Trường hợp nào cần cắt amidan? Một số vấn đề thường gặp sau cắt amidan

Tham vấn chuyên môn: - Khoa Nội Tổng hợp
Trường hợp nào cần cắt amidan? Một số vấn đề thường gặp sau cắt amidan
Khi nào nên cắt amidan? Cắt amidan có gây biến chứng không?... là thắc mắc của nhiều người. Dưới đây là lời giải đáp cho những câu hỏi này.

Amidan là hai hạch bạch huyết nằm ở hai bên của cổ họng hoạt động như một cơ chế phòng vệ, bảo vệ cơ thể khỏi nhiễm trùng. Viêm amidan là tình trạng amidan bị nhiễm trùng với những triệu chứng như đau họng, amidan sưng gây sốt.

Viêm amidan là bệnh tai-mũi-họng thường gặp ở cả trẻ em và người lớn. Viêm amidan có thể là viêm cấp, viêm amidan cấp tái hồi, viêm amidan mạn, viêm tấy hoặc áp-xe quanh amidan.

Ngoài ra ung thư amidan cũng là bệnh xuất phát từ tế bào ác tính trong amidan. Ung thư amidan trong nhiều trường hợp cũng được chỉnh định cắt bỏ

1. Khi nào nên cắt amidan?

Đối với bệnh lý amidan thông thường, không phải cứ viêm là phải cắt. Thực tế, cắt amidan là phương pháp điều trị hữu hiệu khi được chỉ định chính xác. Cắt amidan nhằm loại bỏ tổ chức amidan không còn vai trò miễn dịch và trở thành một ổ viêm chứa đầy các loại vi khuẩn, gây bít tắc đường hô hấp trên hoặc nghi ngờ phát triển thành u ác tính.

Phẫu thuật cắt amidan nên được chỉ định trong các trường hợp sau:

- Amidan quá to làm bít tắc đường hô hấp trên gây ngủ ngáy, ngủ không yên giấc, có những cơn ngưng thở trong lúc ngủ, bất thường về phát âm, khó nuốt, chậm phát triển thể chất.

- Viêm amidan mạn tính có trên 6 đợt tái phát trong 1 - 2 năm liên tiếp. Viêm amidan mạn tính kéo dài đã được điều trị nội khoa tích cực trong vòng 4 - 6 tuần nhưng bệnh nhân vẫn đau họng, viêm hạch cổ, hơi thở hôi.

- Có áp-xe quanh amidan ít nhất một lần phải nhập viện điều trị.

- Amidan chỉ to một bên kèm theo sưng hạch cổ cùng bên, nghi ngờ ung thư amidan.

Viêm amidan gây các biến chứng sốt thấp khớp, viêm vi cầu thận, viêm tai giữa, viêm xoang... tái đi tái lại nhiều lần.

Cắt amiđan có thể áp dụng ở nhiều lứa tuổi nhưng thường là sau 4 tuổi. Cá biệt, có trường hợp trẻ nhỏ hơn vẫn phải cắt amidan khi amidan quá to gây những cơn ngưng thở trong lúc ngủ hoặc gây biến chứng.

2. Biến chứng có thể xảy ra khi cắt amidan

Câu hỏi khi nào nên cắt amidan đã được giải đáp. Mặc dù cắt amidan mang lại nhiều lợi ích nhất định cho người bệnh nhưng nó cũng tiềm ẩn một số biến chứng. Trước khi quyết định cắt amidan, bệnh nhân cần thông báo với bác sĩ nếu đang mắc các bệnh lý về tim mạch, rối loạn huyết động, bệnh về gan, thận, sử dụng các thuốc chống đông máu hoặc dị ứng với các loại thuốc gây tê, gây mê để có phương án điều trị thích hợp.

Ngoài các biến chứng có thể xảy ra trong lúc phẫu thuật cắt amidan như gây tê, chảy máu,... người bệnh có thể gặp phải cảm giác buồn nôn, nôn mửa, đau họng, khó nuốt, sốt nhẹ, khó thở, đau tai và mệt mỏi sau khi cắt amidan.

- Chảy máu trong và sau khi phẫu thuật là một biến chứng cần lưu ý vì amidan nằm gần các mạch máu chính. Đây là tình trạng không phổ biến nhưng lại là nguy cơ nghiêm trọng có thể xảy ra khi tiến hành phẫu thuật. Người bệnh cần quay lại bệnh viện ngay lập tức nếu phát hiện có chảy máu không cầm được sau khi về nhà.

- Nhiễm trùng là biến chứng thường xảy ra với bất cứ thủ thuật nào xâm lấn đến cơ thể. Nếu bệnh nhân cắt amidan bị nhiễm trùng thì cần sử dụng kháng sinh để điều trị. Dấu hiệu của nhiễm trùng có thể là sốt trên 38 độ C, đau tai nhiều, ho, khạc đờm, khó thở,...

- Một số biến chứng hiếm xảy ra như bỏng, hẹp đường thở do sẹo phẫu thuật, tổn thương răng khi gây mê, các phản ứng dị ứng.

Như vậy, khi nào nên cắt amidan còn tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe của người bệnh, tần suất lặp lại tình trạng viêm và cân nhắc các biến chứng có thể xảy ra ở mỗi bệnh nhân. Trên cơ sở đó mới quyết định được phương án điều trị thích hợp.


Tác giả: Lê Cường