Triệu chứng viêm phế quản kéo dài bao lâu? Khi nào cần gặp bác sĩ?

Viêm phế quản gây kích ứng và viêm tại phế quản. Bệnh có thể cấp tính, hoặc mạn tính. Triệu chứng viêm phế quản cấp tính thường khỏi sau 10-14 ngày, một số trường hợp bệnh có thể kéo dài đến 3 tuần. Viêm phế quản mạn tính là một dạng của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), bệnh thành từng đợt, mỗi đợt ít nhất 3 tháng.

Khi cơ thể mệt mỏi, stress, giao mùa, là những điều kiện thuận lợi cho virus gây bệnh phát triển. Viêm phế quản là bệnh lý lành tính và có thể tự khỏi nhưng bệnh sẽ trở nặng nếu không biết cách chăm sóc, đặc biệt bệnh ở những cơ địa đặc biệt như người già, trẻ nhỏ.

1. Triệu chứng viêm phế quản kéo dài bao lâu?

Đợt cấp có thể gặp ở mọi lứa tuổi, ngoại trừ trẻ sơ sinh. Triệu chứng viêm phế quản điển hình là ho, thường kéo dài từ 10 đến 14 ngày hoặc hơn. Ngoài ra, sốt, mệt mỏi, đau nhức cơ, đau ngực khi ho cũng là những dấu hiệu hay gặp. Biểu hiện bệnh ở trẻ em và người lớn là như nhau.

Đối với người già, suy kiệt, triệu chứng viêm phế quản thường nặng, kéo dài hơn, có nhiều biến chứng, một trong số đó là viêm phổi. Bệnh nhân có thể thở nhanh, nặng hơn là rối loạn ý thức.

Ảnh 2.

Người già có thể bị thở nhanh khi xảy ra biến chứng viêm phổi (Ảnh: Internet)

Viêm mạn tính thường gặp ở người lớn hơn trẻ em. Triệu chứng cũng tương tự như đợt cấp nhưng kéo dài hơn. Biểu hiện bệnh là ho có đàm, đàm xanh, trắng đục từng đợt, mỗi đợt kéo dài ít nhất 3 tháng, trong ít nhất 2 năm liên tục. Người bệnh hay than khó thở, sốt nhẹ, tức ngực.

Viêm cấp tính thường gây ra bởi virus, vi khuẩn hoặc cùng lúc cả hai. Thường gặp nhất là do virus, ví dụ như influenza virus.

Viêm mạn tính thường là hậu quả của hút thuốc lá quá nhiều. Ngoài ra những nguyên nhân khác như: môi trường ô nhiễm, hút thuốc lá thụ động.

2. Thời điểm lây bệnh

Khoảng 90% viêm cấp tính có nguyên nhân là do virus. Đường lây truyền bệnh do virus thường là qua đường không khí, ho, hắt hơi. Thời kì ủ bệnh kéo dài khoảng 2 đến 6 ngày trước khi triệu chứng viêm phế quản đầu tiên xuất hiện, đây cũng là thời kì bệnh bắt đầu lây lan. Bạn cần lưu ý, ho khan chỉ là tình trạng kích ứng đường hô hấp và không do nhiễm trùng.

Đợt cấp do vi khuẩn ít lây hơn do virus. Nhưng ngược lại, triệu chứng viêm phế quản nặng hơn, biến chứng nhiều hơn đặc biệt là người suy giảm miễn dịch, người lớn tuổi, trẻ em. Nếu bạn uống kháng sinh đúng theo hướng dẫn bác sĩ, nguy cơ lây bệnh giảm sau 24 đến 48 giờ.

Viêm phế quản giai đoạn mạn tính thường không lây bệnh.

3. Những lưu ý khi chăm sóc bệnh nhân tại nhà

Triệu chứng viêm phế quản đa phần là ho, mệt mỏi, sốt nhẹ, ớn lạnh. Vì vậy, bạn có thể áp dụng các biện pháp dưới dây để giảm triệu chứng bệnh:

- Ngủ đủ giấc, hạn chế stress, nghỉ ngơi đầy đủ.

- Uống đủ nước, ít nhất 2 lít nước mỗi ngày. Có thể uống bất kì loại nước nào: nước lọc, trà, soup,...

- Phun khí dung, xông mũi làm loãng đàm. Có thể sử dụng nước muối sinh lý để rửa mũi, rửa 3 lần/tuần sẽ giúp cải thiện triệu chứng viêm phế quản như nghẹt mũi, sổ mũi, hắt xì hơi.

- Có thể sử dụng thuốc hạ sốt, để hạ sốt và giảm triệu chứng. Uống thuốc hạ sốt khi sốt >37,5 độ C, cách mỗi 4-6 tiếng...

Ảnh 4.

Nếu bị sốt có thể dùng thuốc hạ sốt đề giảm nhẹ triệu chứng (Ảnh: Internet)

- Sử dụng thuốc giảm ho theo y lệnh bác sĩ.

- Bổ sung các loại thực phẩm như gừng, tỏi, mật ong, cam chanh, .. sẽ giúp mau lành bệnh và giảm triệu chứng. Tránh các loại thức ăn có nhiều đường, nước ngọt có gas, thức uống lạnh, tránh ăn thức ăn sống, khó tiêu,..

- Tránh tiếp xúc khói thuốc lá hoặc môi trường ô nhiễm.

- Nên đeo khẩu trang và giữ ấm vùng cổ và mũi miệng khi ra ngoài.

4. Khi nào cần đến gặp bác sĩ?

Bệnh có thể tự khỏi, nhưng khi có những dấu hiệu dưới đây bạn nên đến gặp bác sĩ:

- Thường xuyên có những đợt cấp tính

- Hắt xì, ho kéo dài hơn 4 tuần

- Khó thở, tím tái

- Ho ra máu hoặc đàm lẫn máu

- Triệu chứng viêm phế quản không giảm, nặng hơn, cơ thể mệt mỏi, uể oải.

Tóm lại, tùy từng loại bệnh mà thời gian xuất hiện triệu chứng khác nhau. Thường triệu chứng viêm phế quản cấp khỏi sau 10-14 ngày. Viêm phế quản mạn sẽ không khỏi và tái đi tái lại. Người già, trẻ em, bệnh nhân suy giảm miễn dịch, triệu chứng nặng hơn và thường gây ra bởi vi khuẩn.

Đa số các trường hợp bệnh là do virus và không đáp ứng với kháng sinh. Viêm cấp tính thường tự khỏi sau vài tuần mà không cần sử dụng kháng sinh. Nếu triệu chứng không giảm, kéo dài, bạn nên đến gặp bác sĩ.

Nguồn tham khảo: https://www.healthline.com/health/how-long-does-bronchitis-last


Tác giả: Hồng Phượng