Thông thường móng tay khỏe sẽ có màu móng tay hồng nhạt, phần bán nguyệt gần với gốc móng tay sẽ có màu trắng. Bề mặt móng tay thường trơn, nhẵn không bị rỗ hay sọc, rãnh. Tuy nhiên, nếu xuất hiện tình trạng móng tay tím tái, bạn cần quan sát một số triệu chứng liên quan bởi đây có thể là dấu hiệu cảnh báo bệnh lý tiềm ẩn nào đó.
Các triệu chứng khác bên cạnh móng tay tím tái có thể gặp bao gồm:
- Thở hụt hơi
- Mệt mỏi
- Ho
- Đau tức ngực hoặc nặng ngực như bị ép
- Mất cảm giác thèm ăn
- Đau dạ dày, buồn nôn và nôn mửa
- Chứng ngón tay dùi trống
- Yếu cơ
- Sưng mắt cá chân, bàn chân hoặc chân
- Thở nhanh, thở hụt hơi
- Lú lẫn
- Đau chân
- Da ẩm ướt
- Bồn chồn, lo lắng, căng thẳng khó diễn tả
- Tê hoặc ngứa ra một vùng trên cơ thể chẳng hạn như đầu các chi
- Nhịp tim không đều.
Với trẻ sơ sinh, móng tay tím tái có thể xuất hiện kèm theo các vấn đề về ăn uống và tăng cân.
Đọc thêm:
+ Nghiện cắn móng tay: Rối loạn tâm thần hay chỉ là một thói quen xấu?
+ Móng tay giòn và dễ gãy: Dấu hiệu thiếu canxi, nguy cơ mắc bệnh loãng xương?
Tình trạng móng tay tím tái có thể là hậu quả của việc tiếp xúc với nhiệt độ lạnh đột ngột, một số bệnh về phổi và tim, các vấn đề về tuần hoàn, vấn đề về huyết sắc tố và nhiều vấn đề sức khỏe khác.
Theo Medical News Today, dưới đây là một số nguyên nhân có thể khiến một người xuất hiện móng tay tím tái thường gặp không liên quan tới nhiệt độ thấp. Tím tái cũng có thể xuất hiện ở các bộ phận khác của cơ thể như đầu ngón chân, da, mũi, môi và lưỡi.
- Bệnh phổi
Một số bệnh về phổi có thể khiến mức oxy trong máu thấp hơn bình thường, đặc biệt là ở trong các động mạch (còn được gọi là thiếu oxy máu), chẳng hạn: Viêm phổi, viêm tiểu phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, bệnh phổi kẽ, tăng áp phổi, thuyên tắc phổi, hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển và hen suyễn.
Triệu chứng phổ biến của các bệnh về phổi là: Khó thở, thở nhanh, thở gấp, ho kéo dài, ho có lẫn máu hoặc dịch hồng, hít thở có cảm giác đau khó chịu, đau tức ngực, mệt mỏi thường xuyên, sưng đau ở chân,...
- COVID-19
Người nhiễm COVID-19 tiến triển nghiêm trọng có thể dẫn tới các vấn đề về hô hấp và chứng xanh tím. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Hoa Kỳ, nếu thấy da, môi hoặc móng tay xanh tím và nhợt nhạt, hãy thử kiểm tra bằng que test nhanh COVID tại nhà và tìm kiếm chăm sóc y tế khi cần thiết.
Các triệu chứng COVID-19 có thể kể đến như những biểu hiện tương tự với bệnh cúm bao gồm chảy nước mũi, đau nhức đầu, ho, yếu cơ, mệt mỏi, đau họng.
- Tắc nghẽn đường thở
Tắc nghẽn đường thở có thể khiến việc lấy oxy của cơ thể gặp nhiều khó khăn, điều này dẫn tới thiếu oxy máu. Các tình trạng có thể gây tắc nghẽn đường thở bao gồm: Ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn; nghẹt thở do dị vật trong đường thở; sưng hoặc viêm xung quanh dây thanh quản (còn gọi là viêm thanh quản) hoặc nắp thanh quản (viêm nắp thanh quản).
- Bệnh tim
Một số tình trạng về tim có thể ảnh hưởng tới lượng máu mang oxy mà tim có thể bơm đi khắp cơ thể. Khi lượng máu lưu thông không đáp ứng được nhu cầu cơ thể sẽ gây ra chứng tím tái và các vấn đề nghiêm trọng khác.
