Từ A đến Z phương pháp sơ cứu người bị bệnh động kinh đúng cách

Từ A đến Z phương pháp sơ cứu người bị bệnh động kinh đúng cách
Động kinh là một rối loạn thần kinh đặc trưng bởi cơn co giật, nó có thể xảy ra ở bất kì ai theo những cách khác nhau. Bài viết sẽ hướng dẫn bạn cách sơ cứu người bị bệnh động kinh đúng cách.

Động kinh là căn bệnh rối loạn mạn tính, đặc trưng bởi các cơn co giật không có nguyên nhân và lặp đi lặp lại. Triệu chứng co giật có thể khác nhau ở mỗi người. Các bệnh nhân có thể có nhiều kiểu co giật và các dấu hiệu liên quan đến vấn đề thần kinh.

1. Hướng dẫn sơ cứu người bị bệnh động kinh

Với đa phần các cơn động kinh, hướng dẫn các bước sơ cứu bệnh nhân cơ bản sau đây sẽ giúp bạn bảo vệ và chăm sóc người thân của mình khi bị lên cơn động kinh.

1.1. Giữ bình tĩnh

Bình tĩnh là yếu tố quan trọng số 1 khi phải đối phó với cơn động kinh của người bệnh. Phần lớn các cơn co giật do động kinh chỉ kéo dài khoảng vài giây hoặc vài phút và có thể được xử lý tốt. Hãy trấn an người bệnh rằng người đó sẽ không sao và đã có bạn giúp đỡ. Nếu bạn bình tĩnh thì những người xung quanh bạn cũng sẽ như vậy.

1.2. Luôn ở bên cạnh người bệnh

Mặc dù phần lớn các cơn co giật động kinh đều ngắn, một số cơn có thể kéo dài hơn, tuy nhiên động kinh cũng có thể bắt đầu với các triệu chứng nhẹ nhưng dẫn tới mất ý thức, kết quả là có thể dẫn tới ngã. Hãy luôn ở bên cạnh người bệnh cho tới khi bạn chắc chắn cơn động kinh đã qua hoặc cho tới khi có bác sĩ tới. Ngoài ra cần đảm bảo người bị động kinh tỉnh táo trở lại trước khi để họ một mình.

1.3. Theo dõi thời gian

Một điều quan trọng phải ghi nhớ là cần biết thời gian động kinh kéo dài trong bao lâu. Nếu cơn động kinh kéo dài trên 5 phút, bạn hãy gọi cấp cứu ngay.

1.4. Loại bỏ những vật nguy hiểm xung quanh

Đôi khi một người khi lên cơn động kinh sẽ không kiểm soát được những việc họ đang làm hay nhận thức về nơi họ đang ở. Do vậy, bạn cần loại bỏ những vật sắc nhọn và có thể gây nguy hiểm xung quanh người bệnh.

Từ A đến Z phương pháp sơ cứu người bị bệnh động kinh đúng cách - Ảnh 1.

Người lên cơn động kinh không kiểm soát được việc họ đang làm (Ảnh: Internet)

1.5. Đặt người bệnh nằm trên mặt phẳng

Nếu có thể, bạn hãy cố gắng đặt người bệnh ở tư thế nằm thoải mái trên sàn nhà hoặc mặt phẳng đề phòng bị ngã.

1.6. Kê vật mềm và phẳng dưới đầu người bệnh

Khi sơ cứu người bị bệnh động kinh, bạn lưu ý kê một vật mềm và phẳng dưới đầu người bệnh, cùng với đó là không để vật gì quấn chặt quanh cổ người bệnh vì có thể cản trở việc thở.

1.7. Đặt nghiêng người bệnh sang một bên

Để bệnh nhân ở tư thế nhẹ nhàng nghiêng sang một bên để giúp họ dễ thở. Nếu người bệnh ngồi thì cố gắng để đầu quay sang một bên để các chất dịch lỏng có thể chảy ra khỏi miệng.

Từ A đến Z phương pháp sơ cứu người bị bệnh động kinh đúng cách - Ảnh 2.

Sơ cứu người bị động kinh cũng cần biết cách (Ảnh: Internet)

1.8. Không cho bất cứ thứ gì vào miệng người bệnh

Đừng cố gắng mở miệng người bệnh hoặc cho chất lỏng hoặc thuốc gì đó vào miệng họ cho tới khi cơn động kinh qua đi và người bệnh hoàn toàn tỉnh táo.

Trái với suy nghĩ của nhiều người, động kinh không khiến người bệnh cắn vào lưỡi họ.

Từ A đến Z phương pháp sơ cứu người bị bệnh động kinh đúng cách - Ảnh 3.

Đừng cố gắng mở miệng người đang trong cơn động kinh (Ảnh: Internet)

1.9. Không giữ chặt người bệnh

Điều quan trọng khi sơ cứu người bị động kinh là bảo vệ người bệnh khỏi chấn thương khi cơn động kinh ập đến, tuy nhiên bạn cũng không nên giữ chặt hoặc cố gắng khiến họ khỏi co giật.

Cơ bị co trong cơn động kinh và nỗ lực giữ chặt có thể làm rách cơ của người bệnh hoặc thậm chí gãy xương. Khi co giật bắt đầu chậm lại, bạn hãy để cho người bệnh hít thở bình thường.

1.10. Giúp người bệnh thư giãn

Một số người trở nên lú lẫn hoặc cáu kỉnh sau cơn động kinh trong khi những người khác có thể bị suy kiệt. Bạn nên trấn an người bệnh bằng những từ ngữ nhẹ nhàng, lạc quan và khuyến khích người bệnh thở chậm, sâu và giúp họ thư giãn.

Từ A đến Z phương pháp sơ cứu người bị bệnh động kinh đúng cách - Ảnh 4.

Sau khi đã sơ cứu người bị động kinh thành công, bạn hãy giúp người bệnh thư giãn (Ảnh: Internet)

2. Khi nào người bị động kinh cần sự hỗ trợ y tế?

Phần lớn các cơn động kinh sẽ kết thúc mà không xảy ra biến cố hoặc không cần điều trị y tế. Tuy nhiên trong một số ít trường hợp, bạn có thể cần gọi cấp cứu. Hãy gọi cấp cứu trong những trường hợp sau:

- Đây là cơn động kinh đầu tiên của người bệnh

- Cơn động kinh kéo dài hơn 5 phút

- Cơn động kinh khác bắt đầu ngay sau cơn đầu tiên

- Người bệnh bị khó thở hoặc ngạt thở

- Cơn động kinh xảy ra dưới nước

- Người bệnh yêu cầu trợ giúp y tế

- Người bệnh có vẻ lú lẫn hoặc không trở lại bình thường sau cơn động kinh hơn 1 giờ.


Tác giả: Diệu Anh