Mồ hôi là 1 dung dịch điện giải loãng bao gồm 99% nước, natri clorua, kali, bicarbonat, canxi, magie, lactat, amoniac và urê. Tuyến mồ hôi nằm trên toàn bộ cơ thể. Tùy từng loại tuyến mồ hôi mà dạng mồ hôi tiết ra sẽ có một số khác biệt. Chẳng hạn, tuyến mồ hôi apocrine (vùng da dầu, nách, hậu môn) tiết ra chất nhờn có chứa lipid, protein và steroid; tuyến mồ hôi eccrine (rải rác toàn bộ cơ thể, xuất hiện nhiều nhất ở lòng bàn tay và lòng bàn chân) lại bài tiết ra mồ hôi gốc nước có vai trò làm mát cơ bản cho cơ thể.
Trong khi mồ hôi ban đầu không có mùi thì vi khuẩn trên da hoặc các yếu tố khác có thể khiến mồ hôi có mùi khó chịu và tình trạng mồ hôi có mùi chua nồng khó chịu còn được gọi là hội chứng bromhidrosis (mồ hôi nặng mùi), ảnh hưởng nghiêm trọng tới sinh hoạt của người mắc.
Nguyên nhân mồ hôi có mùi chua như mùi giấm là gì? Ảnh: ST
Đọc thêm:
+ 8 thực phẩm khiến bạn đổ mồ hôi nhiều hơn
+ 6 hiểu lầm phổ biến về chứng tăng tiết mồ hôi
Có nhiều nguyên nhân khiến mồ hôi có mùi chua. Điều quan trọng cần nhớ rằng, mùi giấm chua mà bạn ngửi thấy trong mồ hôi của mình thậm chí người khác có thể không nhận ra. Theo Healthline, dưới đây là 7 nguyên nhân có thể khiến cơ thể có mùi mà bạn có thể tham khảo.
- Thức ăn: Các loại thực phẩm như thịt có thể thay đổi mùi mồ hôi của một người. Các nhà khoa học cho rằng có thể cơ thể bạn cần sử dụng nhiều năng lượng hơn để tiêu hóa protein từ động vật nên khiến cơ thể tiết nhiều mồ hôi hơn, dẫn tới mùi cơ thể nồng hơn.
Điều tương tự cũng xảy ra với các sản phẩm từ sữa, bao gồm sữa và pho mát. Theo Medical News Today, người gặp chứng rối loạn chuyển hóa dễ có mùi hôi cơ thể hơn khi tiêu thụ các sản phẩm từ sữa do cơ thể không thể phân hủy trimethylamine. Lúc này mùi mô hôi có thể có mùi tanh cá hoặc chua như giấm.
Đây cũng chính là lý do tại sao nhiều người ăn tỏi, hành tây, cà ri lại cảm thấy mùi cơ thể của mình nồng hơn do các loại gia vị này có nhiều axit sulfuric. Nhưng may mắn rằng mùi hôi này chỉ mang tính tạm thời.
- Căng thẳng: Khi căng thẳng, nhiệt độ cơ thể tăng lên và tuyến apocrine bị kích hoạt khiến cơ thể đổ mồ hôi và mồ hôi có thể có mùi giấm chua. Theo International Hyperhidrosis Society, tuyến apocrine có thể sản xuất nhiều mô hôi nhất do căng thẳng và mồ hôi do tuyến này tiết ra có mùi mạnh hơn so với tuyến eccrine.
- Thay đổi nội tiết tố: Khi hormone thay đổi trong các giai đoạn như dậy thì, mãn kinh, mang thai, chu kỳ kinh nguyệt hay tuổi già thì cơ thể có thể có mùi mồ hôi khác nhau.
- Chứng tăng tiết mồ hôi: Tăng tiết mồ hôi được hiểu là tình trạng một người bị đổ mồ hôi quá mức mà không liên quan tới các hoạt động thể chất hay môi trường có nhiệt độ cao từ các tuyến eccrine. Tình trạng đổ mồ hôi tới mức thấm qua cả quần áo, ảnh hưởng lớn tới sinh hoạt của người mắc. Tăng tiết mồ hôi có liên quan tới mùi mồ hôi bất thường.