Các tình trạng này bao gồm:
+ Suy tim sung huyết : Bệnh lý mạn tính xảy ra khi cơ tim không đủ khả năng bơm máu mang oxy tới các cơ quan trong cơ thể.
+ Sốc tim: Sốc tim xảy ra khi tim đột ngột không thể bơm đủ máu cung cấp cho các cơ quan trong cơ thể, nó thường xảy ra sau một cơn đau tim nghiêm trọng.
+ Bệnh tim bẩm sinh hoặc các vấn đề về cấu trúc tim xuất hiện từ khi sinh ra bao gồm hẹp eo động mạch chủ, đứt đoạn cung động mạch chủ, hội chứng Eisenmenger và còn ống động mạch.
+ Bệnh van tim: Tình trạng một hoặc nhiều van tim bị ảnh hưởng chức năng hoạt động, khiến việc lưu thông máu không thể diễn ra như bình thường.
+ Ngừng tim đột ngột: Tình trạng mất đột ngột mọi hoạt động của tim. Người bệnh sẽ ngừng thở, tim ngừng đập và bất tỉnh.
Trong đó, sốc tim và ngừng tim đột ngột đòi hỏi cần chăm sóc y tế khẩn cấp nếu không có thể dẫn tới mất mạng.
- Bất thường về tế bào máu và mạch máu
Một số vấn đề liên quan tới tế bào máu và mạch máu cũng có thể gây ra hiện tượng móng tay xanh tím, bao gồm:
+ Methemoglobin huyết: Là một tình trạng rối loạn máu, trong đó oxy được vận chuyển tới các tế bào rất ít và lượng methemoglobin bất thường được sản xuất (một dạng hemoglobin (huyết sắc tố) không thể giải phóng oxy). Một người có thể bị tình trạng này từ khi sinh ra hoặc phát triển sau khi tiếp xúc với một số hóa chất hoặc thuốc như kháng sinh và thuốc gây tê tại chỗ.
+ Ngộ độc khí carbon monoxide: Khiến các hemoglobin mất khả năng liên kết oxy và gây ra các triệu chứng cấp tính như nhức đầu, buồn nôn, yếu, đau thắt ngực, khó thở, mất ý thức, co giật, hôn mê.
+ Bệnh đa hồng cầu: Một loại ung thư máu hiếm gặp xảy ra khi tủy xương sản xuất quá nhiều tế bào máu, trong đó tế bào hồng cầu được sản xuất nhiều nhất khiến độ nhớt của máu tăng lên, dòng chảy máu chậm lại và từ đó làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông dẫn tới khả năng cung cấp oxy cho cơ thể giảm, tăng rủi ro đột quỵ, tai biến mạch máu não, xơ vữa động mạch, tắc động mạch,... nguy hiểm tới tính mạng.
Ngoài những nguyên nhân kể trên thì móng tay tím tái có thể do ngộ độ xyanua, hệ quả của cơn động kinh kéo dài, quá liều thuốc an thần, chênh lệch môi trường có độ cao lớn.
Điều trị tình trạng móng tay tím tái sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra là gì. Bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám sức khỏe, kiểm tra tiền sử bệnh và chỉ định một số xét nghiệm như đo nồng độ oxy trong máu (Pulse oximetry), phân tích khí máu động mạch (ABG), siêu âm tim, chụp CT hoặc X-quang kiểm tra tim phổi hoặc hội chứng tím ngoại biên.
Trong quá trình chẩn đoán, bác sĩ sẽ loại trừ tình trạng giả xanh tím (pseudocyanosis) - một tình trạng khiến người bệnh xuất hiện các triệu chứng tương tự với hội chứng xanh tím - do ăn phải kim loại như sắt hoặc một số loại thuốc gây ra.
Hãy thăm khám bác sĩ nếu tình trạng móng tay tím tái không phải do nhiệt độ thấp hoặc chênh lệch độ cao (môi trường thiếu oxy) gây ra và tiếp tục kéo dài. Đặc biệt khi móng tay tím tái kèm theo các triệu chứng như đau tức ngực, khó thở, đổ mồ hôi nhiều hơn, chóng mặt, lú lẫn hoặc ngất xỉu - các dấu hiệu này có thể cảnh báo một cơn đột quỵ hoặc bệnh tim cần chăm sóc y tế khẩn cấp.
Nguồn dịch tham khảo:
1. What conditions can cause blue nails, and when should you seek help?
2. Why Are My Fingernails Blue?
3. Blue or Purple Nails: Causes and Diagnosis