Triệu chứng viêm đường tiết niệu là gì? Cách chữa trị và biện pháp phòng ngừa

Triệu chứng viêm đường tiết niệu là gì? Cách chữa trị và biện pháp phòng ngừa
Tìm hiểu và phát hiện sớm các triệu chứng viêm đường tiết niệu cũng như các biện pháp phòng ngừa và chữa trị là vô cùng quan trọng giúp bảo vệ chính sức khỏe của bản thân và gia đình.

Đường tiết niệu (hay còn gọi là hệ tiết niệu) là cơ quan giúp cơ thể lọc máu, hình thành và bài tiết nước tiểu cũng như các chất độc hại và dư thừa của chuyển hóa ra ngoài. Viêm đường tiết niệu là bệnh lý phổ biến do vi khuẩn gây ra ở cả nam và nữ. Viêm đường tiết niệu gây ra sự khó chịu và nếu không chữa trị sớm sẽ để lại biến chứng nguy hiểm cho người bệnh. Vì vậy, tìm hiểu và phát hiện sớm các triệu chứng viêm đường tiết niệu cũng như các biện pháp phòng ngừa và chữa trị là vô cùng quan trọng giúp bảo vệ chính sức khỏe của bản thân và gia đình.

1. Viêm đường tiết niệu là bệnh gì?

Viêm đường tiết niệu hay nhiễm khuẩn tiết niệu là một trong những bệnh nhiễm khuẩn hay gặp nhất ở người. Hầu hết các trường hợp viêm đường tiết niệu là do vi khuẩn, tuy nhiên cũng có những trường hợp là do nấm và trong một số trường hợp hiếm gặp là do vi rút.

Viêm đường tiết niệu có thể xảy ra ở bất cứ vị trí nào trong đường tiết niệu như thận, niệu quản, bàng quang và niệu đạo. Phần lớn các ca bệnh viêm đường tiết niệu đều do nhiễm khuẩn ở cơ quan tiết niệu dưới bao gồm bàng quang và niệu đạo. Tuy nhiên, dù viêm đường tiết niệu ở cơ quan tiết niệu trên ít gặp hơn nhưng thường nghiêm trọng hơn.

Triệu chứng viêm đường tiết niệu là gì? Cách chữa trị và biện pháp phòng ngừa  - Ảnh 1.

Viêm đường tiết niệu hay nhiễm khuẩn tiết niệu là một trong những bệnh nhiễm khuẩn hay gặp nhất ở người. (Ảnh: Internet)

2. Đối tượng mắc viêm đường tiết niệu

Bất cứ ai cũng đều có nguy cơ mắc viêm đường tiết niệu bao gồm cả trẻ em, người trưởng thành và người lớn tuổi. Có một đến 2% trẻ em mắc viêm đường tiết niệu. Ở tuổi trưởng thành, cả nam giới và nữ giới đều có thể mắc bệnh, tuy nhiên nguy cơ mắc bệnh ở nữ giới cao hơn do cấu trúc giải phẫu đường niệu đạo ở nữ giới ngắn hơn khiến vi khuẩn dễ xâm nhập hơn. Cứ 5 phụ nữ thì có 1 người mắc. 

Theo thống kê, mỗi năm có khoảng 8 đến 10 triệu trường hợp mắc viêm đường tiết niệu. Khoảng 60% nữ giới và 12% nam giới sẽ có ít nhất một lần mắc viêm đường tiết niệu trong đời.

Xem thêm:

 - Sỏi thận có thể gây ra biến chứng viêm đường tiết niệu: Tìm hiểu cách nhận biết chính xác

 - Tổng quan về bệnh sỏi tiết niệu

3. Nguyên nhân gây viêm đường tiết niệu

Hơn 90% các trường hợp viêm đường tiết niệu là do vi khuẩn E.coli - một loại vi khuẩn kí sinh trong ruột già.

Triệu chứng viêm đường tiết niệu là gì? Cách chữa trị và biện pháp phòng ngừa  - Ảnh 2.

Vi khuẩn E.coli là nguyên nhân chính gây viêm đường tiết niệu. (Ảnh: Internet)

Ngoài ra, cũng tồn tại các nguyên nhân khác làm tăng nguy cơ mắc viêm đường tiết niệu ở nữ giới bao gồm:

- Quan hệ tình dục: phụ nữ đã quan hệ tình dục có nguy cơ mắc bệnh cao hơn phụ nữ chưa quan hệ tình dục.

