy hóa

Beta carotene, giống như tất cả các carotenoids, là một chất chống oxy hóa. Chất chống oxy hóa là một chất ức chế quá trình oxy hóa của các phân tử khác; nó bảo vệ cơ thể khỏi các gốc tự do.

Các gốc tự do làm hỏng các tế bào thông qua quá trình oxy hóa. Cuối cùng, thiệt hại gây ra bởi các gốc tự do có thể gây ra một số bệnh mãn tính.

Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng chất chống oxy hóa thông qua chế độ ăn uống giúp bảo vệ hệ thống miễn dịch của mọi người, bảo vệ chống lại các gốc tự do và giảm nguy cơ phát triển ung thư và bệnh tim .

Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng những người tiêu thụ ít nhất bốn khẩu phần trái cây hoặc rau giàu beta carotene có nguy cơ mắc ung thư hoặc bệnh tim thấp hơn.

2.2 Beta carotene có thể làm chậm sự suy giảm nhận thức

Nghiên cứu từ Trường Y Harvard đã báo cáo trong Archives of Internal Medicine (số tháng 11 năm 2007) chỉ ra rằng: Những người đã sử dụng chất bổ sung beta carotene trong 15 năm trở lên ít có khả năng bị suy giảm nhận thức hơn so với những người khác.

Theo đó, stress oxy hóa được cho là một yếu tố chính trong suy giảm nhận thức, và bổ sung chất chống oxy hóa như beta carotene có thể giảm tình trạng trên.

Một nghiên cứu với 4.052 người, họ đã so sánh những người dùng chất bổ sung beta carotene trung bình 18 năm với những người khác không dùng . Trong thời gian ngắn, họ không tìm thấy sự khác biệt về nguy cơ suy giảm nhận thức giữa hai nhóm người, nhưng về lâu dài, rõ ràng là bổ sung beta carotene tạo ra sự khác biệt đáng kể.

2.3 Beta carotene giúp phổi khỏe mạnh

BMJ (tập san Y khoa của Anh) đã công bố một báo cáo vào tháng 3 năm 2006 cho thấy nồng độ beta carotene trong máu cao bù đắp một số thiệt hại cho phổi do các gốc tự do gây ra.

3. Thực phẩm giàu beta carotene

Một số thực phẩm giàu beta caroten mà bạn có thể dễ dàng tìm thấy như:

Quả mơ, măng tây, bông cải xanh, cà rốt, bắp cải, hẹ, lá bồ công anh, bưởi, các loại thảo mộc và gia vị, rau mùi, cải xoăn, cà chua, bơ, hành, đậu Hà Lan, ớt, mận, quả bí ngô, rau bina, bí đao, khoai lang,...

Nếu bạn theo chế độ ăn uống lành mạnh giàu thì sẽ đủ lượng beta carotene mà không cần bổ sung bằng thuốc. Chất bổ sung có thể dẫn đến quá liều cũng như có nhiều tác dụng phụ xảy ra.

4. Phản ứng phụ

Một nghiên cứu của Pháp liên quan đến phụ nữ trưởng thành được công bố trên Tạp chí của Viện Ung thư Quốc gia (số tháng 9 năm 2005) cho thấy những người hút thuốc có nồng độ beta carotene cao có nguy cơ mắc ung thư phổi và các bệnh ung thư liên quan đến hút thuốc khác cao hơn những người khác.

Ngoài ra, các loại thuốc sau đây có thể bị ảnh hưởng bởi các chất bổ sung beta carotene:

- Statin - hiệu quả của simvastatin (Zocor) và niacin có thể bị giảm nếu bệnh nhân dùng beta carotene với selen và vitamin E, C. 

- Một số loại thuốc giảm cholesterol - cholestyramine và colestipol có thể làm giảm nồng độ beta carotene trong máu từ ba mươi đến bốn mươi phần trăm. 

- Orlistat (Xenical, Alli) - đây là một loại thuốc kiểm soát cân nặng. Nó có thể làm suy yếu sự hấp thụ beta carotene lên đến 30 phần trăm, dẫn đến nồng độ beta carotene trong máu thấp hơn.

- Dầu khoáng - được sử dụng để điều trị táo bón có thể làm giảm nồng độ beta carotene trong máu. 

- Sử dụng rượu trong thời gian dài có gây tương tác với beta carotene, gây ra các bệnh về gan

Trên đây là một số những điều cần biết về beta carotene trong cơ thể chúng ta, bạn nên tìm hiểu kỹ để bổ sung hàm lượng đầy đủ cho cơ thể, giúp cơ thể luôn được khỏe mạnh.

Nguồn: https://www.medicalnewstoday.com/articles/252758.php


Tác giả: Lan Anh