Tăng tiết mồ hôi được hiểu là tình trạng một người bị đổ mồ hôi quá mức mà không liên quan tới các hoạt động thể chất hay môi trường có nhiệt độ cao (Ảnh: ST)
Tăng tiết mồ hôi có thể là tiên phát (có thể một phần do di truyền) hoặc tăng tiết mồ hôi thứ phát (phổ biến hơn) có liên quan tới các bệnh lý như tiểu đường, tuyến giáp, đau tim, rối loạn hệ thần kinh, nhiễm trùng, một vài loại bệnh ung thư hay bốc hỏa trong giai đoạn mãn kinh, đường huyết thấp, tác dụng phụ của thuốc,...
Một khi mồ hôi tăng tiết quá mức, trộn lẫn với vi khuẩn khu trú trên da sẽ khiến bạn ngửi thấy mùi mồ hôi chua như giấm hoặc có mùi nồng khó chịu.
- Bệnh tiểu đường: Khi bệnh tiểu đường không được quản lý và kiểm soát đúng cách, nồng độ glucose lưu lại trong máu nhiều hơn thay vì trong các tế bào (nơi mà glucose được sử dụng để làm năng lượng). Lúc này, thay vì đốt glucose thì cơ thể đốt cháy chất béo để lấy năng lượng đồng thời giải phóng sản phẩm acetone vào mồ hôi và hơi thở của bạn.
Trong đó, mùi acetone được mô tả là mùi ngọt tựa như mùa trái cây nhưng cũng có thể có mùi giống như mùi giấm.
- Bệnh thận: Mùi cơ thể của một người có thể bị ảnh hưởng bởi sức khỏe của thận. Đây chính là cơ quan có vai trò như một "nhà máy lọc" chất thải như urê. Nếu như urê không được loại bỏ và đưa ra ngoài thông qua quá trình bài tiết thì hợp chất này có thể tích tụ lượng lớn trong máu gây ra chứng urê máu và là dấu hiệu của bệnh suy thận.
Đôi khi lượng urê dư thừa cũng có thể thoát qua cơ thể bằng mồ hôi, từ đó gây ra mùi cơ thể hôi như mùi amoniac hoặc trong một số trường hợp mồ hôi có mùi chua như giấm.
Làm cách nào để chữa mồ hôi có mùi chua như giấm? Ảnh: ST
- Hội chứng mùi cá (Trimethylaminuria): Là hội chứng di truyền hiếm gặp có nguyên nhân là do rối loạn chuyển hóa, thường gặp nhiều hơn ở nữ giới. Xảy ra khi cơ thể không chuyển hóa trimethylamine có trong thực phẩm có mùi tanh khi ăn vào, khiến hóa chất tích tụ bên trong cơ thể, nhất là gan trước khi nó được bài tiết ra ngoài qua đường mồ hôi, nước tiểu và hơi thở dẫn đến mùi tanh như mùi cá. Độ nặng của mùi có thể khác nhau và cũng tùy theo thời điểm có mùi nặng nhẹ khác nhau ở người bị ảnh hưởng.
Dựa vào nguyên nhân gây ra tình trạng mồ hôi có mùi chua là gì mà bác sĩ có thể chỉ định các đối phó phù hợp. Đó có thể là thuốc kháng sinh nếu bệnh do nhiễm trùng liên quan tới vi khuẩn, thuốc chữa tăng tiết mồ hôi, thuốc chống mồ hôi như nhôm clorua, botox, công nghệ Miradry,...
Trong nhiều trường hợp, một số thay đổi đơn giản có thể giúp giảm mùi mồ hôi cơ thể khó chịu bao gồm:
- Tắm gội thường xuyên: Sử dụng các loại xà phòng, sữa tắm có tác dụng diệt khuẩn, giảm lượng vi khuẩn trên da phản ứng với mồ hôi gây ra mùi chua.