- Biện pháp tránh thai: phụ nữ sử dụng các biện pháp tránh thai như đặt vòng tránh thai hay sử dụng thuốc diệt tinh trùng cũng có nguy cơ mắc viêm đường tiết niệu cao.

- Thời kỳ mãn kinh: vào thời kỳ mãn kinh, sự lưu thông estrogen suy giảm gây ra những thay đổi trong đường tiết niệu khiến phụ nữ dễ bị nhiễm trùng đường tiết niệu hơn.

Bên cạnh đó, mắc viêm đường tiết niệu cũng là do:

- Bất thường trong đường tiết niệu: trẻ sinh ra với những bất thường về đường tiết niệu khiến nước tiểu không thể thoát ra ngoài cơ thể một cách bình thường hoặc khiến nước tiểu trào ngược lên niệu đạo sẽ làm tăng nguy cơ mắc viêm đường tiết niệu.

- Tắc nghẽn đường tiết niệu: sỏi thận hay phì đại tuyến tiền liệt khiến nước tiểu bị giữ lại trong bàng quang cũng làm tăng nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu.

- Suy giảm miễn dịch: bệnh tiểu đường và các bệnh lý khác làm suy giảm hệ miễn dịch - cơ quan bảo vệ cơ thể chống lại vi khuẩn - có thể làm tăng nguy cơ mắc viêm đường tiết niệu.

- Sử dụng ống thông tiểu: những người không thể tự đi tiểu và phải sử dụng ống thông tiểu có nguy cơ mắc viêm đường tiết niệu cao hơn.

- Thủ thuật tiết niệu: phẫu thuật tiết niệu hoặc kiểm tra đường tiết niệu có liên quan đến dụng cụ y tế đều có thể làm tăng nguy cơ bị nhiễm trùng đường tiết niệu.

4. Triệu chứng viêm đường tiết niệu

Triệu chứng viêm đường tiết niệu ở cơ quan tiết niệu dưới

Nhiễm trùng đường tiết niệu dưới ảnh hưởng đến niệu đạo và bàng quang. Các triệu chứng bao gồm:

- Cảm giác nóng rát, đau buốt khi đi tiểu

- Tần suất đi tiểu nhiều nhưng lượng nước tiểu ít

- Thường xuyên buồn đi tiểu

- Nước tiểu có máu

- Nước tiểu đục

- Nước tiểu có màu giống như cola hoặc trà

- Nước tiểu có mùi nặng

- Đau vùng chậu ở phụ nữ

- Đau trực tràng ở nam giới

Triệu chứng viêm đường tiết niệu ở cơ quan tiết niệu trên

Nhiễm trùng đường tiết niệu trên ảnh hưởng đến thận và có thể đe dọa đến tính mạng nếu vi khuẩn di chuyển từ thận vào máu và làm nhiễm trùng máu. Các triệu chứng viêm đường tiết niệu trên bao gồm:

- Đau lưng trên và hai bên hông

- Ớn lạnh

- Sốt

- Buồn nôn

- Nôn mửa

Triệu chứng viêm đường tiết niệu ở trẻ em

- Trẻ em mắc viêm đường tiết niệu có thể có các triệu chứng sau:

- Sốt nhẹ hoặc sốt cao: trẻ thường không sốt hoặc sốt nhẹ khi bị nhiễm trùng đường tiểu dưới. Tuy nhiên, trẻ sẽ sốt cao liên tục trên 39 độ C khó hạ khi bị nhiễm trùng đường tiểu trên.

- Biếng ăn, kém chơi và hay quấy khóc

- Rối loạn tiêu hóa: trẻ bị nôn hoặc tiêu chảy

Rối loạn tiểu tiện: trẻ đi tiểu khó, phải rặn, đái buốt, đái rắt, đái nhiều về đêm, nước tiểu có màu trắng đục, nước tiểu có nhiều cặn, có mùi khai hoặc nặng mùi hơn bình thường. Nhiều trẻ có biểu hiện la hét khi đi tiểu.

5. Cách điều trị viêm đường tiết niệu

Cách điều trị viêm đường tiết niệu tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Bác sĩ sẽ dựa vào kết quả xét nghiệm để xác định nguyên nhân gây nhiễm trùng.

Các trường hợp nhiễm trùng đường tiết niệu do vi khuẩn sẽ được điều trị bằng thuốc kháng sinh.

Trường hợp nhiễm trùng do vi rút hoặc nấm sẽ được điều trị bằng các loại thuốc kháng vi rút và kháng nấm.

6. Biến chứng của viêm đường tiết niệu

Khi được điều trị kịp thời và đúng cách, bệnh viêm đường tiết niệu dưới hiếm khi dẫn đến biến chứng. Nhưng nếu không được điều trị, nhiễm trùng đường tiết niệu có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng.

Các biến chứng của viêm đường tiết niệu có thể bao gồm:

- Nhiễm trùng tái phát, đặc biệt ở những phụ nữ bị nhiễm trùng đường tiết niệu từ hai lần trở lên trong vòng sáu tháng hoặc một năm.

- Tổn thương thận vĩnh viễn do nhiễm trùng thận cấp tính hoặc mãn tính (viêm bể thận).

- Hẹp niệu đạo ở nam giới do viêm niệu đạo tái phát.

- Nhiễm trùng huyết, một biến chứng có thể đe dọa tính mạng của người bệnh nếu nhiễm trùng lan lên thận và làm nhiễm trùng máu.

- Phụ nữ mang thai mắc viêm đường tiết niệu, nếu không phát hiện và điều trị bệnh kịp thời, có thể sảy thai hoặc sinh non.

- Bệnh viêm đường tiết niệu còn có thể gây tắc vòi trứng dẫn tới vô sinh ở phụ nữ.

- Biện pháp phòng ngừa viêm đường tiết niệu

7. Biện pháp phòng ngừa viêm đường tiết niệu

Bằng cách áp dụng các biện pháp sau, bạn có thể phòng ngừa nguy cơ mắc viêm đường tiết niệu:

- Uống nhiều nước khoảng 2-2,5 lít mỗi ngày để tăng lượng nước tiểu giúp loại bỏ vi khuẩn ra khỏi đường tiểu

- Tăng cường sử dụng thực phẩm nhiều vitamin C như các loại hoa quả có múi

- Giữ gìn vệ sinh cá nhân sạch sẽ, đặc biệt là trước và sau khi quan hệ

- Đi tiểu trước và sau khi quan hệ 

- Tránh sử dụng các dung dịch vệ sinh phụ nữ gây kích ứng

- Lau hậu môn từ trước ra sau khi đi đại tiện để ngăn vi khuẩn xâm nhập vào lỗ niệu đạo từ hậu môn

- Nên đi tiểu khi có nhu cầu, tránh nhịn tiểu khiến nước tiểu bị ứ đọng tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển

- Khi đi tiểu nên đi từ từ

- Không mặc đồ lót chật, bó sát, hay làm bằng chất liệu bí, nóng như nylon

Triệu chứng viêm đường tiết niệu là gì? Cách chữa trị và biện pháp phòng ngừa  - Ảnh 3.

Uống nhiều nước (khoảng 2-2,5 lít mỗi ngày) là một thói quen tốt giúp ngăn ngừa viêm đường tiết niệu. (Ảnh: Internet)

Biện pháp phòng ngừa viêm đường tiết niệu ở trẻ cũng tương tự như đối với người lớn, bao gồm:

- Dặn trẻ không nên nhịn tiểu

- Khuyến khích trẻ uống nhiều nước

- Cho trẻ ăn đủ chất dinh dưỡng để làm tăng sức đề kháng

- Vệ sinh đúng cách cho trẻ (không lau từ sau ra trước). Đối với các bé vẫn dùng bỉm, cần kiểm tra và thay bỉm cho trẻ ngay sau khi trẻ đi vệ sinh.

Phát hiện sớm các triệu chứng viêm đường tiết niệu và có biện pháp chữa trị kịp thời, đúng cách sẽ giúp người bệnh mau khỏi và không gây biến chứng hay nguy hiểm đến tính mạng. Tuy nhiên, khi nghi ngờ hoặc đã mắc bệnh, người bệnh không nên tự ý dùng thuốc mà nên đi khám bác sĩ ngay và tuân theo phác đồ điều trị mà bác sĩ chỉ định để tránh tình trạng bệnh tiến triển xấu hơn, để lại những hậu quả không đáng có.

Nguồn tham khảo:

https://www.nhs.uk/conditions/urinary-tract-infections-utis/

https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/urinary-tract-infection/symptoms-causes/syc-20353447

https://www.healthline.com/health/urinary-tract-infection-adults#utis-and-pregnancy

https://www.urologyhealth.org/urology-a-z/u/urinary-tract-infections-in-adults

https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/9135-urinary-tract-infections

Tác giả: Phạm Trang