- Sử dụng các loại chất khử mùi, chất chống mồ hôi không kê đơn: Tùy từng cơ địa mà bạn có thể thử nghiệm các sản phẩm khác nhau để tìm ra loại phù hợp nhất với bản thân mình.
- Thay quần áo: Mồ hôi và mùi đi kèm có thể bám trên quần áo trong thời gian rất dài ngay cả khi mồ hôi đã ngừng tiết thêm. Nếu có thể, hãy chuẩn bị thêm quần áo dự phòng để thay khi cần thiết.
- Thay đổi chế độ ăn uống: Bao gồm cân nhắc giảm hoặc tránh các thực phẩm có thể khiến mồ hôi cơ thể nặng mùi.
- Uống nhiều nước hơn: Uống nhiều nước hơn có thể giúp mồ hôi "loãng" hơn, và điều này dường như giúp giảm mức độ của bất cứ thứ gì khiến mồ hôi có mùi chua như giấm hoặc mùi amoniac.
- Chọn quần áo phù hợp: Chọn quần áo được làm từ các sợi tự nhiên như cotton, giúp mồ hôi được thấm hút tốt, điều hòa nhiệt độ của da mát mẻ hơn, thông thoáng hơn.
- Kiểm soát căng thẳng: Bởi căng thẳng được xem như một nguyên nhân phổ biến có thể gây tăng tiết mồ hôi. Do vậy cần học cách kiểm soát căng thẳng hợp lý, chẳng hạn như các bài tập thiền, yoga, hít thở sâu,...
Mồ hôi có mùi chua khi nào cần khám bác sĩ? Ảnh: ST
Nếu mùi mồ hôi chua, nồng khó chịu ảnh hưởng tới sinh hoạt hàng ngày và việc thay đổi một số lối sống ăn uống, vệ sinh cá nhân không giúp tình trạng này cải thiện hơn, tốt nhất bạn nên thăm khám bác sĩ để chẩn đoán xem nguyên nhân khiến mồ hôi có mùi chua do đâu và có biện pháp điều trị phù hợp.
Ngoài ra, nếu như nhận thấy mùi cơ thể chua kèm theo các triệu chứng sau đây thì cần nhanh chóng thăm khám bác sĩ sớm bởi nó có thể là một tình trạng cảnh báo bệnh lý sức khỏe nghiêm trọng hơn:
- Nước tiểu có mùi hôi nồng bất thường, nước tiểu có bọt, nước tiểu có lẫn máu, tiểu nhiều lần, có thể liên quan tới bệnh tiểu đường hoặc bệnh lý tại thận.
- Xuất hiện các nốt mủ, mụn nước hoặc các thay đổi bất thường khác trên da, có thể là dấu hiệu nhiễm trùng da.
- Giảm hoặc tăng cân đột ngột, có thể liên quan tới bệnh tiểu đường hoặc dấu hiệu bệnh ung thư.
- Mệt mỏi nghiêm trọng.
- Khó thở, lú lẫn.
- Mồ hôi, nước tiểu hoặc hơi thở có mùi trái cây.
- Mắt sưng húp.
Nhìn chung, mồ hôi có mùi chua như giấm có thể khiến một người tự ti, e ngại trong giao tiếp. Do vậy cần có biện pháp xử lý kiểm soát tốt căn nguyên gây ra tình trạng này là gì. Việc đổ mồ hôi khi tập thể dục cường độ cao hoặc khi thời tiết nóng bức được xem như điều hoàn toàn bình thường nhưng tăng tiết quá mức hoặc gây ra các mùi hôi khó chịu dù không hoạt động mạnh thì cần được chú ý, đặc biệt là khi mồ hôi có mùi chua kèm theo các tình trạng sức khỏe bất thường khác.
Nguồn dịch tham khảo:
1. 7 Reasons Your Sweat Might Smell Like Vinegar
2. Sweat smelling like vinegar: What to know